Thời điểm hiện tại, Daymond John được biết đến rộng rãi với tư cách là nhà đầu tư nổi bật trên chương trình "Shark Tank" của Mỹ. Tuy nhiên, cũng như nhiều triệu phú tự thân khác, doanh nhân này đã trải qua những ngày đầu khởi nghiệp rất khiêm tốn.
Doanh nhân triệu phú Daymond John.
Khi còn học trung học, ông đã kinh doanh bằng cách cạo lớp sơn bên ngoài của bút chì và khắc tên khách hàng lên đó để kiếm một khoản phí nhỏ. Năm 10 tuổi, cha mẹ ông ly hôn và từ đó, ông sống với mẹ.
John chia sẻ với Business Insider: "Chúng tôi đi từ tầng lớp trung lưu xuống tầng lớp nghèo. Tôi đã trở thành trụ cột gia đình và bắt đầu làm việc ở độ tuổi đó". Công việc tiếp theo mà ông làm là phát tờ rơi trong khu phố với giá 2 USD/giờ.
Trong thời gian đi học, John phải trải qua nhiều năm vật lộn với chứng khó đọc. Đầu những năm 1990, ông làm bồi bàn tại một chi nhánh của chuỗi nhà hàng hải sản Red Lobster.
Một ngày nọ, mẹ của ông nói: "Con trai, con cần tìm ra điều mình muốn làm trong phần còn lại của cuộc đời, bằng cách này hay cách khác". John đáp lại rằng ông muốn thành lập một công ty may mặc dành cho nam thanh niên. Sau đó, mẹ ông dạy ông cách làm mũ. John tìm mua vải giá rẻ và tạo ra 80 chiếc mũ rồi bán với giá 10 USD/cái, thu về 800 USD.
Sau khi thấy sự ham mê của con trai, mẹ John quyết định thế chấp căn nhà họ đang sống để tài trợ 100.000 USD cho việc kinh doanh của ông. Doanh nghiệp nhỏ chính thức hoạt động năm 1992, được đặt tên là FUBU (For Us, By Us).
Trong những ngày đầu của FUBU, John và mẹ làm việc trong căn nhà đã mang đi thế chấp của họ. Thương hiệu bắt đầu thành công sau khi được một số ngôi sao diện sản phẩm trong các MV ca nhạc.
Tuy nhiên, để làm được điều này, John đã cầm 10 chiếc áo sơ mi đến các buổi quay MV hip hop của một số ca sĩ nổi tiếng để thuyết phục họ chụp hình mặc áo sơ mi của thương hiệu.
Chưa dừng lại ở đó, John đã đem những bức ảnh trên cùng các mẫu áo FUBU đến buổi trình diễn thời trang dành cho nam giới tổ chức hai lần mỗi năm tại Las Vegas để tìm kiếm khách hàng mới. Tại đây, ông nhận được đơn đặt hàng trị giá lên tới 300.000 USD.
Lúc này, ít ai biết rằng John vẫn làm việc toàn thời gian tại Red Lobster. Thời điểm đã kiếm đủ tiền, John mới quyết định nghỉ việc tại Red Lobster năm 1996 để dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho FUBU.
John nhanh chóng nhận ra rằng mình có thể mơ lớn hơn nữa. Ông chia sẻ với Business Insider: "Khi kiếm được 1 triệu USD đầu tiên, tôi mới nhận ra mình nghèo như thế nào. Cần khoảng 1 triệu để giúp bạn thoát khỏi nợ nần".
Công việc làm mũ đã giúp ông biến một hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ thành một doanh nghiệp phát triển rực rỡ, đem lại doanh thu 350 triệu USD trong vòng 6 năm. Thời điểm hiện tại, FUBU đã đạt hơn 6 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu.
Đến đầu những năm 2000, sự nổi tiếng của thương hiệu có dấu hiệu giảm dần, tuy nhiên, John thì không! Ông chớp lấy cơ hội "làm mới" bản thân bằng cách tham gia vào chương trình "Shark Tank". Dù mùa đầu tiên tiêu tốn khoảng 750.000 USD tiền túi, John cảm thấy mình trở nên hiểu biết hơn. Các doanh nghiệp mà ông đầu tư giờ đây đã kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận hàng năm.
Thời điểm hiện tại, John điều hành 3 doanh nghiệp: FUBU, công ty quản lý thương hiệu Shark Group và không gian làm việc chung Blueprint + co.
Năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama đã bổ nhiệm John làm Đại sứ Tổng thống về tinh thần kinh doanh toàn cầu, trao cho ông cơ hội giúp các nhà sáng lập trên toàn thế giới gọi vốn và tiếp cận với lời khuyên của ông. Ngoài ra, John còn viết 5 cuốn sách và tiếp tục xuất hiện trên Shark Tank.
Theo Wealth-X, John sở hữu khối tài sản khoảng 300 triệu USD. Chia sẻ về thất bại và khó khăn trong quá khứ, ông nói: "Khi chống lại thế giới và không có tiền để làm bất cứ thứ gì, bạn bắt đầu trở nên sáng tạo. Đó là lúc bạn bước ra khỏi vùng an toàn và xây dựng những điều mới mẻ để thành công".
Mộc Tiên
Theo Tổ Quốc/BI