"Không chỉ các nhà đầu tư, hiện các công ty nước ngoài hoặc các chủ đầu tư lớn ở TPHCM đang có xu hướng chuyển ra thị trường Hà Nội", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội - nhận định.
Masterise Group, tên cũ là CTCP Đầu tư Thảo Điền, đã ghi dấu ấn với Hà Nội bằng dự án Premier Berriver Long Biên, mở bán hồi cuối năm 2019. "Masterise tới đây sẽ làm mạnh một loạt dự án như Masteri Ocean Park, Masteri Smart City, và sẽ làm trong trung tâm. "Làm" ở đây đã có dấu hiệu làm chứ không phải còn trong giai đoạn nghiên cứu", bà Hằng chia sẻ tại sự kiện Họp báo Quý 3/2020 thị trường bất động sản Hà Nội mới đây.
Masterise vốn là "tay chơi" của làng địa ốc Sài Gòn.
Trào lưu "Bắc tiến" này không chỉ có Masterise, mà còn cả Phú Long, MIK, Trung Thủy, Lancaster... và một loạt ông lớn nước ngoài như CapitaLand, Mitsubishi cũng tham gia.
Vì đâu ông lớn địa ốc Sài thành hứng thú với thị trường Hà Nội?
Thị trường bất động sản Hà Nội Quý 3/2020 tương đối ảm đạm, với nguồn cung 3.100 căn hộ, giảm 50% theo quý và 60% theo năm. Trong đó, chỉ khoảng 700 được mở bán mới, còn lại là số lượng đến từ 9 dự án đã mở bán từ trước.
Vướng "tháng ngâu", lại cộng thêm bùng nổ Covid-19 làn sóng thứ 2, thị trường tiếp tục nhạy cảm về giá và bất ổn với việc thiếu nguồn cung Hạng A.
Vì đâu thị trường Hà Nội lại hút chủ đầu tư Sài Gòn?
Bà Hằng phân tích có 3 yếu tố khiến chủ đầu đầu tư Sài Gòn đổ bộ Hà Nội.
Điều họ kỳ vọng là mang được triết lý kinh doanh ra thị trường Hà Nội
Thứ nhất, hiện tính pháp lý ở Hà Nội là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư yên tâm. Theo báo cáo thị trường TPHCM của Savills, trong Quý 3, có 4 dự án hạng A và B mở bán đã tạm ngưng do vướng phải vấn đề về tài chính và pháp lý.
Thứ hai, các chủ đầu tư Sài Gòn nhìn vào những gì họ có thể đóng góp vào thị trường Hà Nội. Họ là những chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển bất động sản trong TPHCM, và trong mắt của họ thì các kinh nghiệm phát triển dự án, điều kiện bàn giao, điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích, cảm giác các chủ đầu tư tại Hà Nội có quan tâm, nhưng để đến ngưỡng khi bàn giao nhà cho khách thì khách hàng không còn ý kiến lại không phải chuyện phổ biến.
"Điều họ kỳ vọng là mang được triết lý kinh doanh ra thị trường Hà Nội. Làm thay đổ và làm tốt, họ sẽ cạnh tranh trực diện với các chủ đầu tư ở Hà Nội", bà Hằng nói.
Thứ ba, cách làm kinh doanh của các chủ đầu tư Sài Gòn là không chỉ làm bằng kinh nghiệm bản thân, mà còn cả kinh nghiệm bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài làm ra sản phẩm vừa túi tiền, lại vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.
"Hiện ở TPHCM, việc xin đất phát triển dự án chung cư khá khó, nguồn cung khan hiếm, các nhà đầu tư có kinh nghiệm tốt, nguồn tiền tốt buộc phải quay sang Hà Nội tìm kiếm sân chơi lớn hơn", bà Hoàng Nguyệt Minh - Phó Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Hà Nội - nói thêm.
Mạnh nhưng chưa chắc thành công?
KĐT Splendora Bắc An Khánh hiện đã "về tay" chủ đầu tư mới - một ông lớn địa ốc miền Nam - Phú Long.
"Xu hướng nhà đầu tư TPHCM ra Hà Nội có gia tăng, nhưng nói để thành công rực rỡ trên thị trường Hà Nội thì lại là một câu hỏi lớn", bà Hằng nhận định.
Theo bà Hằng, thị trường Hà Nội đối với các chủ đầu tư Sài Gòn, thì tâm lý khách hàng, tâm lý nguồn cầu là một trong những thách thức lớn, mà các chủ đầu tư Sài Gòn chưa thể hiểu được.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, một trong những yếu tố rất đặc trưng là nhạy cảm về giá.
Ở TPHCM, giá nhà tại Quận 1 có thể đẩy trên 10.000 USD/m2, hay một dự án tại Quận 2 với mức giá trung bình 7.000 USd/m2, nhưng gần như hết sạch hàng trong ngày mở bán, ông Nguyễn Đức Thêm - Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Bất động sản Nhà ở Quốc tế - chia sẻ.
Tại Hà Nội, có dự án giá khoảng 5.000 USD/m2 bán rất chậm.
Do vậy, câu chuyện thành công được tại thị trường địa ốc Hà nội cần hội tụ rất nhiều yếu tố.
Một khó khăn khác với các chủ đầu tư Sài Gòn tại thị trường Thủ đô, là việc tìm kiếm dự án để có thể hợp tác được, theo bà Minh.
Hiện các nhà đầu tư đang rất linh động về thủ tục giao dịch, có thể là hợp tác đầu tư với những chủ đất tại Hà Nội.
"Tỷ lệ đầu tư trước đây yêu cầu phải chiếm ưu thế tuyệt đối, trên 76%, giờ thì tỷ lệ này được đặt ra ở mức linh động hơn, mức 49% hay 51% cũng có thể chấp nhận, để có cơ hội đc đặt chân vào thị trường Hà Nội", bà Minh nói.