Đường tránh từ thành phố Hà Tĩnh vào đến huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngập trong biển nước mênh mông. Ảnh chụp từ trên cao - Ảnh: NGỌC QUANG
Sáng nay 20-10, chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng tăng cường từ Quân khu 4 tiếp tục điều khiển cano cứu hộ, đến giúp bà con trong vùng lũ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Toàn cảnh huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngập trong biển nước nhìn từ trên cao - Video: NGỌC QUANG
Hiện tại toàn bộ 23 xã của huyện Cẩm Xuyên ngập chìm trong biển nước. Trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan. Chính quyền địa phương và lực lượng quân đội đã triển khai di dân được 11.000 hộ và 32.000 người dân trong toàn huyện.
Bộ đội giúp dân vượt lũ trưa 20-10 - Ảnh: HÀ THANH
Sáng nay khi nhận "tin nhắn SOS" kêu cứu từ người dân xã Cẩm Duệ, lực lượng bộ đội đã triển khai ngay lực lượng, phương tiện tối đa mang mì tôm, nước sạch ứng cứu bà con trong nước lũ.
"Ông ơi, thẳng đây này, bơi lại đây, lấy mì tôm về ăn", một chú bộ đội hét lớn trong cơn mưa như trút khi thấy bóng dáng một chiếc thuyền băng qua rặng tre làng.
Bộ đội đưa trẻ em đến nơi an toàn - Ảnh: HÀ THANH
Mấy ngày qua, ông Dương Ngọc Trí (64 tuổi, ở thôn 4, xã Cẩm Duệ) cùng bà con chịu chung cảnh cô lập. Vợ con ông Trí đã lên được nơi cao, còn ông Trí vẫn bị mắc kẹt. Nhà không có trâu bò, chỉ có mấy con heo con gà nhưng bị chết trong nước lũ.
Năm 2010 trong cơn lũ lịch sử, ông viết bài thơ "Vì miền Trung ruột thịt". 10 năm sau, ông xúc động đọc lại bài thơ như muốn gửi gắm tâm tình:
"Cả nước đang ra lời kêu gọi ủng hộ miền Trung trong cơn bão lũ / Miền Trung đang ngập chìm trong biển nước /Do thiên tai gây hại cho ta... /... Nam Bắc ơi ta chung tay góp lại /Để miền Trung bớt nỗi đau thương / Người miền Trung ta luôn ghi nhớ /Lũ qua rồi kỷ niệm chiếc chăn phao / Đêm đông lạnh ấm tình Nam Bắc / Miền Trung ơi ta biết nói sao đây / Xin hẹn lại một ngày nào đó / Sẽ đền ơn đáp nghĩa hai miền / Giúp cho ta cả của lẫn tiền / Để miền Trung vững bước tiến lên".
Ông Dương Đình Trí, xã Cẩm Duệ, xúc động thấy bộ đội vào tiếp tế mì tôm, nước uống - Ảnh: HÀ THANH
82 tuổi, ông Đặng Văn Giao bộc bạch đây là trận lũ lịch sử ngập nặng hơn cả trận lũ năm 2010. Ông bà già yếu, đi lại khó khăn chẳng thể di chuyển được, may mắn có bộ đội đến ứng cứu.
Toàn huyện Cẩm Xuyên bị chìm trong nước lũ. Bộ đội triển khai lực lượng đi xuồng máy, cano tiếp cận được vào các xã bị thiệt hại nặng nề như Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan
"Mấy ngày ni cô lập, lo nhất là ba đứa cháu nhỏ, một đứa vừa sinh 3 tháng. Mất điện, mất mạng, không biết kêu ai.
Ông bà già rồi, một củ sắn khi ăn trừ bữa, một hạt ngô ngậm qua ngày vẫn vui, nhưng chỉ lo nhất mấy đứa cháu. Chỉ có một lời cảm ơn sâu sắc nhất chứ không biết nói gì hơn", ông bà Giao rưng rưng.
Với phương châm "bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản của nhân dân", để tiếp cận được bà con, rất nhiều lần bộ đội phải nhảy xuống nước khơi thông dòng chảy, đẩy cano vượt qua các chỗ mắc cạn - Ảnh: HÀ THANH
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thượng tá Hoàng Anh Tú, phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn, công tác tiếp cận gặp nhiều vất vả, tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng lực lượng quân khu quyết tâm khắc phục mọi khó khăn với phương châm: "Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản của nhân dân".
Theo ông Phạm Hoàng Anh, phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, hiện tại hàng ngàn ngôi nhà dân ở Cẩm Xuyên bị ngập sâu trong nước lũ, bà con mất hết tài sản, mất hết trâu bò, lợn gà, hư hại tài sản.
Một chú trâu bị ngập trong dòng nước lũ ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: HÀ THANH
"Đây là cơn lũ lớn nhất từ trước đến, cao hơn đỉnh lũ năm 2010. Hiện tại bà con đang thiếu chăn màn, nước uống, thuốc men, chưa nói xuồng máy, phao cứu sinh...
Chính quyền địa phương đã thành lập Ban vận động tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, chúng tôi kêu gọi và mong muốn các nhà hảo tâm, cả nước chung tay hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm giúp bà con vượt qua cơn lũ".
Đến thời điểm này, có 6 xã của huyện Cẩm Xuyên gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan bị ngập lụt nghiêm trọng - Ảnh: NGỌC QUANG
Phương tiện duy nhất để tiếp cận người dân là xuồng máy, cano - Ảnh: HÀ THANH
Một người dân vượt qua dòng nước lũ ngập trắng xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: HÀ THANH
Khắp nơi ngập chìm trong nước lũ mênh mông - Ảnh: HÀ THANH
Cứu hộ người dân, trẻ em bị mắc kẹt - Ảnh: HÀ THANH
Lực lượng bộ đội Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp dân đến nơi an toàn - Ảnh: HÀ THANH
Nụ cười rạng rỡ của người dân sau khi được bộ đội cứu hộ thành công - Ảnh: HÀ THANH
TTO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh ưu tiên số 1 là bảo đảm an toàn cho hồ Kẻ Gỗ tại buổi kiểm tra hồ này trưa 20-10. Tại Hà Tĩnh, mưa đã ngớt nhưng nước lũ rút rất chậm.
Xem thêm: mth.94504156102010202-coun-neib-gnort-pagn-neyux-mac/nv.ertiout