Trong cuộc họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 18-10, các phóng viên đã đặt câu hỏi về những giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong việc triển khai xây dựng Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm.
Thành ủy TP.HCM tổ chức họp báo thông tin sau khi bế mạc đại hội. Ảnh: QUỐC VŨ
Giải quyết dứt điểm khiếu nại
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết tại Hội nghị lần thứ 51, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, đã thông qua việc ban hành Nghị quyết về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành KĐT mới Thủ Thiêm trước năm 2030.
“Đây là lần đầu tiên sau 24 năm triển khai đầu tư, phát triển KĐT mới Thủ Thiêm, Thành ủy TP.HCM đã ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm giúp Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 có giải pháp rõ ràng để triển khai thực hiện quy hoạch, hoàn thành công trình KĐT mới Thủ Thiêm” – ông Phong nói.
Từ đó, Thành ủy TP đã đưa ra mục tiêu khắc phục dứt điểm những thiếu sót, khuyết điểm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục khắc phục khó khăn, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh KĐT mới Thủ Thiêm theo đúng mục tiêu đặt ra.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời phóng viên về vấn đề KĐT Thủ Thiêm. Ảnh: QUỐC VŨ
Theo ông Phong, đây phải là khu đô thị hiện đại, là trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP đến năm 2030.
Đối với những vấn đề mà người dân quan tâm, Nghị quyết của Thành ủy cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành trước tháng 6-2021. Trong đó, tập trung vào việc lãnh đạo thực hiện hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để thu hồi đất đối với các trường hợp còn lại.
Thành ủy cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các kết luận theo chỉ đạo của Thủ tướng, kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến kết quả kiểm tra 160 ha tái định cư phục vụ cho KĐT mới Thủ Thiêm.
Ông Phong cho biết TP.HCM cũng thực hiện ngay việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ba lô đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân trong khu đất 4,3 ha. Ngoài ra, TP cũng sẽ tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 đã được Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
TP.HCM đã có Nghị quyết về KĐT Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG GIANG
TP sẽ rà soát các trường hợp cần phải áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung và giải quyết dứt điểm trường hợp chưa được bố trí tái định cư, tạm cư và các trường hợp có khiếu nại, khiếu kiện, đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Hàng loạt hành động cho TP Thủ Đức
Liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức mà báo chí đề cập đến, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã chủ động xây dựng các kế hoạch thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của ba quận 2, 9 và Thủ Đức).
Vừa qua, TP cũng đã tuyển chọn phương án thiết kế tốt nhất của nhà thiết kế người Mỹ, thể hiện bằng sa bàn.
Về tên gọi TP Thủ Đức, ông Phong cho hay hiện nay HĐND ba quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đã có ý kiến và rất đồng tình với tên gọi TP Thủ Đức. HĐND TP cũng đã họp, thống nhất về chủ trương tên gọi này.
Theo ông Phong, trọng điểm của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP sẽ bao gồm tám trung tâm quan trọng trên cơ sở lợi thế sẵn có của ba cực phát triển (Trung tâm tài chính ở quận 2, Khu Công nghệ cao ở quận 9 và Khu Đại học Quốc gia TP ở quận Thủ Đức).
“Việc thành lập TP trong TP với mong muốn biến nơi đây thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ” – ông Phong nói.
TP.HCM sẽ hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc ở TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngoài ra, ông Phong cũng khẳng định, để phát triển TP Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới, TP đã chỉ đạo cho các sở, ngành khẩn trương khai xây dựng ý tưởng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP để làm cơ sở tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kế hoạch kêu gọi đầu tư.
TP cũng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban.
“TP cũng đầu tư các công trình phù hợp với quy hoạch và ý tưởng thiết kế được duyệt từ nguồn ngân sách nhà nước, để làm tiền đề nền tảng về hạ tầng, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển TP Thủ Đức” – ông Phong nói.
Đặc biệt, trong chiến lược năm năm tới, đề án sẽ đề xuất TP đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống giao thông đô thị trên địa bàn của TP Thủ Đức nói riêng và kết nối cả TP cũng như các tỉnh, thành lân cận.