Một ngày đầu tháng 10, sự kiện tưởng như hiếm khi xảy ra thì nay đã trở thành khung cảnh quen thuộc đã xuất hiện ở một bờ biển tại Nam Úc. Đó là cá mập tấn công, và nạn nhân là một người đi lướt sóng.
Chính quyền địa phương nhận được thông báo mất tích. Họ sử dụng mọi phương tiện để tìm kiếm, từ drone bay trên trời, cho đến các nhân viên cứu hộ khẩn cấp lên thuyền để tìm kiếm khắp vùng biển. Trên bờ, nhân viên y tế thấp thỏm chờ đợi, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp tìm được nạn nhân.
Sau vài ngày tìm kiếm, người ta phát hiện tấm ván lướt sóng của nạn nhân, nhưng thi thể vẫn không xuất hiện. Trong hồ sơ, người này được ghi nhận là nạn nhân thứ 7 bị cá mập tấn công trong năm 2020 - kỷ lục cao chưa từng thấy tại quốc gia này trong suốt 86 năm qua.
Trong năm 2020, các vụ cá mập tấn công xuất hiện ở nhiều tiểu bang như Queensland, New South Wales và Tasmania. Trong đó bao gồm trường hợp một người thợ lặn mất tích từ tháng 1, nghi do bị cá mập trắng khổng lồ ra tay. Thi thể nạn nhân cũng không thể tìm thấy.
Đặt lên bàn cân so sánh, nước Úc năm 2019 thậm chí chẳng có bất kỳ trường hợp nào tử vong do cá mập cả. Lần cuối cùng đất nước này chứng kiến đến 7 trường hợp tử vong vì cá mập cắn là từ tận năm 1934 - theo người phát ngôn của Hiệp hội Bảo tồn Taronga. Con số cao nhất rơi vào năm 1929, với 9 ca tử vong.
"Đây thực sự là một hiện tượng bất thường," - Culum Brown, giáo sư ĐH Macquarie (Sydney, Úc) cho biết. "Thực tế là trong suốt thời gian dài, con số trung bình chỉ là 1 ca tử vong/năm. Vậy nên số 7 hiển nhiên là cao hơn bình thường rất nhiều." Con số 1 ca tử vong mỗi năm đã rất ổn định trong ít nhất là 50 năm qua.
Nếu tính trên tổng số vụ cá mập tấn công, con số của năm nay cũng không quá khác biệt so với mọi năm - rơi vào khoảng 21 vụ. Sự khác biệt ở đây nằm ở tỉ lệ tử vong.
Lý do đáng suy ngẫm
Có một số lý do được đưa ra. Theo các chuyên gia, số liệu mỗi năm có thể biến động, và nhiều khi phụ thuộc ở sự may mắn. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra một "nghi phạm" đáng ngại hơn, đó là biến đổi khí hậu!
Khi đại dương ấm hơn, toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị phá hủy và đòi hỏi các nhân tố bên trong phải thích nghi. Các loài cá bắt đầu di cư đến những nơi chúng chưa từng đến. Hành vi của các loài vật cũng thay đổi. Và vì đại dương thay đổi, cá mập cũng phải thay đổi theo. Chúng đến gần bờ hơn, nơi tập trung đông đúc một sinh vật vốn chẳng liên quan đến đại dương: con người.
Trên thực tế, Úc từ lâu đã là một điểm nóng chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Khủng hoảng khí hậu Úc đã dẫn đến những vụ cháy rừng kỷ lục, các đợt sốc nhiệt đáng sợ, và tạo ra một trong những đợt hạn hán kinh khủng nhất lịch sử.
Cháy rừng tại Úc đang là kỷ lục trong những năm gần đây
Việc khí hậu nóng lên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến đại dương, khi bề mặt biển là nơi hấp thụ phần lớn nhiệt lượng mà con người tạo ra. Khổ nỗi, nhiệt độ tại các vùng nước quanh Úc đang ấm lên với tốc độ gấp 4 lần con số trung bình toàn cầu.
Rạn san hô Great Barrier là một ví dụ. Đây vốn là nền tảng sinh thái vững vàng tại bờ biển phía đông, giờ đang rơi vào tình trạng bị tẩy trắng nghiêm trọng khi nồng độ acid trong nước biển tăng lên. Ước tính, phân nửa san hô của tại đây đã chết và chẳng thể phục hồi. Đó là chưa tính đến các mảng rừng đước (rừng ngập mặn) cũng đã chết trong một thập kỷ vừa qua.
"San hô và rừng ngập mặn là 2 yếu tố quan trọng chịu trách nhiệm cho sự đa dạng sinh thái của đại dương. Khi chúng chết đi, bạn sẽ thấy hệ sinh thái có biến động rất mạnh," - Brown nhận định.
Rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng
Điều này có nghĩa các loài vật đang di cư sâu hơn về phía nam, nhằm tìm kiếm môi trường phù hợp hơn. Những lời như cá vua đuôi vàng - vốn thường chỉ thấy ở biển phía bắc, giờ đang tiến xuống những hòn đảo phía nam, gần với Tasmania. Bạch tuộc tại Sydney cũng chuyển dần về phía nam, đến bang Queensland. Thậm chí đến cả các loài phù du cũng di cư rất mạnh.
Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng. Theo Brown, các loài vật này vốn di cư theo mùa để tránh rét. Nhưng giờ, nhiệt độ biển đã ấm đến mức chúng có thể tồn tại ở bất kỳ đâu, và chọn ở lại vùng nước phía nam vĩnh viễn.
"Tôi đã ở trên biển rất nhiều lần, nhưng chưa năm nào thấy các loài cá tập trung đông như vậy," - Brown cho biết. Các nhà khoa học hiện tại chưa thể khẳng định lý do khiến chúng có động thái "lạ" này, nhưng theo Brown thì việc cá mập sẽ đi theo là điều gần như chẳng thể nghi ngờ.
Cá mập sẽ đi theo nhiệt độ của nước
Đại dương là một thế giới chuyển động. Sự tồn tại của các dòng biển cho thấy có vùng nước ấm và có vùng nước lạnh. Như Dòng biển Đông Úc là nhân tố rất lớn trong quá trình này - dòng biển này đang mạnh lên trong những thập kỷ gần đây, đẩy nhiều dòng nước ấm hơn về phía bờ biển. Và đồng thời, dòng nước lạnh giàu dinh dưỡng cũng được đẩy nhiều hơn về bờ phía đông.
Chính dòng biển này là lý do vì sao cá mập đang hướng về gần với con người hơn. Cá mập bò (bull shark) là một ví dụ, chúng thích nước ấm, nên sẽ dành nhiều thời gian ở các vùng biển ấm phía nam - theo nhận định của Robert Harcourt, nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu về cá mập.
Trong khi đó, các loài như cá mập trắng vốn thích nước lạnh, giờ cũng lại gần bờ hơn do nước lạnh cũng bị đẩy về gần đó, mang theo một lượng mồi lớn. Cá mập hổ thường xuất hiện ở phía bắc thì nay cũng xuất hiện ở Sydney, cũng bởi ảnh hưởng tử dòng biển này.
Và cả 3 loài trên là thủ phạm chính cho phần lớn các vụ tử vong vì bị cá mập tấn công.
Cá mập ngày càng xuất hiện gần con người hơn
"Tôi có thể dự đoán được sẽ có sự chuyển dịch rất lớn, ở phạm vi cũng rất lớn đối với rất nhiều loài," - Harcourt cho biết. "Nguyên nhân là vì quá trình biến đổi khí hậu đã khiến môi trường sống phù hợp với chúng dời đi, cũng như sự phân phối của con mồi. Hơn nữa, cá mập cũng là những loài săn mồi có tầm hoạt động rộng."
"Chính sự chuyển dịch này sẽ khiến chúng tiếp xúc gần hơn với con người. Hơn nữa, việc con người tận dụng biển và đại dương trong giai đoạn này cũng đang nhiều hơn."
Nhưng nếu không phải vì khí hậu thì sao?
Cần phải nhớ rằng, con người vẫn đang phát triển. Công nghệ nay đã khác, y tế cũng vậy, điều đó giúp cho tỉ lệ tử vong vì cá mập tấn công đã giảm cực mạnh trong thập kỷ vừa qua. Vậy nên, con số 7 của năm 2020 thực sự là rất bất thường.
Nếu bỏ qua quá trình biến đổi khí hậu, còn đó một vài yếu tố khác. May mắn là một trong số đó: đa số các vụ cá mập tấn công những năm gần đây, nạn nhân đều được cứu sống nhờ sự xuất hiện kịp thời của đội ngũ y tế.
Mọi chuyện cũng phụ thuộc vào vị trí bị cắn của nạn nhân. "Chỉ lệch khoảng 1cm, một vết cắn vào chân có thể khiến bạn chết trong vài phút, thậm chí tính bằng giây," - Harcourt cho biết. "Chỉ cần không bị sốc vì mất máu, cơ hội sống sót đã cao hơn nhiều rồi."
Bên cạnh đó, một lý do khác có thể là vì con người đang dành nhiều thời gian tắm biển hơn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Phải ở nhà quá lâu đã khiến tất cả có tâm lý "bung lụa" khi ngưng phong tỏa, qua đó làm tăng tỉ lệ chạm mặt cá mập hơn.
Cả Brown và Harcourt đều cho rằng tỉ lệ tử vong của năm 2020 chỉ mới là số liệu của một năm, trong khi con số thường niên sẽ thay đổi khá nhiều. Việc nhận định lý do vì biến đổi khí hậu vẫn còn rất mơ hồ, vì chưa có đủ dữ liệu để làm điều đó.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia cùng đưa ra nhận định: đại dương đang thay đổi, và cá mập cũng vậy. Biến đổi khí hậu đã tàn phá môi trường tự nhiên, và khiến mọi thứ trở nên mất cân bằng.
Nguồn: CNN
JD
Tri thức trẻ