Chiều 19-10, tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng chức năng vẫn đang thiết lập cầu đường thủy vào Rào Trăng để cứu hộ cứu nạn (CHCN).
Cầu đường thủy sẽ bắt đầu từ xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền đến đập thủy điện Rào Trăng 4 để vào thủy điện Rào Trăng 3.
Cảnh tượng sạt lở ngổn ngang bên trong khu vực Rào Trăng. Ảnh: CACC
Cầu đường thủy được thiết lập nhằm tập trung mọi lực lượng, phương tiện, lương thực thực phẩm... phục vụ cho công tác CHCN ở Rào Trăng 3.
Được biết, Bộ Công an đã cho tăng cường hai ca nô mã lực lớn để phục vụ vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm vào Rào Trăng. Đồng thời sử dụng cho công tác tìm kiếm các công nhân còn mất tích.
Hiện, hệ thống thông tin liên lạc đã kết nối vào Rào Trăng 4 và một số vùng lân cận. Riêng khu vực Rào Trăng 3, lực lượng CHCN vẫn đang nỗ lực để kết nối.
Thông tin từ hiện trường cho thấy lượng đất đá đổ xuống rất lớn, ước tính khoảng hơn 30.000 m3, độ sâu từ 5 m đến 7 m và nhiều tảng đá lớn đổ ập xuống.
Vận chuyển lương thực vào Rào Trăng. Ảnh: CACC
Lực lượng CHCN đã kiểm tra, khảo sát nhiều địa điểm xung quanh thủy điện Rào Trăng 3 nhưng vẫn chưa tìm được thêm người mất tích.
Đến hiện tại, lực lượng CHCN bước đầu xác định hai điểm sạt lở chính làm sập nhà điều hành, lán trại vùi lấp 17 công nhân. Trong đó có một điểm 15 người, một điểm hai người. 2/17 người đã tìm thấy thi thể.
Lực lượng CHCN tiếp tục các mũi kiểm tra, đánh giá lại khu vực này để tham mưu cho Sở chỉ huy tiền phương có phương án phù hợp, hiệu quả, an toàn tìm kiếm người mất tích.
Mưa lũ tại Thừa Thiên Huế đã làm 27 người chết, 15 người mất tích, 13 người bị thương, hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng, gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Tổng thiệt hại đến nay khoảng 1.126 tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã cấp cho Thừa Thiên Huế 1.000 tấn gạo cứu đói ban đầu. Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp nhận hơn 25 tỉ đồng hỗ trợ từ nhiều nguồn, phân bổ hàng chục ngàn suất hỗ trợ về với người dân vùng lũ. |