Trên thương trường Việt Nam, không thiếu bóng dáng những người phụ nữ tài năng, tháo vát. Một mặt, họ vừa "đánh Đông dẹp Bắc" không thua kém các đấng mày râu, mặt khác vẫn lo chu toàn việc gia đình, con cái. Và Đào Lan Hương là một người phụ nữ như vậy. Ở chị, người ta vừa thấy sự mạnh mẽ, quyết liệt của một nữ doanh nhân thành đạt, vừa có nét dịu dàng, nữ tính với những sở thích rất đời thường như tập yoga, chơi đàn, nghe nhạc Đen Vâu,...
Nhân ngày 20/10, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Nhà sáng lập, CEO học viện công nghệ Teky, Đào Lan Hương, để tìm hiểu rõ hơn về công việc cũng như cuộc sống của chị.
Xin chào chị Hương. Từ 1 công ty khởi nghiệp với nguồn vốn 20 triệu đồng đến Tập đoàn Nexttech trị giá hàng trăm triệu USD, không biết chị đã đi con đường ấy thế nào?
Chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp vào những năm 2001, 2002 khi mới 19, 20 tuổi, còn đang ngồi trên giảng đường đại học. Với nguồn vốn startup là 20 triệu đồng xin từ bố mẹ, chúng tôi dùng chính nhà mình để làm văn phòng, kê vài bộ bàn ghế làm việc, tuyển thêm vài anh em nữa nhưng chủ yếu vẫn là đội ngũ sáng lập nai lưng ra làm.
Ở công ty, tôi vừa lo kinh doanh, phụ trách quan hệ đối tác, vừa là 1 nhân viên hành chính, vừa kiêm luôn kế toán, nhân sự tiền lương,… Tóm lại làm tất, và sẵn sàng lao vào xử lý mọi việc khi cần, từ những việc nhỏ nhất. Cho đến giờ tôi vẫn chưa thể quên những đêm trường kỳ làm việc, xử lý hợp đồng dự án, sáng hôm sau tới trường như bình thường. Nhiều hôm mệt mỏi đến nỗi tôi ngủ gục trên giảng đường. Được cái tôi có bố mẹ thông cảm, hỗ trợ, dù tôi chẳng đem được đồng lương nào về, và thời gian dành cho gia đình lại quá ít.
Giai đoạn ấy quả thật rất vất vả nhưng thế hệ 8x chúng tôi đã có một cơ hội vàng từ sự phát triển vũ bão của Internet. Chúng tôi nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về công nghệ, thành lập eBay Việt Nam, sàn thương mại điện tử (TMĐT) đầu tiên của người Việt. Rồi chúng tôi được quỹ IDG để mắt tới, trở thành startup đầu tiên ở Việt Nam nhận vốn đầu tư của nước ngoài vào năm 2004.
Tuy nhiên có được đầu tư mới chỉ là bước đầu, chặng đường sau đó vẫn rất nhiều gập ghềnh. Tiền đầu tư chưa đủ để công ty tồn tại, đã có thời điểm chúng tôi phải gán nhà, vay tiền ngân hàng để trả lương, rồi mất ngủ lo lắng triền miên. Năm 2012 công ty mở rộng nhanh chóng lên gần 500 nhân sự rồi lại thu hẹp còn 150 nhân sự, cắt giảm tới 70% thực sự khiến chúng tôi đau lòng.
Tất nhiên sau đợt cắt giảm để tối ưu đó, cuối cùng Nexttech cũng có những thành công tại mảng thanh toán điện tử, rồi logistics, mở rộng ra thị trường quốc tế, tới nay tập đoàn đã có 2.000 nhân viên, 20 công ty thành viên, có mặt tại 5 quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi cũng thành lập quỹ đầu tư Next100 tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ các startup dưới sự dẫn dắt của Shark Nguyễn Hòa Bình.
Trong suốt chặng đường khởi nghiệp, có thất bại nào khiến chị cảm thấy mệt mỏi và từng muốn lui về hậu phương?
Chẳng ai nói làm startup không vất vả. Nhưng ngay cả những lúc bấp bênh và khó khăn nhất, tôi luôn trăn trở tìm cách để vượt qua, cảm giác mệt mỏi chỉ là nhất thời. Mặc dù là phụ nữ nhưng tôi cũng khá mạnh mẽ, không ngại đối diện với áp lực. Sự vất vả "lên voi xuống chó" bao nhiêu năm qua và khởi điểm từ số 0 đã tôi luyện chúng tôi thành những người kiên trì, bền bỉ và kiên định.
Ngoài ra, mỗi người sinh ra đều tìm kiếm mục đích sống của đời mình. Khi làm những việc thỏa mãn khao khát của bản thân, có giá trị cho xã hội, giúp đỡ được nhiều gia đình khác, thì có mệt mỏi đến đâu tôi cũng chưa bao giờ muốn dừng chân. Đến giờ nhìn lại tôi thấy mình thực sự may mắn vì có nhiều người ở bên giúp đỡ để mình được như ngày hôm nay và không cần phải nuối tiếc điều gì.
Tại sao Nexttech đã có nhiều dự án thành công như MPOS, Vimo, Ngân Lượng,…. nhưng chị vẫn quyết định "lấn sân" sang mảng giáo dục với Teky vào năm 2017?
Nhiều năm làm công nghệ thông tin giúp tôi hiểu lĩnh vực này sẽ tác động sâu sắc như thế nào tới thế hệ tương lai. Tôi biết mình phải chuẩn bị dần cho con nhưng khi tôi cất công đi tìm các chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em tại Việt Nam thì lại không thấy. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi lập trình là một bộ môn bắt buộc từ cấp tiểu học, là nền tảng cơ bản thứ 5: Nghe - Nói - Đọc - Viết - Lập Trình. Điều này chắc chắn tạo ra khoảng cách năng lực lớn giữa thế hệ tương lai Việt Nam với các bạn đồng trang lứa tại các nước phát triển.
Năm 2016, tôi quyết định một mình đi khắp Đông Nam Á, tới từng cơ sở giảng dạy công nghệ cho trẻ em để tham khảo. Tôi cũng sang Trung Quốc, HongKong để tham quan các triển lãm đổi mới giáo dục, sang Mỹ, Úc nói chuyện với các chuyên gia. Càng tìm hiểu thì sự thôi thúc hành động càng lớn: Nếu không ai làm thì tôi sẽ tự làm để con tôi và các bạn có chỗ học. Teky- Tek (Tech) for young, đã ra mắt cơ sở đầu tiên vào năm 2017 như thế.
Ngoài ra, khi Nexttech có những thành công nhất định, tôi bắt đầu suy nghĩ về trách nhiệm xã hội. Dự án Teky giống như một nhân duyên để tôi thực hiện sứ mệnh giúp đỡ thế hệ tương lai, giúp các con trang bị năng lực số, nắm bắt cơ hội, tránh nguy cơ mất việc làm từ robot và trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Từ đó, chúng tôi nhìn dự án này không dừng lại ở mô hình kinh doanh mà còn đầu tư tới cùng với rất nhiều tâm huyết, đem lại giá trị tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, để các em không lạc hậu so với thế giới. Đấy cũng là mục tiêu lớn nhất của Teky.
Các dự án trước đây chị luôn đồng hành cùng anh Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch Nexttech, PV) nhưng với dự án này, chị gần như chủ trì và anh Bình chỉ là người tư vấn thêm đúng không?
Tôi đã cùng anh Bình gây dựng Nexttech suốt 15 năm, nơi đây là tình yêu đầu đời của cá nhân tôi, những gì hun đúc nên tôi ngày hôm nay đều có dấu ấn rất rõ của Nexttech, điều đó không bao giờ thay đổi. Nhưng khi tập đoàn đã lớn mạnh với đội ngũ nhiều nhân sự tài năng, tôi nhận ra mình có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội bằng dự án giáo dục này. Tôi rút khỏi Nexttech để toàn tâm toàn ý phát triển Teky một cách bài bản, chất lượng.
Lúc mới quyết định rời Nexttech, rất nhiều người đã ngăn cản tôi và không phải ai cũng có niềm tin vào hướng đi này vì giáo dục luôn đòi hỏi đầu tư lâu dài. Đây có thể là quyết định "vượt sướng" khó khăn nhất mà tôi đã làm trong cuộc đời mình, rời bỏ vị trí Phó Chủ tịch, lãnh đạo ở tập đoàn lớn đã thành công, bắt đầu lại mọi thứ từ đầu, ở một lĩnh vực hoàn toàn mới với 3 số 0: Thị trường không có sẵn nhu cầu học công nghệ; Không sản phẩm tương tự; Không có lực lượng giáo viên hiểu biết về dạy công nghệ cho trẻ em.
3 số 0 này là những vấn đề mà chưa chắc có tiền đã giải quyết được và cũng khá áp lực nếu bản thân không thành công. May mắn anh Bình cũng động viên, hỗ trợ Teky mỗi khi tôi cần và tại Teky chúng tôi có 1 tập thể đồng sáng lập đều là những người vô cùng tâm huyết, tài năng và cực kỳ chăm chỉ, quyết liệt.
Đến nay Teky đang ở đâu trên thị trường giáo dục trẻ em?
Sau hơn 3 năm phát triển, hiện Teky có vị trí dẫn đầu trong thị trường giáo dục công nghệ cho trẻ em, với 16 học viện tại 5 tỉnh thành trên toàn quốc, trên 300 nhân sự chính thức và 500 giảng viên cộng tác. Hiện tại Teky giảng dạy công nghệ cho 20,000 học sinh, hợp tác với hàng trăm trường thông qua mô hình câu lạc bộ công nghệ. Teky cũng là đơn vị lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực của mình.
Ngoài ra thương hiệu của Teky được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới thông qua rất nhiều thành tựu như: Giải pháp giáo dục công nghệ tốt nhất Châu Á, EduTech Asia 2019; Giải thưởng Rice Bowl Đông Nam Á cho Dự án có ảnh hưởng xã hội tốt nhất liên tiếp 3 năm 2017-2018-2019,… Gần đây nhất, Teky là 1 trong 16 dự án tiêu biểu về đổi mới giáo dục toàn cầu theo báo cáo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2020 tại Davos Thụy Sĩ, cũng là dự án giáo dục duy nhất Việt Nam đến nay được tuyên dương tại đây.
Hiện tại, nhờ ứng dụng công nghệ và xây dựng được đội ngũ chất lượng cao, chúng tôi đã rất sẵn sàng để tăng tốc tại Việt Nam và bắt đầu nghĩ tới cơ hội triển khai tại thị trường quốc tế trong 2-3 năm tới.
Là lãnh đạo nữ trong một tập đoàn công nghệ, chị có gặp khó khăn gì không?
Khó khăn của nữ lãnh đạo nói chung là luôn phải cố gắng duy trì cán cân công việc-gia đình, nhất là trong những giai đoạn gây dựng doanh nghiệp và tăng tốc quyết liệt, thì lại càng khó để chu toàn tất cả. Vì vậy tôi cho rằng lãnh đạo nữ đã và đang phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới.
Tuy nhiên, phụ nữ cũng có những lợi thế như khả năng làm việc chi tiết, cặn kẽ, sự tinh tế, nhạy cảm trong quan hệ con người nên mối quan hệ nội bộ thường sẽ chặt chẽ và bền vững hơn. Có rất nhiều lĩnh vực mà ở đó lực lượng phụ nữ tham gia đông đảo và có sự am hiểu thị trường tốt hơn nam giới nói chung, ví dụ giáo dục, sức khoẻ, làm đẹp, các lĩnh vực liên quan tới dịch vụ cho trẻ em, người già, và cho chính giới nữ,…. Do đó nếu biết tận dụng và phát huy thì đây chính là lợi thế của phụ nữ so với nam giới.
Trong một video trước đây, một nhân sự dưới quyền cho biết chị có thể cống hiến tới 15h làm việc/ngày. Không biết bây giờ chị còn giữ thói quen đó không?
Tôi luôn cố gắng để cân bằng giữa công việc và gia đình, nhất là sau khi có con; nhưng khi công việc đòi hỏi thì mình vẫn phải dốc tâm trí, sức lực.
Hiện nay, tôi chú trọng nhiều hơn vào đào tạo và phát triển đội ngũ, cùng nhau xây dựng kế hoạch bài bản để đưa Teky sang những chặng đường phát triển mới, chứ bản thân mình không thể làm một mình mãi được. Tôi cũng không khuyến khích việc nhân viên làm thêm giờ tại công ty. Thay vào đó tôi mong các bạn ấy có thể nâng cao hiệu quả ngay trong giờ làm việc, thời gian ngoài giờ để tái tạo sức lao động và nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo khác.
Nhiều người nghĩ cuộc sống của những người phụ nữ làm công nghệ sẽ khô cứng, không biết chị thì sao?
Tôi nghĩ khô cứng là do con người chứ không do nghề nghiệp. Công nghệ thậm chí còn giúp cho cuộc sống chúng ta thêm màu sắc hơn rất nhiều. Tôi cũng nghĩ với phụ nữ thành công, bận rộn thì đúng chứ khô cứng thì không. Vì những người đó đều hết sức tự tin, bản lĩnh, giàu năng lượng, sống tích cực, có năng lực sắp xếp mọi việc rất linh hoạt, hiểu biết và chăm sóc tốt bản thân, lại đóng góp được nhiều cho xã hội.
Cá nhân tôi có đời sống tinh thần khá phong phú, nhiều sở thích khác nhau, thích hoạt động xã hội như hỗ trợ startup. Tôi thích nghe nhạc trẻ hiện nay như Đen Vâu, Trúc Nhân v.v.., nhiều lúc nghe nhạc rock; hay đọc sách; có thời gian rảnh sẽ đi xem phim; thường xuyên tập yoga và gần đây tập golf, thời trẻ thì hay tham gia các câu lạc bộ nhảy; có thể vẽ và chơi đàn một chút. Tôi thích trẻ con và có thể chơi với con như những người bạn, thân thiết và hay tâm sự. Có lẽ vì tính cách vui vẻ, trẻ trung nên tôi thấy mình rất hợp lĩnh vực giáo dục cho trẻ em, startup và công nghệ.
Là một nữ tướng, lại cũng là một người mẹ, chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
Khi đã phải gánh vác nhiều trách nhiệm, chắc chắn phụ nữ sẽ khó hoàn hảo trong thiên chức của mình. Cách duy nhất là luôn cố gắng để tranh thủ thời gian. Trong điện thoại của tôi luôn có kế hoạch công việc từng ngày và gần như luôn lên kế hoạch cho mọi việc. Để bố trí gần con nhiều hơn thì hằng ngày đi học về các bạn sẽ tới văn phòng công ty để làm bài tập và học thêm với gia sư, sau đó mẹ con cùng về nhà và sinh hoạt tối với nhau. Tôi cũng hay tâm sự về công việc và sự vất vả của mẹ để các cháu vừa hiểu thêm về cuộc sống, kinh doanh và có tình cảm, ý thức hơn.
Chị đã lên kế hoạch gì cho chặng đường 10 năm sắp tới chưa?
10 năm có lẽ là hơi xa; nhưng chặng đường 10 năm hay bao nhiêu năm thì tôi cũng chỉ có mục tiêu là công việc phát triển, giúp ích xã hội, gia đình con cái mạnh khoẻ, hạnh phúc, bản thân ngày càng hoàn thiện. Nếu nói riêng về công việc thì chúng tôi có mục tiêu trở thành tổ chức đổi mới giáo dục công nghệ hàng đầu tại khu vực và hy vọng sớm đưa Teky vươn ra các nước khác.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện vừa rồi.
Bài: Hồng Nhung
Thiết kế: Hương Xuân
Hồng Nhung
Theo Trí Thức Trẻ