Mùa đông ảm đạm đang chờ hàng không châu Âu
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Cơ quan quản lý an toàn hàng không châu Âu, thường được biết với tên tắt là Eurocontrol, cảnh báo “mùa đông thê lương” đang chờ đợi ngành hàng không châu Âu cuối năm nay. Với việc liên tục thay đổi các giới hạn đi lại khiến số lượng đặt chỗ hầu như biến mất, năng lực vận tải của mạng lưới giảm dần hoặc có khi biến mất mỗi ngày.
Hãng giá rẻ easyJet cắt giảm hơn 50% số chuyến bay trong hai tuần qua - Ảnh: Getty Images |
Mùa đông khắc nghiệt phía trước
Tổng giám đốc Eurocontrol Eamon Brennan nói rằng nếu không có biện pháp đối phó thống nhất với dịch Covid từ chính phủ EU, các hãng bay của “lục địa già” khó qua khỏi mùa đông này mà còn “lành lặn”.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố sáng 18-10 rằng số ca nhiễm bệnh của châu lục này đã gần chạm 7 triệu người, hơn 1,1 triệu người thiệt mạng, tỉ lệ nhiễm cũng vượt cột mốc 150.000 ca mỗi ngày. Năm nước có số ca nhiễm nhiều nhất là Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Italy.
Mùa đông năm nay có thể là khủng hoảng tồi tệ nhất mà hàng không châu Âu phải đối diện. Với việc mất đi doanh thu của mùa hè cao điểm – chiếm 40% tổng doanh thu cả năm, các hãng bay lục địa này đã mất đi tấm đệm cho mùa thấp điểm. Khả năng xấu nhất không thể tránh khỏi là nhiều hãng sẽ không thể vượt qua mùa đông. Nếu còn tồn tại, họ cũng bị “tơi tả”.
Tháng 9 vừa rồi, Eurocontrol đã dự báo số lượng khách bay sẽ tiếp tục đi xuống trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai ở EU. Vào tháng 4, Eurocontrol đưa ra mức dự báo là đến tháng 2-2021, hàng không EU sẽ hồi phục đến 85% mức trước dịch vào cuối năm 2019.
Giờ đây, cơ quan này không tin rằng sẽ có thể đạt được mức dự báo lạc quan đó. Trong một đối thoại trực tuyến về triển vọng hồi phục của hàng không EU hôm 16-10, Tổng giám đốc Eamonn Brennan chỉ viễn cảnh ảm đạm: Số chuyến bay ước đoán chỉ còn 50% hoặc thấp hơn mức độ cuối năm 2019 trong suốt mùa đông.
“Nếu xem tổng thể toàn EU, chúng ta nhận thấy sự sụt giảm 75% trong đi lại bằng hàng không so với thời điểm 2019. Đây là tình huống thảm họa với châu Âu. Viễn cảnh cho mùa đông này hoàn toàn không tốt. Chúng ta phải đối mặt với một tình huống bi đát là phải xem lại bất cứ dự phóng hay ước đoán nào chúng ta đưa ra hai tuần trước đây. Và cũng thật khó khăn mới quyết định cắt giảm những con số đó”, ông Brennan nói.
Không thể vạch kế hoạch lâu dài
Vị tổng giám đốc Eurocontrol nhấn mạnh rằng tình hình buộc các hãng ra các quyết định dứt khoát nhằm cắt giảm số chuyến bay. Một số hãng đã chuẩn bị sẵn máy bay cho cuối mùa hè và đầu mùa thu, với hy vọng đón được dòng khách đi du lịch trễ so với thường lệ. Nhưng tình hình đã không khả quan.
Giờ đây, khi các nước trong EU bắt đầu đóng cửa biên giới và thay đổi các quy định cách ly, sự chuẩn bị này trở nên dư thừa và thật sự không cần thiết. “Số chu
yến bay trong tuần qua giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta chưa bao giờ thấy con số này trong vòng 50 năm qua và thậm chí 100 năm qua. Chúng ta đang chứng kiến tình hình tệ hơn mỗi ngày”, ông nói.
Tổng giám đốc Eurocontrol lấy ví dụ về hãng EasyJet giảm năng lực bay quá nhanh. Chẳng hạn ngày 14-10, hãng giá rẻ này thực hiện 269 chuyến bay, giảm đến 53% so với hai tuần trước đó. “Tất cả thông tin tôi có là họ sẽ không đạt được con số như trong tuần này cho đến sau năm mới 2021”, ông tiết lộ.
Số liệu của hãng Ryanair cũng cho thấy tình hình buồn hiu hắt của hàng không châu Âu. Hãng hàng không giá rẻ này có số chuyến bay nhiều nhất châu Âu đã điều chỉnh số chuyến bay của mình chỉ còn 40% trước dịch. Trước đó, họ đề ra tỷ lệ 60%.
: Dự báo mới nhất của Eurocontrol là hàng không châu Âu giảm công suất hoạt động 50-60% đến hết tháng 2-2021 (lằn đỏ) so với dự báo giảm 15% được đưa ra vào tháng 4 năm nay (lằn xanh) – Nguồn: Eurocontrol |
EU cần thống nhất chính sách và quy định
Tình hình ở châu Âu cũng tương tự như những nơi khác trên thế giới. Điều này phản ánh trình trạng bất định, không lường trước được của đi lại bằng hàng không. Khi các nước mở cửa biên giới và các hàng rào cách ly được gỡ bỏ, các hãng hàng không thường thấy lượng đặt chỗ tăng vọt.
Nhu cầu du lịch bị dồn nén bấy lâu này, tuy nhiên, lại bị bóp nghẹt bởi các thay đổi liên tục về luật lệ, quy định. Hành khách vì thế rất e ngại đi du lịch nước ngoài. Viễn cảnh bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc bị buộc cách ly ở nước đến hoặc khi quay về quê nhà đều là không thể chấp nhận đối với họ.
“Điều quan trọng là các booking trong tương lai (forward booking), đặc biệt là nửa tháng cuối của tháng 11 và tháng 12. CEO của một hãng nói với tôi rằng hãng của ông chỉ có được lượng booking bằng 10% năm trước”, ông Brennan cho biết.
Sự sụt giảm nghiêm trọng số forward booking là “triệu chứng” của cách giải quyết không phối hợp, hoặc các hạn chế du lịch không đồng nhất ở châu Âu. Áp lực đang gia tăng đối với chính phủ các nước EU để đạt được sự thống nhất và tập trung hành động.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng như các hiệp hội ngành như IATA đang đòi hỏi cách phản ứng hay chính sách nhất quán và có thể dự báo được. Ông Brennan cho rằng đây là cách duy nhất có thể cứu ngành hàng không thoát khỏi một mùa đông thê lương. “Chúng ta không thể có được sự ổn định hay chắc chắn trong ngành công nghiệp này cho đến khi điều này xảy ra”, vị tổng giám đốc Eurocontrol kết luận.
Chuyến bay chỉ có hai khách… Số liệu dự báo của ngành hàng không thế giới ngày càng tệ hơn. Tháng 6, IATA ước đoán các hãng bay thế giới sẽ thiệt hại 84 tỉ đô la trong năm nay, 15 tỉ đô la trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của IATA trong tháng 10 lại ước lượng rằng các hãng bay sẽ “đốt” khoảng 77 tỉ đô trong nửa cuối năm nay và trung bình 5-6 tỉ đô mỗi tháng trong suốt năm tới. Từ đầu năm đến nay, có đến 43 hãng đã phá sản hay được phép tái cấu trúc nhưng lại do chính phủ và các chủ nợ kiểm soát. Ngay cả số hãng thành viên của IATA cũng giảm từ 290 xuống còn 280, tức là 10 hãng đã bị xóa sổ vĩnh viễn – theo số liệu mới nhất trên trang của IATA.Các chuyên gia trong ngành cũng không lạc quan được. Al Baker, CEO của hãng Emirates, nhận định rằng tình hình sẽ tiếp tục tệ hơn và kéo dài qua năm 2024 – thời điểm mà IATA dự báo hàng không toàn cầu sẽ hồi phục như lúc trước dịch. “Bức tranh toàn cảnh chưa thể sáng. Con số các hãng bay phá sản sẽ nhiều hơn nữa”, CEO Al Baker nói. Tin nối lại đường bay quốc tế giữa “bong bóng du lịch” như giữa Singapore và Hồng Kông có những dấu hiệu tác động tích cực: Trang Skyscanner cho những kết quả tìm kiếm cho thấy giá vé khứ hồi bay từ giờ đến cuối năm giữa hai trung tâm tài chính này tăng 50-80% trong ba ngày từ 15 đến 18-10, giá cổ phiếu của Singapore Airlines và Cathay Pacific khởi sắc.Nhưng đó chỉ là những giá trị ảo, bởi hành khách thật sự chưa an tâm khi bay dù cho IATA, các hãng hàng không và các nhà khoa học chứng minh là cơ hội nhiễm Covid trên máy bay hầu như bằng không. Hôm qua, chuyên trang hàng không Simple Flying tường thuật rằng chuyến bay khai trương từ Narita, Nhật Bản đi Incheon, Hàn Quốc của hãng hàng không giá rẻ ZipAir – hãng con của Japan Airlines – chỉ có hai hành khách trên chiếc máy bay Boeing 787 khổng lồ. Cũng cần nhắc lại là hành khách đi lại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không bị cách ly y tế trong 14 ngày. |
Xem thêm: lmth.ua-uahc-gnohk-gnah-ohc-gnad-mad-ma-gnod-aum/685903/nv.semitnogiaseht.www