Lũ lụt ở miền Trung đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Từ đêm 17/10 đến sáng 18/10, mưa lũ dâng cao đã khiến 34.000 nhà dân tại tỉnh Quảng Bình bị ngập nặng. Gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.
Tuy nhiên, tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong sáng 18/10 dù nước ngập sâu nhưng những ngôi nhà phao - một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án Nhà Chống Lũ một lần nữa phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Dự án Nhà Chống Lũ do chị Phạm Thị Hương Giang (còn gọi là Jang Kều) sáng lập và hoạt động từ năm 2013. Dự án này đã huy động được hơn 50 tỷ đồng, xây dựng thành công gần 800 căn nhà với 11 mô hình nhà an toàn được triển khai tại nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão lũ. Nhờ đó, hàng nghìn người dân được bảo vệ trước thiên tai.
Trước tình hình bão, lũ ở miền Trung đang đe dọa nghiêm trọng đời sống của người dân, chị Jang Kều đã có bài viết trên trang cá nhân chia sẻ những thông tin chi tiết về mô hình nhà phao của Nhà Chống Lũ (NCL):
Chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), Founder dự án Nhà Chống Lũ.
Rất nhiều bạn quan tâm hỏi tôi và fanpage Nhà Chống Lũ về nhà phao và cũng có rất nhiều bạn nghĩ "nhà chống lũ" chính là "nhà phao" hay "nhà phao" là mô hình duy nhất mà chương trình Nhà Chống Lũ đang làm. Một số bạn đang hỏi tôi về hình ảnh của một ngôi nhà phao đang bị trôi hỏi đây có phải là nhà phao của Nhà Chống Lũ không, tại sao lại bị trôi... Chính vì vậy, tôi xin chia sẻ các thông tin tương đối toàn diện về mô hình nhà phao của Nhà Chống Lũ.
1. Có phải tất cả số nhà phao ở Tân Hoá là do Nhà Chống Lũ làm không: Không, chỉ có 99 căn do NCL làm với 3 mẫu nhà khác nhau.
NCL bắt đầu khảo sát để phát triển mô hình nhà an toàn cho Tân Hoá vào tháng 4/2014. Tính đến nay, chúng tôi đã làm 3 mẫu nhà phao khác nhau với tổng số nhà là 99 căn vào các năm 2014, 2016 và 2017. Tuy nhiên, sau khi NCL hỗ trợ các hộ dân nơi đây phát triển các mẫu nhà thì người dân đã học hỏi và tự xây dựng cho mình những ngôi nhà phao với sự trợ giúp của chính quyền, doanh nghiệp và các nhóm thiện nguyện. Tính đến nay thì hơn 400 hộ dân Tân Hoá đều có nhà phao.
Mẫu thiết kế nhà phao năm 2014
Mẫu thiết kế nhà phao năm 2016
2. Nhà phao chỉ là 1 trong số 10 mô hình mà NCL đã phát triển trong gần 7 năm qua
Tân Hóa là một vùng ngập lũ ở mức rất sâu. Đến nỗi, lần đầu tiên dự án về khảo sát thì mức ngập điểm sâu nhất lên đến 14m. Do đó, nhóm kỹ thuật của dự án đã thống nhất bỏ phương án làm nhà xây mà chuyển sang nghiên cứu - mô hình hóa và tối ưu phương án nhà bè người dân tự làm ở địa phương.
Vì vậy, ngoài 9 mô hình nhà xây phù hợp với các địa hình, kiểu lũ, khí hậu, văn hoá như nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà 2 gác, nhà có gác xép tránh lũ, nhà ống có gác lửng, nhà 3 gian có gác lửng... thì NCL đã phát triển mô hình nhà phao cho vùng đất có mức lũ ngập rất sâu này.
Hình ảnh bàn giao nhà đợt 3 (2016)
3. Tại sao có những ngôi nhà phao tự làm của người dân vẫn bị trôi hoặc chưa thật sự an toàn? Và hệ thống dây neo 5 điểm dài 25m của NCL được phát triển như thế nào?
Chi tiết neo dây thiết kế.
Hệ thống neo thi công thực tế đợt 2 (chưa có bộ cuốn dây).
Hệ thống neo thi công thực tế đợt 2 (chưa có bộ cuốn dây)
Ngay từ đầu, ứng phó mức ngập sâu đã là yêu cầu giải pháp khó khăn. Đầu tiên là phải tính được tải trọng cần thiết tối đa để xem cần bao nhiêu thùng phuy để nhà có thể nổi lên. Căn nhà phao nổi lên theo mực nước lũ cần được neo giữ bởi cọc trượt (cột định hướng) hoặc dây neo.
Cọc trượt sử dụng ống thép hoặc thân cây tre – gỗ độ cao tối đa chỉ 6-7m, rất dễ hụt cọc khi xảy ra lũ lớn bất thường. Dây neo thì cần không gian rộng để néo và thao tác khá bất tiện. Sau rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm, hệ thống neo năm điểm dùng bốn sợi cáp đã hình thành. Hệ thống này trượt dây lên xuống mang ưu điểm của cọc trượt và sợi dây cáp dài 25m sẽ tối ưu hóa độ cao nổi nhà cần thiết. Bốn đầu sợi dây được định vị vào trục cuốn có hãm tự động giúp dễ dàng thao tác. Cuối dây được neo chặt vào bốn bệ bê tông cộng thêm bệ bê tông trung tâm làm đối trọng cho nhà phao.
4. Các cải tiến trong mô hình nhà phao của NCL
Thời gian đầu triển khai, dự án chủ yếu mô hình hóa, tính toán tải trọng chịu đựng để phân bố số phao (thùng phuy) nổi cho nhà (mẫu năm 2014). Dần dần sau đó yêu cầu cao hơn về khả năng chịu gió, sóng tác động. Điển hình như khung nhà có sàn hình vuông, độ cao vách vừa phải, độ dốc mái thấp, có hành lang nhỏ xung quanh để giảm sóng (năm 2015). Với mô hình hoàn thiện lần thứ ba (năm 2016) có hệ thống dây cáp neo năm điểm có trục hãm tự động là yêu cầu bắt buộc, khung nhà có sàn hình vuông, sử dụng bốn mái, cửa lùa, có hành lang xung quanh, có cửa sổ hậu phía sau cánh lùa ngang và khuyến nghị neo phao góc để giảm tác động sóng và tăng độ nổi.
5. Chi phí để làm 1 căn nhà phao để các cá nhân/nhóm thiện nguyện/doanh nghiệp có thể chung tay đóng góp.
Trước đây, ngoài số thùng phuy NCL đã xin tài trợ được từ doanh nghiệp Vodka Cá Sấu, thì tổng chi phí còn lại để làm nhà phao là 25-35 triệu. Tuy nhiên, do hiện tại vùng có mức lũ rất sâu như Tân Hoá, các hộ đều có nhà phao rồi, nên chúng ta không cần hỗ trợ làm nhà phao nữa.
Cái mà cộng đồng có thể đóng góp là chi phí mua bộ dây cáp neo năm điểm có trục hãm tự động (như hình minh hoạ) vì chỉ có 99 trên tổng số hơn 400 căn nhà là do NCL làm, thì các bộ dây neo thường hoặc bộ dây neo năm điểm thì chắc chắn đảm bảo an toàn, số còn lại người dân tự làm dây neo thường hoặc cọc trượt bằng ống thép hoặc tre không đảm bảo an toàn khi có mức lũ lớn và đặc biệt khi có gió bão kết hợp với lũ.
6. NCL có kế hoạch giúp cho các hộ còn lại ở Tân Hoá (ngoài 99 hộ NCL đã làm trực tiếp) hoàn thiện hệ thống cáp neo năm điểm có trục hãm tự động không?
Hỗ trợ dây neo và bộ cuốn dây hãm tự động.
NCL sẽ sử dụng số tiền gây quỹ được để xây nhà cho các hộ nghèo ở tỉnh có ảnh hưởng bởi thiên tai. Chúng tôi sẽ ngay lập tức đi khảo sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của các đợt bão lũ liên tiếp này (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam) để đánh giá, khảo sát nhằm:
- Hỗ trợ xây nhà ở 2 địa bàn mới Quảng Trị và Huế
- Đánh giá và hỗ trợ các bộ cáp neo 5 điểm có trục hãm tự động cho các hộ còn lại ở Tân Hoá (Quảng Bình)
- Tiếp tục triển khai xây nhà an toàn và hoàn thiện các ngôi nhà trong 2 Làng Hạnh Phúc ở Bắc Trà My và Nam Trà My ở Quảng Nam
Chia sẻ về dự án Nhà Chống Lũ, chị Jang Kều từng nói: "Chúng tôi không bằng lòng với những gì mình đã làm, từ nền tảng Nhà Chống Lũ chúng tôi đã bắt tay thí điểm dự án mới có tên Làng Hạnh Phúc. Nếu chỉ có 1 căn nhà an toàn không thôi là chưa đủ, cần phát triển gia đình, cộng đồng an toàn".
Bất kỳ ai cũng có thể góp một phần của mình để hỗ trợ đồng bào miền Trung đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Hãy cùng chung tay với Nhà Chống Lũ trong chiến dịch "Hướng về miền Trung" để gây quỹ, xây dựng những căn nhà mới, giúp nhiều người ổn định cuộc sống, vững vàng vượt qua những đợt thiên tai.
Quý độc giả có thể chung tay cùng Nhà Chống Lũ xây dựng nhà an toàn cho bà con theo các hình thức sau:
1. CHUYỂN KHOẢN NGÂN HÀNG QUY HO TRO PT CONG DONG SONG BEN VUNG
Số tài khoản 0541-000-3233-68
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Chi nhánh Chương Dương, Hà Nội
Swift code: BFTVVNVX
2. CHUYỂN KHOẢN QUA PAYPAL
3. CHUYỂN KHOẢN QUA VÍ ĐIỆN TỬ MOMO
Số điện thoại 0914-19-1513
Xin lưu ý khi gửi các khoản tiền tài trợ, bạn vui lòng ghi chú: Tên bạn-SĐT-NCL2020.
Theo Thiên An
Báo Dân sinh