Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa thông qua nghị quyết với hàng loạt mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò khu đông
Để thực hiện các mục tiêu này, bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là TP.HCM sẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Đồng thời, TP sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là sẽ phát huy vai trò khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông.
Tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc đại hội, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay đề án thành lập TP Thủ Đức là mô hình “thành phố trong thành phố”, nhằm biến nơi đây thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Khu vực này được kỳ vọng sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới cho TP. Cụ thể là góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Minh Nghĩa, Phó phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cho rằng hiện nay TP đang đi đúng hướng khi xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Thủ Thiêm, trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước, hay đề án thành lập TP Thủ Đức… cùng với một số đề án khác sẽ biến TP không chỉ trở thành nơi phát triển kinh tế sôi động của cả nước mà còn lan ra cả khu vực.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả để đưa TP vươn tầm thế giới. “Tôi nghĩ cần phải có lộ trình cụ thể, tạo được sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Khi phát triển cũng phải cố gắng không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế. Phải cân bằng được phát triển kinh tế với các vấn đề về xã hội và môi trường” - ông Nghĩa nói.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TP.HCM đang trong quá trình thi công. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc
Một giải pháp đáng chú ý khác mà TP đưa ra là phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ… Cùng với đó là xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai.
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cho rằng việc phát triển hạ tầng giao thông ở TP, nhất là TP Thủ Đức tới đây là rất quan trọng. Bởi điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.
Theo KST Mười, hiện nay Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển các cao tốc kết nối với TP.HCM (cao tốc về miền Tây, cao tốc về miền Đông…) nhưng điều cần ưu tiên quan tâm lúc này là đầu tư hoàn thiện hệ thống đường vành đai, đặc biệt là vành đai 3 và 4. “Điều này rất quan trọng đối với một đô thị, vì khi phương tiện từ các nơi đổ về TP, hệ thống đường vành đai giúp cho các phương tiện hạn chế đi xuyên tâm TP, không gây ùn tắc nghiêm trọng” - ông Mười nói.
Về giải pháp, theo KTS Mười, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn cho TP.HCM trong vấn đề này. Theo đó, các dự án thuộc thẩm quyền Bộ GTVT thì giao bộ này tích cực đẩy nhanh, còn dự án cấp địa phương ở TP.HCM thì nên xã hội hóa.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhìn nhận năng lực vận tải - logistics ở TP.HCM hiện cung chưa đáp ứng được cầu. Trong khi đó, kết nối hạ tầng giao thông phải phù hợp thì mới có thể nâng cao năng lực vận tải.
Theo ông Quản, ngay việc quy hoạch logistics thì TP cũng cần xem lại. Chẳng hạn như cảng Cát Lái - nơi tập trung hàng hóa nhiều nhất, xe ra vào thường xuyên nên cần xem lại về kết nối giao thông để nâng cao khả năng của cảng này.
“Hiện cũng có đề xuất nên làm cảng biển ở Cần Giờ nhưng bài toán chung vẫn là giao thông kết nối từ cảng đó đi các nơi khác như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Bởi chỉ có hạ tầng hoàn thiện, năng lực vận tải tăng thì giá thành mới giảm, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển” - ông Quản góp ý.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh
Một nội dung rất quan trọng khác là tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh, trong sạch; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ và đòi hỏi của Đảng và nhân dân TP.
Để thực hiện điều này, hàng loạt giải pháp được đưa ra như nắm chắc và dự báo đúng tình hình tư tưởng, nghiên cứu dư luận và tâm trạng xã hội; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh.
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch…
Ngoài bốn giải pháp trên, trong thời gian tới TP cũng sẽ quyết tâm đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội giai đoạn 2017-2022, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP giai đoạn sau năm 2022.
Đoàn kết ý chí và hành động Trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ hôm 18-10, tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã hứa trước đại hội, trước Đảng bộ và nhân dân TP rằng Ban chấp hành Đảng bộ khóa XI sẽ bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò, vị trí, trách nhiệm của TP vì cả nước, cùng cả nước. Theo ông Nên, Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới sẽ là một tập thể gương mẫu, đoàn kết ý chí và hành động tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, và yếu kém. Từ đó huy động mạnh mẽ các nguồn lực kiên quyết tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đi vào cuộc sống với hiệu quả cao nhất. |