Kính gửi báo ANTG GT – CT!
Tôi là một phụ huynh, đang có con gái học lớp 8. Có một sự thật tôi muốn chia sẻ với quý báo là gia đình tôi đã hạn chế cho con sử dụng điện thoại di động từ nhỏ đến giờ. Khi cháu còn 2,3 tuổi tôi tuyệt đối không cho cháu xem các video clip trên điện thoại - điều mà rất nhiều người thường làm khi cho bé ăn cơm. Vừa xem vừa ăn có lẽ là một hiện tượng phổ biến, và theo nhiều người là một hiện tượng có giá trị tích cực. Bởi cái ai cũng nhìn thấy là khi xem video clip, trẻ có thể ăn cơm nhanh hơn.
Nhưng tôi đọc nhiều nghiên cứu nói rằng nếu lạm dụng điện thoại vào một đứa trẻ thì không loại trừ khả năng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt là năng lực nhận thức. Do vậy, tôi hết sức kiên nhẫn trong chuyện ăn uống của cháu, tuyệt đối không sử dụng phương pháp vừa ăn vừa xem. Khi cháu lớn lên, gia đình chúng tôi hướng cháu đến thói quen đọc truyện đọc sách, và đến tận bây giờ, khi cháu là học sinh lớp 8 thì chúng tôi cũng chỉ cho cháu dùng điện thoại di động một cách hết sức hạn chế.
Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi của các cháu, nếu cứ sa đà vào điện thoại, lướt hết trang web này đến trang web kia, xem hết kênh youtube này đến kênh youtube kia, trong đó có không ít trang web, không ít kênh youtube độc hại thì khả năng học hành, phát triển bản thân sẽ bị ảnh hưởng tối nghiêm trọng.
Còn một điều nữa mà chúng tôi hết sức lo sợ, đó là điện thoại thông minh với hàng loạt các chương trình thể hiện rõ xu hướng mô tả vấn đề - cụ thể hoá vấn đề sẽ làm hỏng khả năng tưởng tượng của cháu. Khi tôi còn là một học sinh lớp 8, chỉ biết đọc sách và tưởng tượng, và sau này nghĩ lại tôi thấy rằng điều đó giúp mình phát triển khá tốt năng lực sáng tạo. Còn với thế hệ con tôi bây giờ, việc xem quá nhiều các chương trình mang tính cụ thể hoá và mô tả hoá trên điện thoại liệu có khiến các cháu bị ảnh hưởng khả năng tưởng tượng hay không? Mà không thể phát huy khả năng tưởng tượng – cái khả năng phân biệt quan trọng giữa con người và con vật thì theo tôi, năng lực sáng tạo không thể định hình.
Tóm lại trong tư cách một phụ huynh, một người trải nghiệm, tôi phản đối việc để trẻ em sử dụng điện thoại thông minh quá mức. Do vậy mới đây, khi đọc được thông tư 32 của Bộ GDĐT, ban hành điều lệ trường THCS và THPT, cho phép học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập, tôi thấy vô cùng trăn trở.
Vẫn biết để ra được thông tư này ngành giáo dục hẳn đã có nhưng xem xét, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều chiều, đã có những đánh giá nhiều chiều về cái lợi cái hại của việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại; vẫn biết thực ra chưa có thông tư này thì nhiều em học sinh cũng đã âm thầm sử dụng điện thoại ở trường lớp, nhưng thật lòng tôi vẫn có rất nhiều lo lắng. Hơn lúc nào hết, tôi muốn nghe quan điểm của quý báo về chủ đề này. Rất mong quý báo không bỏ qua những dòng chia sẻ của tôi, và có thể trả lời tôi sớm nhất.
Độc giả trung thành của quý báo!
Nguyễn Lan Anh (Hà Nội)
Kính gửi độc giả Nguyễn Lan Anh!
Chúng tôi rất hiểu những tâm tư của một bậc phụ huynh có con đang học lớp 8, đang phải đối diện với rất nhiều nỗi trăn trở về việc nuôi dậy con cái trưởng thành. Trong những trăn trở đó, quả nhiên trăn trở về việc “có cho trẻ sử dụng điện thoại hay không?” đã xuất hiện lặp đi lặp lại, không riêng gì Việt Nam, mà ở nhiều nơi trên thế giới. Tại sao chúng ta lại cùng phải trăn trở một điều như vậy? Tại vì dù muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận rằng: Điện thoại, mà bây giờ là điện thoại thông minh đã hiện hữu một cách thường trực trong đời sống của chúng ta. Đấy là một xu thế tất yếu. Đấy là một xu thế bất khả cưỡng lại. Điện thoại có kết nối Internet hoặc máy tính có kết nối Internet đã hình thành nên những hệ sinh thái thông tin mới với những mối tương tác mới mà trước đó chưa từng có.
Riêng với ngành giáo dục, một trong những từ ngữ được đề cập một cách rốt ráo nhất trong vòng 2 năm qua ở Việt Nam chính là: số hoá! Và nếu nhìn vào cách thức vận hành của nền giáo dục trong suốt thời gian cách ly xã hội để phòng tránh COVID-19, chúng ta hẳn sẽ thấy “số hoá” có một ý nghĩa quan trọng như thế nào.
Độc giả Nguyễn Lan Anh hẳn vẫn nhớ lúc đó con cái của chúng ta đã phải học trực tuyến. Học trực tuyến có nghĩa là tạo ra những tương tác từ xa, trên một nền tảng số, được thực hiện bằng những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại có kết nối internet. Điều này có nghĩa là sử dụng điện thoại trong cuộc sống nói chung và trong giáo dục nói riêng là một xu thế. Mà đã là xu thế thì dù có muốn cấm đoán, ngăn cản cũng khó mà cấm đoán ngăn cản nổi.
Chúng tôi rất hiểu nỗi lòng của độc giả khi so sánh thế hệ mình ngày xưa - một thế hệ không có điện thoại, chỉ đọc sách, có thể phát huy tối đa năng lực tưởng tượng với thế hệ con cái mình hôm nay, một thế hệ sống trong kỷ nguyên số với những phương thức giao tiếp số. Tuy nhiên chúng tôi muốn nói rằng, trong tư cách một phụ huynh, khi đặt ra những so sánh như vậy độc giả cũng không nên bỏ qua yếu tố “xu thế”. Bởi nếu khách quan xem xét yếu tố này hẳn độc giả sẽ thấy phương thức giáo dục mà thế hệ chúng ta được thụ hưởng cũng có không ít khác biệt so với thời của ông bà, bố mẹ chúng ta. Phải đặt yếu tố “xu thế” cùng những đặc tính thời đại vào việc so sánh thế hệ này với thế hệ kia thì phép so sánh mới có thể được khai triển nhiều chiều, và sau đó cho ra những đáp số tương đối nhất.
Thưa độc giả, nhìn nhận như vậy chúng tôi lại đồng tình với việc học sinh được phép sử dụng điện thoại để phục vụ công việc học tập. Vì chúng tôi nghĩ rằng với chức năng của một chiếc điện thoại có kết nối internet, việc tiếp thu tri thức của học sinh sẽ diễn ra sinh động và phong phú hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói, và cũng là điều đáng bàn nhất nằm ở chỗ: chúng ta sẽ “qui hoạch” việc dùng điện thoại như thế nào cho hiệu quả nhất?
Bởi nếu không có những “qui hoạch” hiệu quả thì bên cạnh việc phát huy mặt tích cực, một chiếc điện thoại trong môi trường sư phạm có thể lại làm nảy sinh những mặt tiêu cực, không đáng có. Ví dụ, ở độ tuổi chưa có những suy nghĩ chín chắn, các em hoàn toàn có thể so đọ “đẳng cấp” của nhau thông qua giá trị của mỗi chiếc điện thoại. Hoàn toàn có thể diễn ra chuyện những em học sinh có Iphone sẽ chơi với nhau, những em học sinh có điện thoại Samsung sẽ chơi với nhau, và gọi nhau là “nhóm Iphone”, “nhóm Samsung”.
Nếu điều này diễn ra thì quả thật hết sức nguy hiểm. Đấy là còn chưa nói, nó có thể sẽ tạo ra những tổn thương nghiêm trọng với những học sinh nhà nghèo, không có điều kiện dùng điện thoại. Một ví dụ khác: sau khi sử dụng điện thoại để phục vụ công việc học tập theo hướng dẫn của các thầy cô, em học sinh lại dùng điện thoại vào những hành động tiêu cực thì sao? Ai cũng biết điện thoại thông minh giờ có chức năng quay phim chụp ảnh. Nếu từ những chiếc điện thoại này, những hình ảnh nhạy cảm trong trường lớp được ghi lại rồi tung lên mạng, lại là những hình ảnh có thể làm tổn thương tới tâm hồn và sự phát triển nhân cách của những bạn bè đồng trang lứa thì sao?
Thưa độc giả, đấy là những nguy cơ có thật! Nhưng không vì những nguy cơ có thật như vậy mà chúng ta lại phản đối một việc đi ngược lại xu thế. Điều đáng bàn ở đây đó là ngành giáo dục nói chung và từng trường học nói riêng sẽ phải xây dựng một quy chế sử dụng điện thoại sao cho chặt chẽ, hiệu quả, và có thể ngăn chặn các nguy cơ một cách tối đa. Chúng tôi biết rằng đã có những trường phổ thông cho học sinh sử dụng điện thoại để làm bài trắc nghiệm.
Nhưng các trường này đã đưa ra qui chế rất rõ: Làm bài xong, nếu bị phát hiện vẫn sử dụng điện thoại thì sẽ lập tức bị hạ hạnh kiểm, tịch thu điện thoại gửi về cho các bậc phụ huynh. Chúng tôi nghĩ rằng một qui chế sử dụng điện thoại chặt chẽ cùng với việc giám sát có trách nhiệm của giám thị và các thầy cô giáo sẽ giúp việc sử dụng điện thoại, phục vụ việc học tập phát huy tác dụng. Và đương nhiên trách nhiệm giáo dục, uốn nắn của mỗi bậc cha mẹ học sinh trong câu chuyện này cũng là điều không thể bỏ qua.
Xin cảm ơn độc giả Nguyễn Lan Anh, và hy vọng chúng tôi cũng đã giải đáp phần nào những trăn trở, thắc mắc mà độc giả gửi đến. Hy vọng tiếp tục nhận được những chia sẻ tâm huyết của độc giả.
Vương Trọng TínXem thêm: /012416-gnohk-neN-coh-pol-gnort-iaoht-neid-gnud-uS/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna