Thêm một tuần giao dịch nữa khối ngoại bán ròng mạnh. Các phiên giao dịch chứng khoán từ ngày 12-16.10, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.700 tỉ đồng.
Khối ngoại bán ròng do đâu?
Tính ra bình quân mỗi phiên khối ngoại bán ròng hơn 340 tỉ đồng. Mức bán ròng này cao hơn gấp rưỡi so với giá trị bán ròng bình quân/phiên của giai đoạn từ tháng 2-5.2020. Vào những tháng đó, khối ngoại bán ròng dài ròng rã hơn 4 tháng, với tổng giá trị hơn 17.000 tỉ đồng, thế nhưng giá trị bán ròng bình quân/phiên lại kém xa giai đoạn hiện nay.
Theo một phân tích gần đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một trong những nguyên nhân lớn nhất là chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index đến thời điểm cuối tháng 9 vừa qua là 15,1 lần, đã cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi dịch bùng phát, đã kém hấp dẫn cho nên khó hút được dòng vốn ngoại.
Cứ mỗi tuần giao dịch gần đây, bình quân dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường hàng ngàn tỉ đồng, trong khi những dòng vốn mới cũng của khối này đổ vào thị trường không tương ứng.
Cũng theo nghiên cứu của VDSC, chỉ số P/E của VN-Index đã cao hơn của chứng khoán Indonesia và Hồng Kông, không còn là “rẻ nhất khu vực” như cụm từ thỉnh thoảng được nhắc đến vào tháng 3 và 4.2020.
Dòng tiền nội sẵn sàng làm lực đỡ
Thế nhưng, cũng giống như giai đoạn tháng 4 và 5.2020, khi thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trở lại dòng vốn ngoại vẫn rút mạnh ra khỏi thị trường thì đã có dòng vốn nội đóng vai trò thay thế. Thậm chí, lực đỡ từ dòng tiền nội còn khuấy động thị trường, có những thời điểm tạo bùng nổ thanh khoản.
Dòng tiền khi đó được cho là từ các nhà đầu tư F0 lần đầu tham gia thị trường. Họ mua vào cổ phiếu nhân lúc thị trường xuống tận đáy và đang hồi phục trở lại, cho nên mua đâu thắng đó. Trong giai đoạn tháng 4-5.2020, VN-Index đã tăng trở lại 30% so với thời điểm đáy cuối tháng 3.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 6.2020, dòng tiền nhà đầu tư nội có dấu hiệu rút khi thị trường cho thấy sự chững lại, thậm chí bước vào điều chỉnh, thanh khoản giá trị trên sàn HoSE theo đó cũng giảm mạnh.
Theo lí giải của chuyên gia Bùi Thị Kim đến từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong sự bùng nổ thanh khoản trên thị trường hiện nay vẫn tiếp tục có sự tham gia trở lại của các nhà đầu tư F0 trước đây. “Nhóm F0 này hầu như vẫn có mức lãi rất tốt từ tháng 4-5 tới nay”, bà Kim cho biết.
Thêm vào đó, theo chuyên gia này, gần đây lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, với các ngân hàng lớn kì hạn 12 tháng thậm chí xuống dưới mức 6%/năm, cũng là một nguyên nhân tác động khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang lên với kì vọng kiếm lời tốt hơn.
Trong khoản 2 tuần trở lại đây, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến “nhảy múa” đầy thất thường, rất bất lợi đối với các nhà đầu tư vì xoay chuyển không kịp. Theo các chuyên gia, đó cũng là một tác nhân khiến người chơi vàng thận trọng chưa muốn tích trữ, dòng tiền được hướng sang thị trường chứng khoán đang diễn ra sôi động nhất.
“Dòng vốn của nhà đầu tư luôn vận động và chuyển dịch giữa các kênh đầu tư để tối ưu hóa việc tìm kiếm lợi nhuận chứ ko bao giờ đứng im một chỗ”, bà Kim nhận định.
Tính riêng sàn HoSE, trong 10 phiên trở lại đây, bình quân mỗi phiên thanh khoản đạt trên 8.750 tỉ đồng. Còn trong 5 phiên giao dịch tuần qua, thanh khoản bình quân/phiên lên đến trên 9.700 tỉ đồng.
Xem thêm: odl.321648-ta-oa-nav-ion-neit-gnod-uad-od-gnor-nab-iaogn-iohk-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal