Cơ hội hút dòng vốn Nhật Bản nhìn từ chuyến công du của tân Thủ tướng
Hùng lê
(TBKTSG Online) - Nguồn vốn đầu tư Nhật Bản rót vào thị trường Việt Nam không ngừng gia tăng và đến nay đã gần chạm mức 60 tỉ đô la Mỹ, cao thứ 2 trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao và "chất lượng" hơn khi tân Thủ tướng nước này chọn Việt Nam là nước đầu tiên để viếng thăm kể từ khi nhậm chức.
Dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Thông tin tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-10 đến ngày 20-10-2020, thu hút cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và giới phân tích.
Bởi lẽ đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide sau khi nhậm chức (16-9-2020) và là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước được đánh giá đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Vì vậy, giới chính trị và học giả hai nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này.
Theo giới phân tích, việc Thủ tướng nhiệm kỳ trước Shinzo Abe, và bây giờ là ông Suga Yoshihide, chọn Việt Nam đặt ra rất nhiều câu hỏi cũng như sự kỳ vọng lớn.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư của xứ mặt trời mọc ngày càng gia tăng nhiều vào Việt Nam và thương mại hai chiều ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Theo giới phân tích, việc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam lần này là cơ hội khẳng định với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và mới đây nhất là đối phó hiệu ủa với dịch Covid-19. Điều này sẽ mang đến nhiều kỳ vọng về nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung tiếp tục gia tăng vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều kỳ vọng được đặt vào chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản bởi chuyến thăm Đông Nam Á của ông Suga diễn ra trong thời điểm các nhà lãnh đạo trên thế giới đang dần nối lại các cuộc gặp trực tiếp bị tạm hoãn vì đại dịch Covid-19. Và Việt Nam được chọn là quốc gia đầu tiên ông chọn đến.
Trước đó, tại buổi tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, nhấn mạnh, việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản.
Khác với xu hướng đầu tư "Trung Quốc + 1" hay "Thái Lan + 1" nói về việc doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên rót vốn vào Trung Quốc và Thái Lan, sau đó mở rộng đầu tư sang một quốc gia khác trong những năm vừa qua, làn sóng "Việt Nam + 1" đề cập đến câu chuyện những công ty của đất nước hoa anh đào đã đầu tư ở Việt Nam và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường 100 triệu dân này. |
Theo Đại sứ Yamada Takio, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua đã phát triển lớn mạnh và Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tiếp tục phát triển, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Chuyến thăm Thủ tướng Suga Yoshihide đến Việt Nam cũng thể hiện sự tin cậy về kinh tế giữa hai nước. Đại sứ tin tưởng mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới, theo báo Chính phủ.
Tờ nhật báo hơn 120 tuổi Japan Times đưa tin, thăm Việt Nam lần này, tân Thủ tướng Nhật Bản SugaYoshihide hy vọng sẽ tăng cường quan hệ kinh tế hai nước thông qua thúc đẩy thương mại tự do, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và hợp tác an ninh quốc gia.
Một số ý kiến cho rằng chuyến công du này của Thủ tướng Suga có thể kích hoạt một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Nhật Bản đang trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á.
Có thể nói chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ của đất nước mặt trời mọc được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều hơn nữa nguồn đầu tư của doanh nghiệp nước này vào Việt Nam.
Trên thực tế, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trong những năm qua không ngừng gia tăng vào đất nước gần 100 triệu dân của Việt Nam. Và với sự kiểm soát tốt dịch Covid-19 của chính phủ khiến nhiều nhà đầu tư thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng càng đặt thêm niềm tin để rót vốn mở rộng đầu tư.
Tại buổi tiếp của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gần đây, tân Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Watanabe Nobuhiro, cũng cho biết đầu tư của doanh nghiệp xứ hoa anh đào vào Việt Nam không ngừng tăng cao trong những năm qua và xu hướng đầu tư này sẽ tiếp tục tăng khi nhiều doanh nghiệp nước này nhìn thấy môi trường đầu tư trong nước khá là hấp dẫn.
"Trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam như là điểm đến đầu tư của khu vực này", ông Watanabe Nobuhiro nói.
Sự gia tăng đầu tư vào TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung của doanh nghiệp Nhật Bản, theo ông Watanabe Nobuhiro, là nhờ đất nước ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng như cơ hội tham gia thị trường rất lớn nhờ đất nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.
Cũng có cùng nhận định trên, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chú ý đến thị trường Việt Nam để đầu tư.
Sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đáng chú ý là doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam ngày càng có xu hướng mở rộng đầu tư mà gần đây, cụm từ “Việt Nam + 1” được giới doanh nghiệp nước này nhiều lần nhắc đến giữa dịch Covid-19 xảy ra.
“"Việt Nam +1" là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam muốn mở thêm nhà máy nữa”, ông Hirai Shinji nói.
Người đứng đầu JETRO tại TPHCM cho biết trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ “Việt Nam + 1” vào các ấn phẩm chính thức.
Đại diện của JETRO cũng nhắc lại chuyện có đến một nửa trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á được chính phủ nước này lựa chọn cho chương trình "Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài" là đang hoạt động ở Việt Nam.
Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất hoặc đầu tư nhà máy mới không chỉ cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp nước này mà còn là sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của chính phủ Nhật Bản.
Giới phân tích đánh giá Việt Nam đang được xem là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, nhất là khi đất nước đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cùng với hội nhập kinh tế sâu rộng. Và chuyến công du của tân thủ tướng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy gia tăng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Việt Nam và Nhật Bản ít có sự cạnh tranh gay gắt trong quan hệ thương mại, đầu tư mà ngược lại có thể chia sẻ và bổ sung cho nhau.
Tiềm lực tài chính lớn, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý,... là các lĩnh vực mà Nhật Bản có thể chia sẻ cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân với lao động trẻ là nguồn nhân lực tốt và thị trường đầy tiềm năng.
Theo giới phân tích, việc chọn thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga thể hiện lợi ích mật thiết giữa hai nước, đồng thời phản ánh vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á khi nắm giữ vai trò chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Các lợi thế của môi trường đầu tư tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao hơn các nước khác trong khối ASEAN, bao gồm quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định và một môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài,...
Tuy nhiên, theo đại diện JETRO, Việt Nam vẫn còn cần phải tiếp tục cải thiện một số vấn đề như cơ sở hạ tầng từ logistics, đường sá, cầu cảng đến hạ tầng công nghệ. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng, cơ chế thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn ở mức thấp,...mà đất nước cần cải thiện để thu hút nguồn vốn đầu tư nước này nhiều hơn nữa.
Trước đó, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, cũng lưu ý việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã "gây sốc" cho nhiều quốc gia lân cận. Do đó, nhiều nước khác cũng sẽ quyết tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). Cán cân thương mại giữa hai bên luôn được giữ ở mức khá cân bằng. Kết thúc năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đạt xấp xỉ 40 tỉ đô la, chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,41 tỉ đô la, tăng 8,4% so với năm 2018, chiếm 7,7% tổng kim ngạch cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Nhật Bản với tổng trị giá 19,53 tỉ đô la, tăng 2,5% so với năm 2018, chiếm 7,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước. |