Trong tuần giao dịch 12-16.10, 2 cổ phiếu “họ” Masan là MSN và TCB (Techcombank) bị khối ngoại bán ròng lên tới 1.026 tỉ đồng. Trong đó, khối ngoại xả riêng cổ phiếu MSN gần 900 tỉ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch từ 12 đến 16.10, VN-Index tăng 19,30 điểm tương đương 2,09% lên 943,30 điểm. HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 139,82 điểm, tăng 2,91 điểm tương đương 2,13% so với cuối tuần trước. UPCoM-Index bất ngờ giảm 0,16 điểm (-0,25%) xuống 63,85 điểm.
MSN bị cảnh báo gia tăng rủi ro trung hạn
Giao dịch của khối ngoại vẫn theo chiều hướng tiêu cực trong tuần qua. Cụ thể, dòng vốn ngoại bán ròng rất mạnh trên 2 sàn HOSE và UPCoM, trong khi mua ròng trở lại ở HNX. Tổng khối lượng bán ròng trên toàn thị trường ở mức 56,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.712 tỉ đồng.
Lực bán của khối ngoại tập trung mạnh vào MSN, lên đến 892 tỉ đồng. Tiếp đến, CTG cũng bị bán ròng lên đến gần 270 tỉ đồng. Một cổ phiếu khác có liên quan đến "họ" Masan là TCB (Techcombank) bị bán ròng cũng khá mạnh với 134 tỉ đồng.
Phiên giao dịch cuối tuần 16.10 cũng kết thúc chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp của MSN. Cổ phiếu này đóng cửa trong sắc đỏ (-1,4%).
Vào ngày 13.10, giữa lúc thị giá của MSN tăng mạnh lên mức 74.800 đồng/cổ phiếu, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã cảnh báo rủi ro trung hạn gia tăng với mã này.
“Diễn biến tăng giá của MSN diễn ra khá nhanh với 6 phiên tăng điểm liên tiếp và khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức khối lượng trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá đang trong chu kỳ tăng giá mạnh và có thể hướng đến vùng cao nhất là 75.0. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rủi ro trung hạn có dấu hiệu gia tăng dần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên nắm giữ hoặc xem xét chốt lời một phần khi giá tiệm cận vùng 75.0 và không mua mới ở vùng giá hiện tại”, Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị đối với cổ phiếu MSN.
Trong khi đó, cổ phiếu TCB liên quan đến “họ” Masan bị Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá tiêu cực trong ngắn hạn.
Bên cạnh top 3 MSN, CTG và TCB, các mã chịu áp lực bán ròng tuần qua còn có CII (84 tỉ đồng), PVT (78 tỉ đồng), VPB (74 tỉ đồng), SAB (66,5 tỉ đồng), POW (65,8 tỉ đồng), AGG (61 tỉ đồng) và cuối cùng là chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (57,6 tỉ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu VCB đứng đầu danh sách mua ròng sàn HOSE cũng như toàn thị trường với 152 tỉ đồng. Kế đến là 2 mã HPG và GVR được mua ròng lần lượt 118 tỉ đồng và 84 tỉ đồng.
Dự báo VN-Index tăng nhẹ với sự hỗ trợ của bluechips
Theo Chứng khoán Mirae Asset, dù tuần qua VN-Index chỉ tăng 1,5% về điểm số nhưng có một số dấu hiệu tích cực như: Khối lượng giao dịch tăng đến 13%; nhiều bluechips đã đóng vai trò làm bệ phóng cho đà tăng giá. Mirae Asset dự kiến tuần tới, VN-Index tăng nhẹ với sự hỗ trợ của bluechips.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap, VNSmallcap duy trì lần lượt ở mức trung tính và tiêu cực. Trong khi đó, VN-Index, VN30 vẫn duy trì tín hiệu tăng điểm với các kháng cự lần lượt tại 955 điểm, 910 điểm.
Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định thận trọng: “Chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn có chiều hướng gia tăng khi chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm và độ rộng thị trường trở nên tiêu cực hơn, điều này cũng phản ánh đà tăng của thị trường chỉ tập trung chủ yếu ở một vài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn”.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta Việt Nam hạ mức xu hướng ngắn hạn của chỉ số VNSmallcaps từ tăng xuống giảm. Các chỉ số còn lại duy trì mức tăng.
Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm dần tỉ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới ở vùng giá hiện tại.
Xem thêm: odl.241648-nah-gnurt-or-iur-oab-hnac-ib-nsm-ueihp-oc-auq-naut-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal