Tiền sẽ còn rẻ hơn
Thành Nam
(TBKTSG) - Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính đề xuất cho phép Kho bạc Nhà nước (KBNN) được sử dụng tiền nhàn rỗi để mua lại trái phiếu chính phủ (TPCP) các kỳ hạn từ ngân hàng thương mại đang gây chú ý của các tổ chức tín dụng. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần cho rằng việc này thực ra là tiền từ túi này bỏ qua túi kia.
Hoạt động giao dịch thanh toán tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Lý do: KBNN là nơi phát hành TPCP, tức “bán giấy thu tiền”, nay tiền tiêu không kịp hoặc không hết, lại đem ra “mua giấy” đã phát hành. Thế không bỏ tiền từ túi nọ qua túi kia là gì? Nhưng kiểu bỏ túi này có tác dụng để tiền nhàn rỗi của KBNN được hưởng lợi (lợi tức trái phiếu dù sao cũng cao hơn lãi suất gửi tiền không kỳ hạn).
Trưởng bộ phận ngân quỹ của một ngân hàng khác thì đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang làm nghiệp vụ này rồi (NHNN mua giấy tờ có giá từ các tổ chức tín dụng, hoặc repo trái phiếu qua kênh OMO, hoặc mua ngoại tệ nếu cần thiết...), chủ yếu là để hỗ trợ, điều tiết thanh khoản thị trường. Nay cho phép KBNN dùng tiền nhàn rỗi tạm thời mua lại TPCP, có khác nào cũng tham gia điều tiết thanh khoản thị trường cùng NHNN? Vậy tới đây sẽ có tới hai cơ quan quản lý nhà nước điều tiết thanh khoản thị trường tiền tệ?
Một chuyên gia kinh tế phân tích “Nhà nước thiếu tiền thì phát hành trái phiếu. Thu tiền về nhiều không sử dụng hết còn tồn đọng ở Kho bạc. Kho bạc mua lại trái phiếu thì Nhà nước hết tiền nhàn rỗi, lại phát hành trái phiếu. Đây là cái vòng luẩn quẩn, kế hoạch hóa kém, song thị trường tài chính có thể vẫn chấp nhận vì tính thanh khoản”. Trên thực tế, hành động mua lại trái phiếu của KBNN có khả năng làm tăng/giảm nhu cầu TPCP trên thị trường từng thời điểm và tác động đến lợi tức trái phiếu, nó thể hiện vai trò của KBNN là người cầm trịch và điều tiết thị trường trái phiếu.
Đại diện một ngân hàng bình luận sòng phẳng hơn ở vị trí người kinh doanh tiền tệ: “Nhu cầu phát hành trái phiếu dài hạn khác với gửi tiền nhàn rỗi ngắn hạn. Trong trường hợp dự thảo quy định trên được thực hiện, Kho bạc có lợi, nhưng NHNN chắc sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trong mỗi bước điều hành chính sách tiền tệ, nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường”. Và ông kết luận từ trước đến nay chỉ thấy chính sách tiền tệ hỗ trợ tài khóa, giờ lại thấy tài khóa hỗ trợ tiền tệ!
Dù đứng ở góc độ nào, rõ ràng, tiền đang thừa và thanh khoản thị trường sẽ được giải tỏa ngay lập tức khi có nhu cầu. Nói cách khác, tiền đang ở tư thế sẵn sàng để đẩy tín dụng, chi tiêu công nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP cuối năm ở mức tối đa có thể. Vấn đề là tiền sẵn sàng nhiều thế, còn chi tiêu đến đâu và hiệu quả đến đâu lại là chuyện khác.
Tiền rẻ đã chảy và vẫn đang chảy, điều này khiến cho chứng khoán đã được hưởng lợi từ quí 2-2020 đến nay, sẽ còn được hưởng lợi nhiều hơn. Lãi suất thấp, tiền rẻ luôn là cơ hội cho chứng khoán. Chẳng thế mà số tài khoản mở mới của nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9 vừa qua, và tổng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong chín tháng đầu năm nay đã vượt cả số lượng mở trong năm ngoái. VN-Index chỉ còn cách mốc 961 điểm cuối năm ngoái bằng 1-2 phiên tăng mạnh mẽ. Khả năng chỉ số vượt lên khỏi 960 điểm xem ra có phần khả thi vì mùa công bố kết quả kinh doanh quí 3 đang đến gần.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vốn hóa lớn có ảnh hưởng quyết định đến VN30 và VN-Index như VCB, CTG, GAS, MSN, VNM, VIC, VHM, MWG... đều được dự báo có tăng trưởng ở nhiều mức độ khác nhau. Trong bối cảnh dịch bệnh mà những “ông lớn” này vẫn tăng trưởng là một thông tin tích cực.
Ngoài ra, cuối cùng Bộ Tài chính cũng đã đồng ý với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh, nơi Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Động thái này mở ra hướng giải quyết lâu dài câu chuyện tăng vốn và đi kèm là tăng trưởng tín dụng của CTG, VCB, BID.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính đang chứng kiến sự bứt phá trong nhu cầu mua bán- sáp nhập doanh nghiệp (M&A) các ngân hàng cổ phần, nhất là những ngân hàng quy mô nhỏ, vừa, đang trong quá trình tái cơ cấu bởi nhiều chủ thể có ý định tham gia mảng ngân hàng số.
Khi mà dòng tiền rẻ bên ngoài Việt Nam hiện hữu ở mọi quốc gia, cái giá để mua bán tỷ lệ chi phối ở một ngân hàng dưới các hình thức sở hữu đa dạng trở nên hấp dẫn. Thị trường chuyển nhượng ngân hàng đã có thể sôi động hơn hẳn nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn nữa ở khu vực châu Á và các tổ chức đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore có thể đến Việt Nam với thời gian cách ly ngắn hơn hiện tại. Ít nhất năm 2021 giới đầu tư sẽ được chứng kiến những thương vụ M&A trị giá hàng tỉ đô la Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng.
Xem thêm: lmth.noh-er-noc-es-neit/404903/nv.semitnogiaseht.www