- Thầy giáo làng đam mê sưu tầm cổ vật
- Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa: Nặng lòng với tranh dân gian
- Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Minh: "Nghề chơi cũng lắm công phu"
Tiếng chuông nào cũng có cảm xúc
Ông Bùi Đức Tầm, người đang sở hữu cả ngàn quả chuông ở Q. Phú Nhuận, TP HCM, nói mình đến với mấy quả chuông là do tuổi thơ có nhiều kỷ niệm và rất ấn tượng với tiếng chuông. Mãi tận bây giờ, mỗi khi nghe tiếng chuông vang lên, có cảm giác như thức tỉnh tâm thức sau một đêm say giấc. Bao kỷ niệm thơ ấu tưởng chừng không bao giờ trở lại, bất chợt chầm chậm quay về.
Ông nhớ những năm đầu thập niên 1950, lúc đó còn là một đứa trẻ "ê a" ở trường làng của tỉnh Long An, ngày nào ông cũng vài lần nghe tiếng chuông của ông già bán cà rem đi vào trong xóm. Đây là nơi ông chào đời và có nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ trước khi lên Sài Gòn học trung học. Lớn lên một chút, ông nhớ nhất tiếng chuông đò máy vang rền vào mỗi buổi sớm mai thúc giục ông cùng với vài người bạn trong xóm, tay xách đèn dầu lò dò ra bến sông đón đò đi học.
Ông Bùi Đức Tầm, chủ nhân bộ sưu tập chuông, giới thiệu những quả chuông độc đáo của mình. |
Đặc biệt hơn, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa "công phu" vào chiều tối hoặc sớm mai khiến ông ý thức mỗi người một việc, xem như trách nhiệm tự giác hướng thiện, hồi tâm. Cho đến bây giờ, nhiều lúc ngồi ngắm những quả chuông sưu tập treo lủng lẳng khắp nhà, trong lòng luôn có cảm giác nhớ về làng quê mộc mạc thanh bình một thuở. Những lúc như vậy ông cầm dùi gõ lên quả chuông, lặng nghe tiếng chuông ngân bất chợt cảm giác trong lòng lắng dịu.
Đối với người khác ông nói mình không rõ, nhưng với ông, chơi chuông tức là chơi tiếng, chơi âm thanh. Nên bất kể nghe tiếng chuông thánh lễ, chuông hành đạo, chuông của ông thầy cúng hay chuông những người bán hàng trên sông, thậm chí tiếng chuông của nhà ga xe lửa… đều mang lại cảm xúc khác biệt. Cái này không phải "rèn", mà dường như nó là đặc tính bẩm sinh chỉ có ở người giàu cảm xúc và thính giác thật nhạy thì mới thẩm âm được.
Nó là một thứ văn hoá rất đặc biệt, mà chỉ có người nào thấu cảm mới biết chứ không thể diễn tả được từng thang âm lúc thì len vào chầm chậm, lúc thì ngân nga, vang xa cũng ở trong lòng. Về điều này, người viết có lần nghe một nhà sư nói: chỉ cần nghe tiếng chuông của người gõ thôi đủ biết tâm của người đó thế nào. Theo quan niệm Phật giáo, chuông là pháp khí không thể thiếu trong nghi lễ Phật giáo. Tiếng chuông mang lại điều lành, xua đuổi ám khí tà ma khỏi nơi đang hành lễ.
Tiếng chuông gợi mở tâm hồn trong sáng, giúp con người trở về với chân tâm phật tính của chính mình, xóa tan bao khổ đau phiền muộn. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Nên, đôi khi chỉ một tiếng chuông thôi cũng đủ để người nghe lắng đọng bao nỗi buồn vui, khắc khoải một kiếp người.
“Chuông theo thầy”
Tại ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở Q. Phú Nhuận, có đến cả ngàn cái chuông treo lủng lẳng. Chuông nhỏ cỡ bằng chung mắt trâu, quả trứng; chuông lớn cân nặng vài chục kilogam có đếm mỏi miệng cũng không hết.
Không rõ những cái chuông này từng lưu lạc nơi đâu hay vượt qua xứ sở nào, chỉ biết hiện diện ở đây với rất nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, CH Czech, Bồ Đào Nha, Nepal, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Camphuchia, Thái Lan,… và đương nhiên số lượng chuông Việt Nam áp đảo. Chơi chuông có điểm giống với chơi đồ cổ ở tính thời gian. Nên chuông từ ngày sưu tầm về đến giờ ông không lau chùi hay phủi bụi. Càng bụi bặm càng làm tăng thêm giá trị, ông nói.
Một góc nhỏ trong ngôi nhà của người sưu tập chuông, được một tổ chức mời xác lập kỷ lục chuông nhưng ông chưa gật đầu. |
Chính vì vậy mà người xem rất dễ nhận ra chuông ở đây đa phần là chuông cũ. Mà ở đời cũng ngộ, đồ cũ đôi khi không hẳn là thứ vứt đi, ngược lại, vào tay người yêu thích nó trở nên quý giá hơn đồ mới! Chuông là một trường hợp như vậy. Ông Tầm cho biết chợ lạc xoong ở Việt Nam hiếm khi bán chuông cũ nên thường niên vào mùa hè ông hay sang Pháp để sưu tầm chuông.
Quốc gia này mỗi năm có mở phiên chợ mùa hè. Phiên chợ bán đủ thứ đồ cũ, trong đó có bán nhiều loại chuông lạ hoắc. Tuy là "chợ trời đồ cũ" kiểu như chợ Dân Sinh ở Sài Gòn, nhưng chuông cũ ở đây bán đắt hơn chuông mới nhiều lần. Ví như một chiếc chuông cũ cỡ nắm tay, đeo trên cổ gia súc ở các nông trại có giá 50 USD, trong khi chuông mới cùng chất liệu, kích cỡ y chang có giá chỉ 20 USD.
Ông nói ở châu Âu hay châu Phi, họ dùng chuông bằng hợp kim đồng thau, kể cả chuông đeo trên cổ gia súc ở nông trại như dê, cừu, bò…
Nhưng ở miền Trung Việt Nam và một vài quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Lào, Campuchia, Thái Lan… trong quá trình sưu tầm, thấy họ có thêm loại chuông gỗ đeo cho gia súc. Thật ra, từ xa xưa trong chăn nuôi người ta đã biết dùng tiếng chuông để quản lý bầy đàn, thậm chí người chủ có thói quen dùng tiếng chuông hoặc cho con vật đầu đàn đeo chuông nơi cổ. Mỗi khi nghe tiếng chuông quen thuộc rung lên, chúng biết ngay đó là tín hiệu kêu gọi bầy đàn quay về sau một ngày kiếm ăn trên đồng cỏ.
Chính cái nỗi đam mê đi khắp trong thiên hạ sưu tầm chuông, bạn bè cảm mến nên mỗi khi đi đâu thấy có chuông đẹp, chuông lạ, thậm chí chuông hư, chuông bể… bằng nhiều cách để mang về tặng cho ông.
Đây là nguồn sưu tập khá hiệu quả, được ông đánh giá cao và trân quý. Ông mở tủ lấy cho xem quả chuông nhỏ cỡ trứng gà tre nhưng, gõ lên người nghe cảm nhận âm thanh trong trẻo, ngân dài và vang xa. Ông cho biết quả chuông này bằng hợp kim đồng thau rất có giá trị, do Hội chơi chuông Nhật Bản tặng cho ông hồi năm ngoái.
Trong bộ sưu tập chuông của ông không chỉ có chuông bằng hợp kim đồng thau mang kiểu dáng quen thuộc như thường thấy nơi thờ tự, còn có khá nhiều kiểu loại chuông làm bằng đá, pha lê, gỗ… trông giống hình vũ nữ, quả trứng, quả lựu… và phần nhiều có tuổi từ 300 năm trở lên, bởi vậy rất khó phân định cái nào là quý giá nhất. Chỉ biết qua câu chuyện, quả chuông ông nhắc đến đầu tiên và được treo ở vị trí trung tâm bộ sưu tập là quả chuông cổ bằng đồng của người Chăm.
Theo lời ông, đây là quả chuông do một người Chăm đào được ở vùng Ninh Thuận. Ông sưu tầm về và đặt tên là "chuông đào". Vào dịp ngàn năm Thăng Long, ông mang chuông ra Hà Nội tham gia triển lãm, được UNESCO công nhận đây là chuông cổ, có niên đại hơn 1.000 năm tuổi. Đã là ngàn năm thì phải rêu phong, bụi bặm mới đúng giá trị của nó, ông nghĩ vậy. Nên từ đó đến giờ ông không lau chùi nữa mà giữ nguyên những vết hoen rỉ, xám xịt của quả chuông. Ông gọi đây là "dấu vết lịch sử ngàn năm".
Một quả chuông khác ở đây có thân phận khá ly kỳ, được ông nhắc đến nhiều lần và gọi tên "chuông theo thầy". Đây là quả chuông ông nói "đeo" theo sư thầy ở chùa trên Di Linh (Lâm Đồng) từ lúc mới bắt đầu bước vào nghiệp sưu tầm, đến nay đã mười mấy năm ròng. Số là trong một lần lên Đà Lạt, ghé qua chùa, bất chợt ông nghe tiếng chuông trên tay sư thầy trong lúc hành lễ ngân lên từng cung bậc bi ai, sầu thương, khoắc khoải dặt dìu, dường như thấu cái tâm của người nghe vậy.
Ông "mê" cái chuông này nhưng không dám ngỏ lời xin sư thầy "thỉnh" về. Sư thầy dường như hiểu được tâm trạng của ông, nhưng phải mất hơn mười năm sau, chuông bị bể, sư thầy mới gọi điện cho ông để tặng. Với nhiều người, chuông bể là chuông vô giá trị. Còn với ông, chiếc chuông này ông hết sức quý trọng, nâng niu.
Phải nói ông Tầm là người "mê chuông" đến nỗi cảm phục được tấm lòng của một ông cha nhà thờ tận bên Pháp. Ông kể, hè năm 2017, trong một lần sang Pháp để sưu tầm chuông, ông có ghé qua một nhà thờ ở ngoại ô Paris. Lần ấy đưa đến duyên may ông được diện kiến với cha.
Quả chuông đào ngàn năm tuổi của người Chăm. |
Sau khi biết được ông Tầm đi khắp đó đây trong thiên hạ để sưu tập chuông, ông cha cảm mến và tặng cho quả chuông có hình Đức Chúa. Vẫn theo lời ông Tầm, cha nhà thờ nói với ông quả chuông này ông có từ rất lâu cho đến khi gặp ông Tầm và biết được sở thích sưu tầm chuông nên quý trọng và tặng. "Cái linh" của quả chuông này rất lạ, mỗi lần gõ lên âm thanh ngân dài và rất xa, ông Tầm nói.
Ông chủ bộ sưu tập chuông cho biết trong bộ sưu tập còn có một cái chuông của viên trung úy Mỹ, tình cờ phát hiện tại một vựa đồng nát ở Sài Gòn. Căn cứ vào những dòng chữ khắc trên chuông có thể đoán được chủ nhân một thời của nó tên John D. Keel, khắc vào năm 1972.
Theo tìm hiểu của người sưu tập, đây là quả chuông của viên sĩ quan chỉ huy nhưng là cấp chỉ huy bình thường. Có lẽ ông mê chuông và khắc tên mình lên đó làm kỷ niệm chứ không có giá trị gì. Song, cũng rất có thể ông ấy dùng cái chuông trong một trại lính nào đó để báo giờ ăn cơm chăng? Hoặc giả sĩ quan John cũng là người thích chơi chuông giống ông Tầm cũng chưa biết chừng.
Chuông từng được cho là của trung úy John. |
Tất cả chỉ là giả thiết được đặt ra chưa có lời giải. Chỉ có điều này là chắc chắn, theo ông Tầm, sau năm 1973, sĩ quan John rời Việt Nam về Mỹ, trước khi về hưu mang hàm đại tá. Ông Tầm biết được điều này vì cách đây mấy năm, một người bạn của gia đình ở bên Mỹ có tìm đến gia đình của cựu quân nhân John. Nhưng rất tiếc cựu quân nhân John đã mất, chỉ gặp được mấy người con của ông ta.
Sau đó người bạn của gia đình ông Tầm về Việt Nam và ngỏ ý mua lại chuông để tặng cho gia đình cựu quân nhân John, vì đó là kỷ vật của cha ông họ. Tuy nhiên, ông Tầm cho rằng nếu như gia đình hoặc con cháu của ông John muốn sở hữu lại chuông thì liên lạc trực tiếp với ông sẽ được tặng lại chứ không có chuyện buôn bán gì cả. Nhưng chờ mãi mấy năm qua vẫn chưa thấy gia đình ông John liên lạc nên kỷ vật vẫn còn nằm im trong bộ sưu tập.
Đến thời điểm này người sưu tập chuông cho biết không có ý định trở thành ông chủ bảo tàng chuông. Ông sưu tập chuông là theo sở thích nên những ai đồng cảm thì xin tự đến xem. Xem xong còn được mời trà, cà phê. Bởi tính ông thâm trầm, ghét khoa trương nên cũng không có ý định kinh doanh hay buôn bán gì.
Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông chơi chuông có "nghiền" tiếng chuông? Ông không trả lời nhưng, nói đôi khi phải để cho cái tâm của mình nó thức nên mỗi ngày gõ chuông vài lần... để lắng nghe tiếng ngân, tiếng vọng, tiếng trầm, để cảm nhận được thế giới vô thường hiện hữu xung quanh.
Xem thêm: /402516-gnouht-ov-gnov-gneit-em-mad-iougN/oahT-ehT-aoh-naV-et-hniK/nv.moc.dnac.gtna