Suốt hơn 1 tuần vừa qua, hàng loạt các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế,... phải oằn mình chống chọi với đợt lũ lịch sử. Mưa lớn kéo dài buộc nhiều hồ thủy điện phải xả lũ, khiến mực nước các sông nhanh chóng dâng cao. Nhiều địa phương bị ngập sâu, hàng nghìn hộ gia đình phải thu dọn tài sản ngay trong đêm để chạy lũ.
Trước tình cảnh khó khăn ấy, nhiều khách sạn, nhà nghỉ... ở các khu vực cao ráo đã mời người dân đến ở miễn phí. Các trường học, trung tâm cũng cho các nhà hảo tâm mượn chỗ để nấu hàng nghìn suất cơm mang đến cho bà con ở các thôn xóm bị cô lập. Lúc này đây, tất cả mọi người cùng đồng lòng chung tay hỗ trợ nhau vượt qua thiên tai bão lũ.
Các khách sạn, homestay miễn phí cho các đoàn tình nguyện tại Quảng Bình và Quảng Trị.
Tài khoản Yến Ngô Hoàng Hải - quản lý của khách sạn Hoàng Liên - chia sẻ trên trang cá nhân, dù đã nửa đêm nhưng chị không thể ngủ nổi vì thao thức lo cho người dân vùng lũ. Dù đã nửa đêm nhưng em trai chị vẫn lặn lội bên ngoài để chở dân về trú tại khách sạn. Nói về lý do làm việc này, chị cho biết: "Việc làm nhỏ mong dân có chổ ngủ bớt lạnh thôi".
Chị Nguyễn Thị Liên Phương là chủ của hệ thống 6 khách sạn với 200 phòng nghỉ tại Đà Nẵng. Trong đợt bão vừa qua, chị đã giúp cho 20 hộ gia đình, cá nhân có chỗ ở an toàn. Trả lời báo điện tử Infonet, chị Phương cho biết: “Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tấm lòng của mình, giúp đỡ mọi người lúc cần. Phòng ốc thì vẫn thế nhưng mình bố trí thêm nhân viên dọn dẹp, giặt giũ, hấp sấy để phục vụ mọi người”.
Nằm gần khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 - nơi hàng chục chiến sĩ bị vùi lấp vì sạt lở đất, Năm Mùa Bungalows đã miễn phí mọi dịch vụ cho để hỗ trợ công tác cứu hộ. Homestay này chia sẻ dưới phần bình luận: "Việc cần làm thì phải làm. Một hai bữa nữa sẽ có nhiều người tới đây lắm".
Ngay khi nghe thông tin mưa bão, anh Phạm Bá Ngọc - chủ nhà hàng Gangnam đã quyết định ngưng phục vụ khách để người vô gia cư có chỗ trú bão bắt đầu từ ngày 9/10. Anh thậm chí còn chuẩn bị sẵn mỳ tôm và nước uống, mở cửa hàng từ sáng đến tối để những người khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào.
“Trong lúc mưa bão, tôi nghĩ nên làm việc gì đó mình thấy có ý nghĩa. Tiền thì kiếm lúc nào cũng được. Ngày nắng đẹp, trời quang mây tạnh thì kiếm bù lại. Cuộc sống là phải biết cho đi”, anh Ngọc trả lời báo Infonet.
Khi biết nhiều học sinh, sinh viên đang ở trọ tại Huế gặp cảnh ngập lụt, anh Lê Trung Lâm - Chủ tịch trung tâm Nhật ngữ INTRASE - mời các bạn ở nơi khó khăn đến ở và ăn uống miễn phí. Do cơ sở này nằm ở phường An Tây (TP. Huế), có địa hình cao ráo, không bị ngập nên anh đã chủ động tạo điều kiện hỗ trợ mọi người.
Khu ký túc xá có đầy đủ vật dụng cần thiết cho các sinh viên.
Chia sẻ với Zing, anh Lâm nói "không ghi chép lại chi phí đã bỏ ra để hỗ trợ vì đơn giản làm từ cái tâm, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo cùng mọi người".
Tại ĐH Nông lâm Huế, trong những ngày mưa lũ vừa qua, nhà trường vẫn mở cửa tầng 2 giảng đường A-B để đón sinh viên tránh lũ lụt. Thậm chí, thầy hiệu trưởng Trần Thanh Đức và nhiều cán bộ khác còn cất công chèo thuyền và lội nước để tiếp tế mì tôm và nước uống cho sinh viên, khiến nhiều người không khỏi cảm động.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Quảng Trị) đã cho người dân mượn bếp và nhiều phòng học để na
Tại Đông Hà (Quảng Trị), trường tiểu học Lê Hồng Phong đã cho người dân và các nhà hảo tâm mượn bếp ăn và phòng học làm nơi nấu cơm miễn phí và tập kết đồ cứu trợ cho bà con vùng lũ. Hơn 5.500 suất cơm đã được hoàn thành để gửi tới tay người dân những vùng bị cô lập.
Tài khoản Hang Ho - một thành viên trong nấu cơm thiện nguyện - chia sẻ trên trang cá nhân: "Thổn thức, bất an và nước mắt cứ tuôn trào nghĩ về bà con nhân dân đang ngập sâu trong nước lũ. Chỉ mong sáng mau để làm cái gì đó khẩn cấp giúp bà con, và thế là rất nhiều tấm lòng đồng cảm chung tay cùng nhau nấu những bát cơm chứa chan tình thương. Một ngày chị em chúng ta ai cũng tất bật, quần quật nhưng lại cảm thấy hạnh phúc".
(Tổng hợp)
Ngọc Hà
Báo Dân Sinh