Cho vay tín dụng đen bị xử lý thế nào trong Bộ luật hình sự? Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự nói gì về hành vi trục lợi cho vay lãi suất "cắt cổ" nở rộ thời gian qua.
“Nếu vay nóng của bạn bè, người quen với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng thì có được coi là tín dụng đen không?” là câu hỏi thu hút sự quan tâm tại Hội nghị tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức.
“Bộ luật Dân sự đã giới hạn mức lãi suất cho vay dân sự chỉ ở 20%/năm. Nếu lãi suất trên 100%/năm và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay có thể bị xử lý hình sự”, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho biết.
Thực tế, việc vay nợ là một hoạt động lâu đời trong dân gian nhằm mục đích hỗ trợ nhau trong cuộc sống, kinh doanh khi gặp khó khăn về tài chính. Đây là một mục đích tốt.
Hiện nay một số người hoạt động cho vay như một các để sinh lời từ nguồn tiền nhàn rỗi thay vì đầu tư vào các cơ hội kinh doanh khác.
Tuy nhiên, có một số người lại triệt để lấy lãi với lãi suất rất cao để kiếm lời lớn từ số tiền cho vay, khiến quan hệ cho vay không còn mang tính chất giúp đỡ, tương trợ nhau mà theo kiểu trục lợi trên khó khăn của người khác. Đây là một hành vi thiếu đạo đức, cần phải lên án.
Bộ luật Dân sự đã giới hạn mức lãi suất cho vay dân sự chỉ ở 20%/năm.
Tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết, thông thường lãi suất tín dụng đen thường rất cao (có thể trên 100%/năm), hoặc kèm theo việc thu phí trá hình và sẽ tìm mọi cách để tăng tiền lãi bất chính để thu nợ đến khi người vay không còn khả năng trả, phải bán các tài sản đắt tiền với giá rẻ cho chủ nợ.Tín dụng đen cũng thường khắt khe về thời hạn trả nợ, các đối tượng cũng thường gọi điện, nhắn tin để nhắc nợ, siết nợ. Nếu không trả nợ đúng hẹn sẽ bị khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức như chửi bới, gửi ảnh ghép làm nhục, ném chất bẩn...
Mức phạt vì chậm trả nợ cũng rất lớn và lại trở thành một gánh nặng trả nợ được cộng thêm vào tiền lãi, tiền gốc.
Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết "Nếu người thân, bạn bè cho bạn vay với lãi suất mặc dù cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng nếu lãi suất dưới 20% thì vẫn là dúng quy định trong Bộ luật Dân sự. Nếu mức lãi suất vượt quá 20% thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp người thân không có những vấn đề như đặc điểm thông thường của tín dụng đen trên thì không coi là tín dụng đen.
Nếu họ giúp đỡ bạn bè về mặt tài chính trong lúc khó khăn, mà vẫn đúng quy định pháp luật (lãi suất dưới 20%/năm) thì đó là điều đáng hoan nghênh.
Còn nếu người thân, bạn bè cho vay với lãi suất rất cao nhằm trục lợi trên khó khăn thì đó là điều phải lên án.
Rất có thể người cho vay đang thực hiện những hành vi của tín dụng đen, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu lãi suất trên 100%/năm và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên".
Xem thêm: odl.990748-ned-gnud-nit-al-ioc-ib-oan-eht-oac-taus-ial-neit-yav-eb-nab-ohc/et-hnik/nv.gnodoal