Trong những ngày qua, người dân ở huyện Hải Lăng nói chung và các xã trong huyện nói riêng đều bị ngập nặng. Bà con nơi đây phải sống chung với lũ hơn hai tuần qua.
Lũ chồng lũ càng khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, giao thông bị chia cắt. Tất cả ngôi nhà đều bị ngập 1-2 m và ngâm luôn hơn 10 ngày nay, lương thực, thực phẩm cạn kiệt.
Từ sáng sớm 20-10, các thành viên trong đoàn cứu trợ báo Pháp Luật TP.HCM đã bốc xếp những hàng hóa nhu yếu phẩm lên xe tải để vận chuyển đưa về cứu trợ bà con càng sớm càng tốt vì lúc này trời đang mưa rất to.
Đoàn của báo Pháp Luật TP.HCM đã trao 400 suất quà của bạn đọc và mạnh thường quân cho 400 hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt vừa qua tại thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Mỗi suất quà gồm: một thùng mì tôm, 5 kg gạo, bánh mì, nước mắm, sữa tươi và bột ngọt.
Chị Nguyễn Thị Xí thẫn thờ bên ngôi nhà chỉ còn vài tấm tôn. Ảnh: TÂM AN
Người dân trong thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nhận quà của bạn đọc do báo Pháp Luật TP.HCM trao. Ảnh: HÀ HẢI
Những người dân nơi đây đang bị ngập nặng, không đi được ra ngoài mua lương thực. Họ đang cần cứu trợ khẩn cấp. Cùng chúng tôi đi đò dọc theo những cánh đồng để tiếp cận được những hộ dân bị ngập nặng, thỉnh thoảng anh phó bí thư thôn lại đưa loa lên đọc: “A lô! Xin mời bà con chèo ghe (là con đò nhỏ chở được hai người) ra nhận quà”.
Sau khi dứt lời, hàng trăm hộ dân mừng rỡ chèo ghe ra, trên gương mặt khắc khổ của những người bị lũ chồng lũ toát lên những niềm vui, niềm phấn khởi khi nhận được quà cứu trợ.
Hàng trăm hộ dân nơi đây cuộc sống quá khốn khó, đã bị ba cái lũ chồng lũ, nước thì không có, điện thì cắt, lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng không còn.
Anh Lê Phước Diệu, Phó Bí thư chi bộ thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, cho hay: “Thôn có 400 hộ, toàn thôn ngập 100%, nước ngập 0,8-2 m. Đã 21 năm mới có đợt lũ lớn như thế này, thôn này xung quanh là những cánh đồng nên lụt lớn bị cô lập hoàn toàn. Ba cơn lũ chồng lũ...”.
Ông Nguyễn Chu (69 tuổi, ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong) bùi ngùi: “Vợ chồng tôi sống với lũ quen rồi nhưng mà năm nay lũ lớn quá, nhà thì thấp nên bao nhiêu thóc lúa hư hỏng hết. Giờ không có gì ăn hết con ơi, nhận được quà của đoàn tôi mừng lắm!”.
Theo anh Diệu, thôn Phú Kinh, xã Hải Phong nằm bên cạnh con sông Ô Giang, nước trên nguồn chảy xuống cộng thêm nước lũ lên nhanh và chảy xiết nên hộ dân nơi đây khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Bà Trần Thị Quế (62 tuổi, ở thôn Phú Kinh) vui mừng khi nhận được quà và nói thì thào trong mưa: “Nước lên rất nhanh và cao, nước tràn vào trong nhà mà cô đứng ngang ngực đó con. Gia đình cô chỉ làm nông mà lụt năm nay thì mất trắng con ơi, giờ trong nhà không còn cái gì để ăn...”.
Anh Phan Văn Việt, trưởng thôn, chia sẻ: “Khi nghe tin đoàn cứu trợ báo Pháp Luật TP.HCM ghé thăm hỏi, chia sẻ và ủng hộ 400 suất quà của bạn đọc và mạnh thường quân ủng hộ kịp thời cho bà con trong thôn, chúng tôi rất xúc động. Qua đây tôi xin thay mặt thôn, thành thật cám ơn các nhà hảo tâm rất nhiều”.
“Nhà sập mất rồi, còn đâu!” Chị Nguyễn Thị Xí (đội 6, thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) làm công nhân trên địa bàn huyện, còn chồng làm thuê ở Hà Nội. Chồng đi làm xa, chị và con gái bốn tuổi sống ở căn nhà tạm tại thôn Phú Kinh. Tối 19-10, Quảng Trị mưa gió mịt mù. Chị đi làm vừa về đến nhà thì cán bộ thôn chèo ghe đến yêu cầu hai mẹ con di dời khẩn cấp ngay vì nước đang lên nhanh. “Hai mẹ con chỉ kịp vơ vội vài bộ quần áo rồi lên ghe sang nhà hàng xóm ở nhờ. Hai tiếng sau thì nghe tiếng “rầm, rầm”.Hai mẹ con bất lực nhìn nhà sập trong nước lũ mà nước mắt chảy tràn, không thể làm gì. Tôi đành ôm con nói: “Lũ làm nhà mình sập mất rồi, con ơi!”” - chị Xí kể. Từ hôm nhà sập đến nay, hai mẹ con sống nhờ nhà hàng xóm, có gì thì ăn nấy. “Chỉ tội con bé, tối nào cũng đòi về nhà lấy búp bê. Nhà sập mất rồi còn đâu. Tất cả đồ đạc trong nhà đã chìm trong dòng nước lũ...” - chị Xí nghẹn ngào nói. |