vĐồng tin tức tài chính 365

K+ lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng

2020-10-20 16:52

Chính phủ mới có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019 gửi Quốc hội.

Báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước, báo cáo cho biết, năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 662.286 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018.

Năm 2019, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 55.633 tỷ đồng, tăng 13% so với số thực hiện năm 2018.

Báo cáo cũng cho biết, theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì có 63 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 1.442 tỷ đồng. Về mặt số lượng doanh nghiệp có lỗ phát sinh tăng 6,7% so với năm 2018 nhưng về mặt giá trị thì tổng số lỗ phát sinh giảm tới 56% so với năm 2018.

Tính riêng Công ty mẹ, có 3 Công ty mẹ có lỗ phát sinh với giá trị là 922 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2018.

Trong số các doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất lớn, báo cáo đề cập đến Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+), Đài truyền hình Việt Nam. Theo đó, năm 2019 K+ lỗ 246 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế kể từ khi hoạt động tới nay lên 3.300 tỷ đồng. Mặc dù lỗ tới 246 tỷ đồng trong một năm, nhưng đây cũng là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

K+ lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Với khoản lỗ như trên, K+ hiện đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của K+ hiện đến từ nguồn vốn vay. Tính tới cuối năm 2019, nợ phải trả của K+ đã lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm trước, trong đó nợ vay hơn 1.100 tỷ đồng.

K+ chính thức ra mắt năm 2009, là công ty liên doanh giữa VTV và Canal+ (Pháp) trong đó, VTV nắm 51% cổ phần tại VSTV, còn lại 49% là của đối tác Canal+. Tổng số vốn góp của VTV và Canal+ là 20,1 triệu USD, phía Canal+ góp 9,8 triệu USD bằng tiền mặt, VTV góp 10,2 triệu USD bằng tài sản quy đổi.

Chỉ sau 1 năm ra mắt, năm 2010, K+ thay thế VTV, VTC độc quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại Hạng Anh. Bên cạnh đó, K+ cũng hợp tác với các hãng sản xuất phim lớn như CJ, BHD… để phát sóng độc quyền các bộ phim chiếu rạp.

Những năm vừa qua, K+ đã trả khá nhiều tiền để sở hữu bản quyền các giải Ngoại Hạng Anh trong bối cảnh giá bản quyền bóng đã tăng mạnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2013, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Ngoại Hạng Anh là 13 triệu USD. Mùa giải 2013 – 2016, số tiền bản quyền Ngoại Hạng Anh mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần lên 41 triệu USD. Mùa giải 2016 – 2019 số tiền tiếp tục tăng lên con số khoảng 46 triệu USD.

K+ cũng đã vượt qua Facebook để trở thành đơn vị phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 – 2022. Mức giá K+ bỏ ra cho thương vụ này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng sẽ không thấp hơn số tiền mà Facebook từng đề nghị (Facebook được cho rằng có ý định chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam, cao hơn 2,2 lần số tiền mà K+ đã chi ra cho 3 mùa giải trước đó).

Những năm gần đây, VTV đã có kế hoạch thoái vốn khỏi K+. Việc rút khỏi K+ nằm trong lộ trình thoái vốn của VTV ra khỏi 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền mà VTV đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn, gồm VTVcab, SCTV và K+.

Bảo Vy

Bizlive

Xem thêm: nhc.65222636102010202-gnod-yt-0003-nag-uuh-os-uhc-nov-ma-gnod-yt-0033-noh-ek-yul-ol-k/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“K+ lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools