Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, quy định về lương tối thiểu sẽ có thay đổi mới, không còn lương tối thiểu ngành như trong bộ luật hiện hành.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu vùng được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng và giờ.
Do đó, việc xác định mức lương tối thiểu ngành thông qua thương lượng tập thể ngành, ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng không còn được áp dụng từ ngày 1/1/2021.
Mức lương tối thiểu được quy định là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, hồi cuối tháng 8 năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã có dự thảo khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động trong các doanh nghiệp trong năm 2021 theo hướng tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021, chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, đề xuất này thể hiện được rõ ràng người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước cũng góp phần chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động theo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu để duy trì sản xuất, việc làm.
Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy về việc nên hay không điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày- dày túi xách Việt Nam cũng đề nghị không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm tới. Thậm chí, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, nên giãn việc tăng lương tối thiểu từ 3 - 5 năm để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định lúc đó mới có điều kiện để tăng lương cho người lao động.
Cũng đồng tình với việc chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh thêm rằng, mục tiêu trước mắt hiện nay là bảo vệ việc làm cho người lao động.
Đến nay, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được làn sóng dịch bệnh thứ hai, song nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu. Hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần trở lại, song TS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, thậm chí dù trong nước có hồi phục nhưng nếu các thị trường khác chưa thì với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, theo chuyên gia này, việc tăng lương tối thiểu vùng phải tính toán hài hòa quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động, cứu người lao động nhưng cũng phải cứu cả doanh nghiệp và nếu trong bối cảnh này mà tăng thì sẽ "không đúng cả về lý lẫn tình".
Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều đặn hàng năm để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống tối thiểu của người lao động.
Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất phương án chưa điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021. Như vậy, năm 2021 có thể là năm đầu tiên không tăng lương tối thiểu vùng sau nhiều năm.
Theo thông lệ, tháng 10 hàng năm là thời điểm dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng cho năm sau được xây dựng và trình Chính phủ.
Xem thêm: mth.98893245191010202-ig-iod-yaht-oc-es-1202-man-ueiht-iot-gnoul/nv.ymonocenv