vĐồng tin tức tài chính 365

Xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai: Hà Nội “chạy” trước quy hoạch, “ưu ái” cho doanh nghiệp

2020-10-19 09:23

Dù không nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 nhưng UBND TP.Hà Nội vẫn chấp thuận cho Công ty Cổ phần nước Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (được biết đến với tên gọi khác là “Shark” Liên) đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai, phục vụ cung cấp nước cho người dân Hà Nội. Đây cũng chính là doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang vướng rất nhiều lùm xùm quanh câu chuyện phá vỡ quy hoạch của Thủ tướng và mức giá bán nước quá cao.

“Cầm đèn chạy trước ôtô”?

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai của Công ty Cổ phần nước Aqua One bao gồm phần nhà máy nước và hệ thống truyền dẫn, trạm bơm tăng áp chính thức được UBND tỉnh Hòa Bình và UBND TP.Hà Nội lần lượt có quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 23.5.2018 và Quyết định 2775/QĐ-UBND ngày 6.6.2018.

Theo giới thiệu của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần nước Aqua One, hệ thống cấp nước Xuân Mai có nhiều hợp phần khác nhau gồm một nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt Sông Đà, hệ thống mạng lưới truyền dẫn và trạm bơm tăng áp có công suất giai đoạn đầu lên tới 300.000m3/ngày, có thể sản xuất 150.000m3/ngày ngay từ năm 2021 và công suất phát nước sau năm 2030 có thể lên tới 900.000m3/ngày.

Aqua One cho hay, dự án này có quy mô lên tới gần 4.300 tỉ đồng (gần xấp xỉ mức đầu tư 5.000 tỉ đồng của Nhà máy nước mặt Sông Đuống) và sẽ cung cấp nước sạch cho một phạm vi rất rộng lớn trên địa bàn Thủ đô gồm các quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức và hàng loạt khu vực thuộc các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa và thậm chí sẽ bổ sung cho các quận nội thành cũ của Hà Nội.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 15 của HĐND TP.Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vào thời điểm đó là ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, khi dự án này hoàn thành sẽ đảm bảo việc bổ sung thêm nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực phía Nam Hà Nội, trong đó có huyện Chương Mỹ.

Điều bất ngờ là các quyết định của TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình trên đây về một hệ thống cấp nước hoàn toàn mới cung cấp cho người dân Hà Nội lại không hề có trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 499 vào ngày 21.3.2013.

Hà Nội tìm cách hợp lý hóa?

Một điểm bất ngờ khác nữa là thực tế trong thông tin trả lời người dân huyện Chương Mỹ vào cuối tháng 6.2018, UBND TP.Hà Nội cho hay, ngay từ ngày 25.6.2016, cơ quan này chính thức ký một biên bản ghi nhớ để Công ty Cổ phần nước Aqua One nghiên cứu đầu tư Dự án xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai với mục tiêu bổ sung nguồn nước sạch cho khu vực nội đô và các huyện phía Nam Hà Nội (trong đó có huyện Chương Mỹ).

Xét về thời gian, định hướng về việc xây dựng một nhà máy nước mặt mới cung cấp nước cho Thủ đô xuất hiện trước cả khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao nhiệm vụ cho TP.Hà Nội thực hiện điều chỉnh quy hoạch cấp nước năm 2013. Bởi phải đến ngày 20.12.2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới ký Quyết định 2055 phê duyệt giao nhiệm vụ cho UBND TP.Hà Nội thực hiện điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Tròn 1 năm rưỡi sau khi nhận nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung vào ngày 27.6.2019 mới ký tờ trình xin ý kiến HĐND TP.Hà Nội thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án Điều chỉnh). Và phải đến thời điểm này, cái tên Nhà máy nước mặt Xuân Mai mới chính thức xuất hiện và được đưa vào danh sách các nhà máy nước mặt cung cấp nước cho người dân Thủ đô, trong trường hợp bản Đồ án Điều chỉnh được Bộ Xây dựng thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua.

Nhà máy chưa thi công vẫn có thể… cấp nước?

Với sự xuất hiện của Nhà máy nước mặt Xuân Mai trong đồ án điều chỉnh quy hoạch được TP.Hà Nội thực hiện, công suất cấp nước của nhiều nhà máy nước mặt khác cũng giảm rất mạnh nếu so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2013. Trong đó công suất cấp của nhà máy Sông Đà trong các năm 2030 và 2050 giảm lần lượt tới 400.000m3/ngày đêm so với công suất được cấp trong quy hoạch của Thủ tướng.

Tương tự, công suất cấp của nhà máy sông Hồng cũng giảm tới 150.000m3/ngày đêm. Ngược lại, Nhà máy nước mặt Xuân Mai trong 2 thời điểm nói trên sẽ lần lượt cung cấp 300.000m3/ngày và 500.000m3/ngày, dù trước đó không hề có trong quy hoạch cấp nước của Thủ tướng Chính phủ. Việc UBND TP.Hà Nội đưa Nhà máy nước mặt Xuân Mai vào đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô và vạch lộ trình nhà máy này sẽ cung cấp 200.000m3/ngày đêm ngay từ năm 2020 cũng gây nhiều lo ngại bởi đồ án này rõ ràng cần thời gian để Bộ Xây dựng thẩm định và để Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua. Đây là yếu tố khiến Ban Đô thị (thuộc HĐND TP.Hà Nội) khi thẩm tra đồ án này đề nghị cần nghiên cứu để có giải pháp đảm bảo khả năng cung cấp nước cho thành phố đến năm 2020 trong khi Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt Xuân Mai chưa triển khai thi công nhưng đồ án vẫn cập nhật khả năng cung cấp nước của 2 nhà máy này với tổng công suất 350.000m3/ngày đêm.

Dễ dàng nhận thấy, với việc chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước Xuân Mai cung cấp nước cho người dân Thủ đô dù không có trong quy hoạch cấp nước được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, sau đó dường như “hợp lý hóa” khi thực hiện đồ án điều chỉnh, thậm chí đưa nhà máy này vào danh sách cấp nước với công suất lớn, Hà Nội dường như đang thể hiện sự “ưu ái” thái quá dành cho một dự án của Công ty Cổ phần nước Aqua One.

Xem thêm: odl.163648-peihgn-hnaod-ohc-ia-uu-hcaoh-yuq-court-yahc-ion-ah-iam-naux-coun-pac-gnoht-eh-gnud-yax/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai: Hà Nội “chạy” trước quy hoạch, “ưu ái” cho doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools