Giáo viên nghỉ việc không lương được bổ sung vào đối tượng nhận hỗ trợ từ chính sách - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ sẽ mở rộng đối với người lao động phải bị mất việc từ 1 tháng trở lên làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng không có nguồn để trả lương.
Việc hỗ trợ này được áp dụng ở tất cả các cấp học, với mức hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế và tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng.
Nghị quyết cũng bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động". Đồng thời sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất theo hướng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng.
Đối với nghị định sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19. Với đối tượng là các giáo viên được hỗ trợ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục lập danh sách, đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách này.
Sau khi có xác nhận trong 3 ngày, doanh nghiệp/cơ sở giáo dục gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở và trong 5 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, cũng được sửa đổi hồ sơ, trình tự thủ tục vay. Theo đó, người sử dụng lao động tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo quy định.
Chậm nhất ngày 5 hằng tháng, người sử dụng lao động gửi hồ sơ vay đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú của người sử dụng lao động.
Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.