vĐồng tin tức tài chính 365

Hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông - Tình huống không ngờ đối với cổ đông lớn

2020-10-18 10:10

Hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông - Tình huống không ngờ đối với cổ đông lớn

LS. NGUYỄN THÙY DUNG(*) - LS. LÊ TRỌNG THÊM(**)

(TBKTSG) - Một đại hội của Công ty X được tổ chức công phu, đầy đủ ban bệ, các tài liệu được công khai rõ ràng, thế nhưng hai năm sau đó các quyết định của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) dù đã được 100% cổ đông tham dự thông qua lại bị tòa án hai cấp xét xử tuyên hủy, bởi có một cổ đông là cá nhân vừa mãn hạn tù chiếm dưới 1% tổng số cổ phần nộp đơn yêu cầu hủy.

Một trong hai lý do mà tòa án hai cấp chấp nhận đơn yêu cầu hủy là ĐHĐCĐ của Công ty X đã gộp các vấn đề cần thông qua trong đại hội để biểu quyết một lần thay vì phải biểu quyết từng vấn đề theo quy định của luật.
Trong xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ kinh doanh, các công ty cổ phần từ mô hình gia đình trở thành mô hình đại chúng cần có sự am hiểu pháp luật doanh nghiệp để có thể tự kiểm soát rủi ro cho chính mình.

Rất dễ sơ sót về trình tự thủ tục

Nghị quyết ĐHĐCĐ là sản phẩm của ý chí tập thể của đa số cổ đông. Hàng năm, ĐHĐCĐ bắt buộc phải cho ra ít nhất một nghị quyết thường niên và không giới hạn số lượng nghị quyết bất thường. Để bảo vệ các nghị quyết ĐHĐCĐ, việc nắm vững các quy định của pháp luật doanh nghiệp đối với mô hình công ty cổ phần là yêu cầu tiên quyết.

Từ Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 và gần đây là Luật Doanh nghiệp 2019, các nhà làm luật đều yêu cầu rất cao về trình tự thủ tục tổ chức ĐHĐCĐ.

Cụ thể, ở giai đoạn trước khi tổ chức đại hội, luật yêu cầu về thẩm quyền triệu tập ĐHĐCĐ; việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu để gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ (nội dung chương trình, phiếu biểu quyết, danh sách cổ đông có quyền dự họp, dự thảo nghị quyết ĐHĐCĐ) cũng phải rất chi tiết; người triệu tập phải gửi bằng phương thức bảo đảm cho tất cả cổ đông chậm nhất 10 ngày trước khi phiên họp tổ chức;...

Trên thực tế việc gửi thông báo mời họp và ủy quyền tham gia gặp nhiều khó khăn, do nhiều cổ đông thay đổi địa chỉ cư trú mà không thông báo cho công ty hoặc đi định cư ở nước ngoài. Điều này càng trở nên khó khăn đối với các công ty cổ phần niêm yết.

Tại đại hội, luật yêu cầu thực hiện trình tự thủ tục tổ chức đại hội theo từng bước cụ thể, đòi hỏi tuân thủ nguyên tắc biểu quyết về từng vấn đề của đại hội, nội dung biên bản đại hội phải chuẩn bị công phu; nghị quyết đại hội phải chuẩn bị dự thảo trước...

Khi biểu quyết, luật yêu cầu phải thu phiếu theo các mục tán thành, không tán thành và không có ý kiến. Thực tế các doanh nghiệp đã vận dụng bằng cách dồn các vấn đề cần biểu quyết trên một phiếu, nhưng vẫn đảm bảo ba lựa chọn để các cổ đông biểu quyết từng vấn đề, cách làm này dường như không phù hợp với Điều 142.5 của Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2019 đã sửa đổi bổ sung nội dung để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng thực hiện hơn.

Sau đại hội, một lần nữa công ty có nghĩa vụ gửi các tài liệu của đại hội đến tất cả các cổ đông bằng nhiều phương thức như gửi bảo đảm qua đường bưu điện; gửi e-mail; công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và gọi điện thoại... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, công ty không nhận được phản hồi của cổ đông, không liên lạc được với cổ đông và thư mời họp bị bưu điện trả lại do không có người nhận. Vậy trong trường hợp này, công ty có được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo mời họp hay không?

Tuyên hủy nghị quyết dễ hay khó?

Việc hủy nghị quyết cũng được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rất đơn giản và được rút gọn theo trình tự thủ tục của một việc dân sự thông thường. Theo cơ chế tài phán này, luật pháp trao quyền duy nhất và tối cao cho thẩm phán phụ trách phiên họp xét đơn yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ của cổ đông. Với cơ chế của việc dân sự, các cổ đông lớn được mời tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết của việc dân sự khá đơn giản và không có nhiều cơ hội để tranh tụng nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông lớn.

Luật Doanh nghiệp cũng không quy định cụ thể trường hợp nào thẩm phán được quyền ra quyết định chấp nhận hủy hay không hủy nghị quyết ĐHĐCĐ. Như phân tích ở phần trên, đối với nội dung này các nhà làm luật lựa chọn nguyên tắc “chọn bỏ”, tức là chỉ có trường hợp có đủ 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua nghị quyết thì vấn đề sai sót về trình tự thủ tục mới không đặt ra.

Như vậy, nếu nghị quyết ĐHĐCĐ không được đủ 100% số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua mà có bất kỳ sai sót nào về trình tự thủ tục thì thẩm phán đều có quyền ra quyết định tuyên hủy nghị quyết đó cho dù nghị quyết đã được thông qua bởi 99,99% số cổ phần có quyền dự họp.

Với cơ chế một thẩm phán quyết định và không có quy định hướng dẫn cụ thể khi nào và trong điều kiện nào thì việc tuyên hủy nghị quyết ĐHĐCĐ là phù hợp, thẩm phán sẽ thực hiện quyền quyết định hủy hay không hủy nghị quyết ĐHĐCĐ hoàn toàn dựa vào đánh giá, quan điểm và ý chí chủ quan của bản thân mình.

Thời hạn yêu cầu hủy là vô hạn

Khác với cách tính thời hiệu thông thường trong các tranh chấp thương mại là hai năm, các nhà làm luật sử dụng mốc thời điểm cổ đông nhận được nghị quyết ĐHĐCĐ cộng thêm 90 ngày để có quyền yêu cầu tòa án hủy nghị quyết ĐHĐCĐ.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu công ty bỏ quên hoặc sơ sót trong việc gửi nghị quyết ĐHĐCĐ cho một cổ đông nào đó thì cổ đông này vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai dù là 10 hay 20 năm vẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hủy nghị quyết ĐHĐCĐ, chỉ cần thời điểm yêu cầu tòa án nằm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cổ đông nhận được nghị quyết ĐHĐCĐ.

Quy định thời hiệu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ như vậy sẽ làm phát sinh gánh nặng lưu trữ vô thời hạn tài liệu đại hội ĐHĐCĐ, bằng chứng để chứng minh việc công ty đã gửi tài liệu đại hội cho tất cả cổ đông. Đồng thời cũng tạo ra cơ hội để các cổ đông ở một thời điểm nào đó do bất đồng quan điểm trong quản lý và phát triển công ty quyết định nộp đơn để yêu cầu tòa án tuyên hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ trong quá khứ.

Cổ đông lớn quyền lớn, nhưng coi chừng

Luật hiện hành cho phép các cổ đông nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần gần như có quyền tuyệt đối với mọi quyết định của công ty cổ phần và chi phối việc bầu chọn hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát (BKS). Tuy nhiên, như đề cập ở trên, các nghị quyết ĐHĐCĐ dù được đại cổ đông biểu quyết thông qua tại đại hội nhưng vẫn có nguy cơ bị cổ đông nhỏ, thiểu số nộp đơn yêu cầu tuyên bố hủy.

Theo luật hiện hành, mặc dù nghị quyết ĐHĐCĐ vẫn duy trì hiệu lực từ lúc được ban hành cho đến khi bị tòa án tuyên hủy, tuy nhiên, hành động yêu cầu tuyên hủy nghị quyết ĐHĐCĐ của cổ đông có thể ảnh hưởng đến sự ổn định về bộ máy quản lý vận hành, chiến lược phát triển của công ty.

Trong trường hợp các nội dung của nghị quyết ĐHĐCĐ bị tòa án tuyên hủy có liên quan đến việc bầu thành viên HĐQT, BKS thì công ty dễ rơi vào tình huống có một khoảng trống về đội ngũ quản lý trong một khoảng thời gian vì luật hiện hành chưa có quy định nào xác định thẩm quyền bổ nhiệm thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp này thuộc về ai. Việc bầu thành viên HĐQT, BKS mới để thay thế cho các thành viên đã được bầu theo nghị quyết đã bị tuyên hủy phải chờ đến khi ĐHĐCĐ gần nhất được tổ chức quyết định.

Cần án lệ soi chiếu dẫn đường

Tương tự nhiều tình huống pháp lý mà các văn bản pháp luật không thể đóng khung bằng các quy định chi tiết và rõ ràng, vấn đề hủy nghị quyết ĐHĐCĐ nên sớm có án lệ để định hướng cho cơ quan tài phán ra quyết định phân xử trong các trường hợp cụ thể, tránh tình trạng ra quyết định dựa vào ý chí chủ quan của thẩm phán.

Việc có án lệ cũng giúp các bên có liên quan có thể phần nào đó biết được vụ việc của họ nếu đi ra tòa sẽ có kết quả như thế nào; từ đó tự ra quyết định cho riêng mình thay vì quyết định nộp đơn ra tòa và chờ đợi phán quyết.

Ngoài nhu cầu phát triển và hình thành các án lệ liên quan đến nội dung pháp lý này, việc đào tạo và phát triển các thẩm phán có tâm và có tầm để nắm vững pháp luật doanh nghiệp, cầm cân nảy mực tạo lòng tin cho doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết.

(*) Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự

(**) Công ty Luật LTT & Lawyers

Xem thêm: lmth.nol-gnod-oc-iov-iod-ogn-gnohk-gnouh-hnit--gnod-oc-gnod-ioh-iad-teyuq-ihgn-yuh/393903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông - Tình huống không ngờ đối với cổ đông lớn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools