Sáng 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và năm năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm năm 2021 - 2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều dấu ấn nổi bật
Đánh giá chung, Thủ tướng cho rằng dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc.
Theo Thủ tướng, chúng ta có bốn năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
“Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về kết quả cụ thể, Thủ tướng cho hay tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng chín tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét…
Đáng chú ý, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỉ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục....
Cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước được tăng cường; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỉ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%. Bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước.
Chính phủ cam kết khắc phục hậu quả bão lũ tại miền Trung Trước diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng, chống nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. “Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước và với sự giám sát của Quốc hội tập trung khắc phục hậu quả; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”- Thủ tướng nói. |
Còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né trách nhiệm
Tuy nhiên, trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19. Điều này dẫn đến tăng trưởng bình quân năm năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế…
“Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay”- người đứng đầu Chính phủ nói.
Cũng theo Thủ tướng, cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực thi, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm.
“Quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức”- Thủ tướng lưu ý.
Tình trạng tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…
Thủ tướng cho biết những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Đáng chú ý, theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật có lúc, có nơi còn bất cập. Một số cơ chế chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung.
“Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong nội bộ cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”- Thủ tướng nói.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm…
Cũng trong sáng 20-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%... Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%... |