vĐồng tin tức tài chính 365

Tranh cãi quanh kế hoạch trục vớt máy điện báo từ tàu Titanic

2020-10-19 13:18

Theo tờ South China Morning Post, kế hoạch trục vớt máy điện báo Marconi từ bên trong xác tàu Titanic đang dấy lên tranh cãi liên quan liệu hoạt động này có tác động đến các hài cốt của những hành khách và thủy thủ đoàn hay không.

Công ty RMS Titanic, công ty duy nhất được phép trục vớt những đồ vật giá trị từ xác tàu Titanic, đang lên kế hoạch trục vớt, khôi phục và triển lãm máy phát vô tuyến Marconi mà Titanic đã sử dụng để gửi các cuộc gọi thông báo gặp nạn trước khi bị chìm hồi năm 1912.

Để trục vớt thiết bị này, công ty RMS Titanic dự định sẽ điều khiển thiết bị lặn không người lái di chuyển qua giếng trời hoặc cắt vào phần mái bị ăn mòn trên boong tàu. Một chiếc máy nạo vét sẽ được sử dụng để hút bỏ phần phù sa, trong khi các cánh tay robot của thiết bị lặn sẽ cắt dây điện của máy điện tin.

Tuy nhiên, kế hoạch trục vớt này đang chịu sự phản đối từ giới luật sư Mỹ trước câu hỏi “liệu con tàu đắm nổi tiếng nhất thế giới này còn lưu giữ hài cốt của những hành khách và thủy thủ đoàn đã chết một thế kỷ trước?”

Tranh cãi quanh kế hoạch trục vớt máy điện báo từ tàu Titanic - ảnh 1
Một phần của tàu Titanic được trục vớt. Ảnh: RMS  ITANIC /AP

Các luật sư đã trích dẫn các nhà khảo cổ học nói rằng các hài cốt có thể vẫn còn lưu lại trong xác con tàu, đồng thời nói rằng công ty đã không tính toán đến trường hợp này trong kế hoạch trục vớt của mình.

Ông Paul Johnston - người phụ trách lịch sử hàng hải tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ Smithsonian cho biết: “hơn 1.500 người đã tử nạn trong vụ chìm tàu Titanic. Bạn không thể nói với tôi rằng trong xác tàu không còn lưu giữ hài cốt của những nạn nhân".

Nhà hải dương học David Gallo đã ví việc tiếp cận xác tàu như thăm chiến trường ở Gettysburg và nói: “Việc tiếp cận con tàu không giống như mang một cái xẻng đến Gettysburg. Có một quy tắc bất thành văn rằng nếu chúng ta nhìn thấy hài cốt, chúng ta sẽ tắt camera và quyết định xem phải làm gì tiếp theo".

Tranh cãi xung quanh việc trục vớt các đồ vật từ xác tàu Titanic bắt nguồn từ câu hỏi các nạn nhân cần được tôn trọng như thế nào và liệu một đoàn thám hiểm có được phép tiếp cận vào trong thân tàu hay không.

Trước đó, tòa án Norfolk thuộc bang Virginia (Mỹ) hồi tháng 5 đã đưa ra phán quyết cho phép công ty trục vớt RMS Titanic tiến hành một cuộc thám hiểm để phục hồi máy điện báo Marconi từ bên trong tàu Titanic. 

Thẩm phán Rebecca Beach Smith của Tòa án Norfolk cho biết chiếc máy điện báo trên tàu Titanic rất đáng để trục vớt bởi những "giá trị về mặt lịch sử, giáo dục, khoa học và văn hóa".

Việc khôi phục máy điện báo “sẽ đóng góp vào di sản để lại bởi sự mất mát không thể xóa nhòa của tàu Titanic, những người sống sót và cả những người đã khuất”.

"Nếu không có chiếc máy này, sẽ không có tín hiệu cầu cứu nào được phát đi, không ai sống sót và chúng ta có thể không bao giờ tìm thấy tàu Titanic" - ông Bretton Hunchak, chủ tịch công ty RMS Titanic, cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ hồi tháng 6 đã phản đối kế hoạch trục vớt này, tuyên bố điều này vi phạm luật liên bang và thỏa thuận với Anh công nhận xác tàu là một khu tưởng niệm. 

Các luật sư Mỹ lập luận rằng thỏa thuận quy định việc đi vào bên trong xác tàu phải đảm bảo thân tàu, đồ tạo tác và "bất kỳ hài cốt người nào" không bị xáo trộn.

Xem thêm: lmth.858449-cinatit-uat-ut-oab-neid-yam-tov-curt-hcaoh-ek-hnauq-iac-hnart/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tranh cãi quanh kế hoạch trục vớt máy điện báo từ tàu Titanic”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools