Lũ lụt nghiêm trọng tại huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) tháng 7-2020 - Ảnh: Alamy
Các trận lũ gần đây báo hiệu tần suất, cường độ lũ lụt và xói mòn sông có nguy cơ gia tăng trong những năm tới.
Ông KAISER REJVE
Báo cáo cho biết tại Trung Quốc, Bộ Quản lý khẩn cấp ghi nhận đã có 278 người thiệt mạng và hơn 1,4 triệu căn nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy do dải hội tụ gây mưa Mei-yu trong năm nay. Tổng thiệt hại kinh tế có thể vượt trên 220 tỉ nhân dân tệ (32 tỉ USD).
Mưa bất thường, lũ nghiêm trọng
Theo báo chí Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9-2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ có đánh số (lũ ở quy mô lớn nhất định), tăng gấp 1,6 lần so với năm trước và đạt mức kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998. Lũ lụt đã xảy ra trên sáu con sông chính, trong đó có sông Dương Tử và sông Hoàng Hà.
Tổng cộng có 833 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động, nhiều hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 267 con sông vượt mức an toàn và 77 con sông lên mức cao lịch sử. Năm 2020, lượng mưa trung bình ở Trung Quốc đạt 616mm, nhiều hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và cao thứ hai kể từ năm 1961. Lũ lụt đã làm 2,7 triệu người phải sơ tán và khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng.
Ở khu vực châu Á, các nước phải đương đầu với lũ quét, lở đất, lụt lội gồm có miền bắc và tây bắc Pakistan; vùng trung tây Nepal; tỉnh Tây Kalimantan, tỉnh Tây Java và thủ đô Jakarta của Indonesia. Riêng tại Bangladesh, số người chết trong lũ lụt đã lên tới 257 người. Vào trung tuần tháng 7-2020, nước lũ đã nhấn chìm đến 1/3 diện tích Bangladesh.
Thủ đô Jakarta (Indonesia) từng hứng chịu lũ lụt ngay trong Tết Nguyên đán 2020 làm ít nhất 23 người thiệt mạng. Đây là trận lũ làm nhiều người thiệt mạng nhất ở Jakarta kể từ lũ lụt năm 2013. Trời mưa xối xả. Nước dâng lên rất nhanh. Hàng chục ngàn người phải sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời. Nhà cửa và xe cộ ngập trong nước và bùn. Người dân di chuyển bằng xuồng bơm hơi hoặc ruột xe. Ở Bekasi ngoại ô Jakarta, nước lên cao đến tận tầng 2.
Nhật cũng không xa lạ gì với thiên tai và đã chứng kiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Các trận mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu trong tháng 7-2020 đã làm ít nhất 65 người thiệt mạng. Một số khu vực thuộc tỉnh Chiba vẫn còn bị sốc với cơn bão lớn vào tháng 9-2019 làm hư hại hơn 70.000 căn nhà, gây mất điện nhiều ngày ảnh hưởng đến hàng chục ngàn dân.
Lượng mưa cực lớn từ tháng 6-2020 dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều nơi tại Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á như ở Nhật, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ. Ông Kaiser Rejve - giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh - nhận xét: "Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường tăng lên đáng kể ở Bangladesh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các trận lũ gần đây báo hiệu tần suất và cường độ lũ lụt và xói mòn sông có nguy cơ gia tăng trong những năm tới".
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định tại châu Á - khu vực đông dân nhất thế giới, lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn và mùa mưa sẽ ngày càng dữ dội hơn do hiện tượng biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications (Anh) hồi năm ngoái dự báo đến năm 2050 sẽ có 300 triệu người sống trong các khu vực có thể xảy ra lũ lụt do biến đổi khí hậu. Hầu hết trong số đó sống tại các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Một nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports (Anh) tháng 7-2020 nhận xét nếu nguy cơ lũ lụt gia tăng trên toàn cầu trong 80 năm tới, phần lớn dân số có nguy cơ cao sẽ cư trú ở châu Á. Báo cáo tháng 8-2020 của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (Mỹ) ghi nhận lũ lụt tác động đến kinh tế châu Á lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nhà khoa học Ruslan Fakhrutdinov ghi nhận: "Đến năm 2050, 75% nguồn vốn toàn cầu phải đương đầu với nguy cơ lũ lụt ở châu Á. Ấn Độ và các vùng ven biển Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".
Đánh bắt cá nuôi sống bao đời người dân trên Biển Hồ, Campuchia - Ảnh: Geo
Các yếu tố phi khí hậu
Châu Á chịu trách nhiệm phần lớn lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên đối với lũ lụt, giảm khí thải về ngắn hạn và trung hạn ít có tác động vì lượng mưa lớn và nước biển dâng (hai yếu tố dẫn đến lũ lụt) xảy ra do lượng khí thải trong quá khứ. Do đó cần đặc biệt chú ý thêm đến các yếu tố phi khí hậu như di dân và phát triển kinh tế.
Nhà kinh tế học Abhas Jha - chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới - ước tính mỗi tuần có khoảng 1 triệu người chuyển đến khu vực thành thị. Điều tồi tệ ở chỗ hiện tượng này chủ yếu xảy ra tại các thành phố vừa và nhỏ thiếu khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Số dân tăng lên trong khi cơ sở hạ tầng thiếu thốn tại các vùng có nguy cơ cao sẽ khiến lũ lụt gây thiệt hại kinh tế lớn hơn. Hàng loạt thành phố châu Á với số dân sống dọc bờ biển hoặc ven sông ngày càng tăng lên đồng nghĩa với số lượng người ở các khu vực dễ bị lũ lụt cũng tăng lên.
Ngoài ra còn có những thay đổi môi trường khác do con người gây ra như tàn phá rừng ngập mặn ven biển trên diện rộng để nuôi trồng. Rừng ngập mặn có công dụng làm giảm nước biển dâng do bão và nước biển xâm nhập đất liền. Mất các vùng đất ngập nước và các bể chứa nước tự nhiên có nghĩa là nhiều thành phố châu Á dễ bị ngập lụt hơn ngay cả khi không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Abhas Jha mong muốn thay đổi từ "cơ sở hạ tầng xám" gồm đập, kênh và quản lý nước quy mô lớn sang "cơ sở hạ tầng xanh" tức gia tăng khả năng hấp thụ nước ở thành phố thông qua quản lý cảnh quan và khôi phục các hệ sinh thái như đồng bằng ngập nước, vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn. Ông nhận định: "Khi nỗ lực giải quyết lũ lụt, các thành phố thường chú trọng quá nhiều đến cơ sở hạ tầng xám. Đó là một phần của giải pháp nhưng không phải là giải pháp toàn diện. Chúng ta phải cân bằng giữa cơ sở hạ tầng xanh và cơ sở hạ tầng xám hoặc thiết kế đô thị nhạy cảm với nước".
Nhà nghiên cứu Sayanangshu Modak tại Trung tâm Kolkata thuộc Quỹ Nhà quan sát nghiên cứu (Ấn Độ) đánh giá điều quan trọng hơn hết là phải xây dựng vùng đồng bằng ngập nước để con sông có đủ không gian thích hợp dành cho lũ bất ngờ và đóng góp vào các hệ sinh thái. Vùng ngập nước còn giúp nhiều sinh vật phát triển phong phú và đa dạng phù hợp với dòng chảy.
GS Jayanta Bandyopadhyay - chuyên gia hàng đầu về sông ngòi - đã nêu quan điểm mới và liên ngành xem các con sông không chỉ chuyên chở nước mà còn chuyên chở các vật liệu hòa tan đa dạng như năng lượng và trầm tích để cùng hỗ trợ cho nhiều môi trường sống và đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, dòng chảy lớn của các con sông ở Đông Nam Á và Nam Á mang tính chất sống còn vì nước chuyển phù sa và chất dinh dưỡng cho đất. Bởi thế lũ trên sông Mekong đã góp phần duy trì hệ sinh thái Biển Hồ ở Campuchia và ngành công nghiệp đánh bắt.
Sống chung với lũ nhỏ và hưởng lợi từ lũ như người dân Đông Nam Á và Nam Á đã làm theo truyền thống sẽ làm giảm nguy cơ lũ lớn.
Xu hướng dành không gian cho sông đã được chú ý đến nhiều năm nay. Hà Lan ủng hộ ý tưởng này mặc dù trước đây từng đề xướng xây dựng đê ngăn lũ. Xu hướng này đã xuất hiện trên nhiều vùng châu thổ như sông Rhine-Meuse-Scheldt (Hà Lan), sông Châu Giang (Trung Quốc), sông Mekong (Việt Nam), sông Zambezi-Limpopo (Mozambique) và sông Mississippi (Mỹ). Công trình xây dựng "cứng" như kè và đập sẽ được thay thế bằng các biện pháp "mềm" như để nước tràn bờ trên vùng ngập nước.
Vùng Sahel vốn là thảo nguyên khô cằn, giờ lại bị ngập nặng. Các nghiên cứu ghi nhận do rừng bị tàn phá nên mưa lũ càng trở nên khốc liệt.
Kỳ tới: Mất rừng, mưa lũ càng khốc liệt
TTO - Mưa ầm ào xối xả từ sáng tới tối. Những con sông tràn bờ ngập mấp mé nóc nhà dân. Những vạt đồi no nước đổ ập chôn vùi nhà cửa, con người. Tại sao? Có biện pháp gì để giảm thiểu thiệt hại?
Xem thêm: mth.47874630202010202-iad-ual-pahp-iaig-gnuhn-av-tul-ul-2-yk-on-gnouc-neihn-neiht/nv.ertiout