Vai trò của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam từ lâu đã khẳng định được tính quan trọng. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, các nhà máy chính tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM với số vốn đăng ký 17,4 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.
Năm ngoái, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 66 tỷ USD. Số này ngang bằng với 1/4 GDP.
Sự góp mặt của các Tập đoàn lớn như Samsung đã biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới, mà nổi bật là nhóm điện thoại – linh kiện và máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện.
Trong 8 tháng đầu năm, đây cũng là hai nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 27,7 tỷ USD. Tổng tỷ trọng nhóm này chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu toàn quốc gia.
Không chỉ trực tiếp đóng góp, sự xuất hiện của các Tập đoàn điện tử lớn như Samsung kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp (vendor) cũng lũ lượt đến Việt Nam mở nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà Chính phủ đem lại…
Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), phần lớn có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc – nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Quy mô hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đều ở mức lớn, đem về hàng nghìn tới hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Nổi bật nhất trong số này là Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam, là hai công ty con của Samsung, năm ngoái thu về lần lượt 41.000 tỷ đồng và 32.600 tỷ đồng. Samsung Electro-Mechanics sản xuất mạch bán dẫn, chip, camera modul… trong khi Samsung SDI Vietnam sở trường với pin điện thoại.
Nhiều cái tên nằm ngoài Samsung cũng cho thấy kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng: MCNEX Vina sản xuất module camera doanh thu 22.200 tỷ đồng năm vừa rồi; Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin đạt hơn 19.800 tỷ đồng; CammSys Vietnam cung cấp module camera thu về 13.250 tỷ; Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic đạt hơn 12.800 tỷ đồng; Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại ghi nhận 11.900 tỷ đồng; SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt (FPCB) doanh thu 9.300 tỷ đồng, AAC Technologies Vietnam module loa, micro đạt gần 9.000 tỷ đồng…
Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Một số đơn vị cũng thường xuyên góp mặt trong danh sách đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất tại Việt Nam.
Ngoài Samsung là một trong số những đối tác lớn nhất, các doanh nghiệp này cũng cung ứng nguyên liệu - phụ kiện cho nhiều nhà sản xuất điện tử khác, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu.
Ở Việt Nam, bên cạnh việc LG tiến hành dịch chuyển đầu tư sang trong những năm gần đây, nhà sản xuất nội địa VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng nổi lên là ứng viên tiềm năng với những tham vọng của mình trong sản xuất điện tử...
Samsung cùng với hệ sinh thái các doanh nghiệp hỗ trợ đem theo hàng chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu, bên cạnh đó cũng tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa tham ra vào chuỗi toàn cầu.
Trong giai đoạn 2014 – 2019, Samsung cho biết số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chọn làm nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn này đã tăng từ 4 lên 42, và tiến tới con số 50 vào năm nay. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng được lựa chọn trong vai trò nhà cung ứng cấp 2, tạo nên sức cộng hưởng to lớn hơn.