Phân tích dữ liệu vốn hóa thị trường hàng năm của Dow Jones Market Data cho thấy, các công ty sản xuất mọi thứ từ điện thoại cho đến vận hành các nền tảng truyền thông xã hội hiện chiếm tỷ trọng gần 40% chỉ số S&P 500, con số này đang trên đà vượt qua mức kỷ lục là 37% trong năm 1999. Trong năm nay, Apple là công ty Mỹ đầu tiên đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 7% tỷ trọng trong S&P 500. Đầu tháng trước, cổ phiếu công ty này chiếm 8%, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong số liệu từ năm 1998.
Bất chấp đà sụt giảm trong thời gian gần đây của các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple và Netflix, nhiều cái tên trong số này vẫn nằm trong những công ty dẫn dầu đà tăng của thị trường vào năm 2020. Điều này giúp S&P 500 tăng gần 8% trong năm 2020 và đưa chỉ số này lên gần mức cao nhất mọi thời đại dù nền kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19. Cổ phiếu công nghệ đã thúc đẩy mức tăng của thị trường vào tuần trước, nhưng sau đó lại kéo xuống, làm nổi bật sức ảnh hưởng lớn của các mã này đối với các chỉ số chính trên Phố Wall.
Những xu hướng mới như làm việc từ xa và điện toán đám mây đang thúc đẩy đà tăng trưởng của các công ty này, giúp họ mở rộng hoạt động kinh doanh khi nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc lợi nhuận tập trung vào một nhóm các công ty đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Họ lo lắng rằng thị trường quá phụ thuộc vào lĩnh vực này và 1 số mã khác có diễn biến tiêu cực sẽ khiến thị trường đi xuống.
Tỷ trọng của các lĩnh vực trong S&P 500.
Dựa theo những diễn biến trước đây, khi một ngành nào đó có tỷ trọng đạt đỉnh trong S&P 500 thì tình trạng bán tháo sẽ diễn ra. Ví dụ, lĩnh vực công nghệ lao dốc sau khi bong bóng dot-com vỡ tung. Tỷ trọng của các ngân hàng cũng chạm đỉnh vào năm 2006 trước thời điểm khủng hoảng tài chính và cổ phiếu năng lượng cũng giảm sau khi tỷ trọng chạm mức cao chưa từng có trong S&P 500 vào năm 2008.
Trong khi đó, rất nhiều nhà phân tích nói rằng cổ phiếu công nghệ đang được định giá quá cao so với 2 thập kỷ trước, khi tăng trưởng lợi nhuận ổn định và lãi suất gần bằng 0 chính là động lực chính thúc đẩy đà tăng của nhóm này. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh hơn, khả năng nhóm này sẽ lao dốc vào kéo cả thị trường sụt giảm.
Alison Porter – quản lý danh mục đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Janus Henderson Investors, cho biết: "Chúng ta có một cuộc sống được số hóa." Do đó, bà vẫn tin tưởng vào các công ty công nghệ lớn, bởi sự tăng trưởng ổn định và vai trò quan trọng của họ đối với những người phải ở trong nhà do đại dịch.
Do Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua các biện pháp kích thích mới, nhiều nhà đầu tư vẫn do dự trong việc rót tiền vào những công ty có mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế. Dù số liệu cho thấy các gã khổng lồ công nghệ sử dụng ít lao động hơn so với một số công ty dẫn đầu thị trường trước đây, nhưng họ lại đầu tư mạnh vào các mảng kinh doanh của mình và cho phép các công ty, người tiêu dùng khác mua và bán hàng hóa, dịch vụ hiệu quả hơn.
Howard Marks – đồng sáng lập công ty đầu tư Oaktree Capital Group, cho biết trong biên bản ghi nhớ gửi đến khác hàng, các phương pháp tính toán mức độ đắt đỏ của cổ phiếu công nghệ so với lợi nhuận hiện tại có thể đang đánh giá thấp tiềm năng của họ, bởi họ đã chi quá nhiều tiền để thúc đẩy sự phát triển.
Diễn biến của cổ phiếu Apple, Facebook, Alphabet và S&P 500 trong năm 2020.
Dữ liệu từ FactSet cho thấy, các nhà phân tích ước tính tỷ trọng lợi nhuận doanh nghiệp của cổ phiếu công nghệ trong S&P 500 có thể đạt khoảng 36% trong năm nay. Lĩnh vực công nghệ thông tin có P/E là 28 dựa trên lợi nhuận của nhóm này trong 2 năm qua, trong khi S&P 500 là 24. Cổ phiếu các công ty dịch vụ truyền thông đang giao dịch ở mức 25 lần so với lợi nhuận, còn Apple, Microsoft, Facebook và Alphabet là hơn 30. P/E của cổ phiếu Netflix là 90, trong khi Amazon là khoảng 130.
Dù cổ phiếu của các công ty internet có giá không hề rẻ, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng chi tiền vì sự phát triển nhanh chóng của họ. David Lebovitz – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, cho hay: "Nhóm này đã ghi nhận sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong 10 năm qua, khi triển vọng kinh tế ảm đạm."
Phân tích Dow Jones Market Data tập trung vào các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông trong S&P 500 và không bao gồm Amazon, bởi công ty này thuộc lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu. Nếu có Amazon, vốn hóa của nhóm công nghệ trong S&P 500 sẽ là khoảng 1,6 nghìn tỷ USD. Điều này sẽ khiến mức độ ảnh hưởng của công nghệ với thị trường còn lớn hơn.
Hiện tại, Amazon và các đại gia công nghệ đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt gao của các nhà lập pháp. Ủy ban Hạ viện do đảng Dân chủ gần đây đã đề xuất Quốc hội nên cân nhắc việc buộc các công ty công nghệ lớn tách rời các nền tảng trực tuyến khỏi những ngành kinh doanh khác.
Rất ít nhà phân tích cho rằng các công ty công nghệ lớn nhất sẽ sớm tan rã và họ lập luận rằng những động thái pháp lý thường được đưa ra khá chậm. Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng những quy định mới có thể sẽ là yếu tố gây biến động trong những tuần sắp tới.
Jacob Walthour – CEO tại Blueprint Capital Advisors, cho biết: "Điều duy nhất khiến tôi lo ngại thực sự khi là một nhà đầu tư đặt cược vào đà tăng của cổ phiếu công nghệ đó là khả năng chính phủ sẽ can thiệp." Tuy nhiên, ông vẫn khuyến nghị khách hàng ưu tiên cổ phiếu công nghệ, các công ty thương mại điện tử như Amazon hay Tesla vì tiềm năng tăng trưởng.
Tham khảo Wall Street Journal