Hoan nghênh và tạo điều kiện đầu tư để các doanh nghiệp đang làm ăn tốt tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng với các doanh nghiệp Nhà nước và dự án liên tục thua lỗ triền miên trong nhiều năm, các chuyên gia kinh tế đề xuất cần mạnh dạn cho phá sản, giải thể để dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác.
Mạnh dạn phá sản, giải thể
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang làm ăn và phát triển tốt nên tiếp tục theo dõi, thúc đẩy hệ thống quản trị để các đơn vị, doanh nghiệp này ngày càng tốt hơn. Thậm chí, nên đưa ứng dụng công nghệ vào để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Theo bà Lan, dù sao thành công của DNNN kể cả vận hành tốt thì cũng nhờ nhiều vào nguồn vốn của nhà nước, đất đai được sử dụng nhiều nên họ mới phát triển như vậy. Còn để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường chưa chắc DNNN đã tốt hơn doanh nghiệp tư nhân. Từ đó, theo những DNNN mà đã thành công nên hoan nghênh nhưng bên cạnh đó cần xem xét, tính toán đầy đủ, giá đất của thị trường để thúc đẩy phát triển hơn nữa” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Một lần nữa, bà Lan nhấn mạnh rằng, nhiều lúc DNNN báo lãi nhưng thực chất chưa chắc đã đúng. Chúng ta phải tính theo chi phí đầu vào, chi phí thị trường. Nên so sánh thêm các nước xung quanh. Cũng là Tập đoàn dầu khí nhưng Petronas của Malaisya thành công hơn bao nhiêu so với dầu khí của mình.
Hai nữa là đối với DNNN hiện nay còn thiếu hụt nhiều lĩnh vực mà lẽ ra nếu có các tập đoàn tốt thì họ phải chăm lo để làm. Ví dụ như điện, bao lâu nay toàn phải gọi nước ngoài vào làm. Nhập theo chìa khóa trao tay, rất lệ thuộc, rủi ro lớn, lệ thuộc năng lượng của mình đặt vào tay người khác. Trong khi đó, mỗi lúc cần đầu tư thì phải huy động theo vốn nhà nước hay lại tăng giá điện. Như vậy là không ổn chút nào. Đấy là cơ chế.
“Một số doanh nghiệp tốt rồi, làm ăn có lãi thì phải khuyến khích để tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lại là tốt như thế nào, tốt phải xem phải đạt trình chuẩn chung của thị trường chứ không phải với giá thành của họ. Chưa chắc đã là lãi thật. Điển hình như ngành điện lãi nhiều năm không phải do lãi mà là tăng giá điện mới có lãi. Có nhiều nhân tố được nhà nước hỗ trợ, độc quyền mới được như vậy” - vị chuyên gia này nói.
Bên cạnh những DNNN có lãi thì đối với những doanh nghiệp lỗ theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cần phải xác định giải thể, không nên giữ lại làm gì.
Lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế là chủ yếu
Trong khi đó khi đánh giá kết quả cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2020 cũng như đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2021-2030, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, khi xác định vai trò của DNNN cũng như việc cơ cấu lại DNNN cần lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Theo đó, “kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém” - TS Nguyễn Đình Cung và nhóm tác giả đánh giá.
Để nâng cao hiệu quả của DNNN thông qua việc cơ cấu lại, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ đối với các DNNN. Theo đó DNNN và các doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chấm dứt mọi hành vi, mọi biểu hiện phân biệt đối xử trên thực tế của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp theo hình thức sở hữu. Việc vay nợ và huy động tài chính cho các hoạt động kinh doanh mang tính cạnh tranh của DNNN phải tuân thủ nguyên tắc thị trường. Quan hệ của DNNN với tất cả các tổ chức tài chính, tín dụng và với các DNNN khác phải dựa trên quan hệ thương mại thuần túy. Chấm dứt mọi hình thức cấp vốn ưu đãi, cho nợ thuế, tín dụng.
Đáng chú ý, phải tách bạch triệt để giữa chức năng đại diện sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN, bao gồm cả tách bạch về bộ máy quản lý hành chính nhà nước và bộ máy cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mọi tài sản của Nhà nước đầu tư vào DNNN phải được định giá thị trường. Thực hiện tính đúng, tính đủ mọi chi phí phát sinh trong sản xuất kinh doanh của DNNN, kể cả chi phí vốn chủ sở hữu nhà nước. Đặt ra yêu cầu hợp lý về hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu, ít nhất phải tương đương với mức trung bình của doanh nghiệp trong ngành.
Theo đó trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các DNNN phải đảm bảo có năng suất lao động và tỉ suất lợi nhuận cao hơn mức bình quân của toàn bộ các doanh nghiệp có lợi nhuận trong nền kinh tế và không thấp hơn mức bình quân của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu nhà nước hằng năm phải đạt ít nhất 15%/năm cho giai đoạn 2021-2025.
Cần Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Với định hướng trên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cần xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước đầu tư, nợ không có khả năng thanh toán của DNNN được giải quyết căn bản.
Để thực hiện lộ trình này, cần chấm dứt các hành vi ưu đãi cho DNNN tiếp cận tài chính trên thực tế, không đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn hoặc các khoản vay cao hơn mức kế hoạch đồng thời không bao cấp, hỗ trợ, duy trì sự tồn tại ngay cả khi doanh nghiệp thua lỗ, trong tình trạng phải giải thể, phá sản cũng như loại bỏ hỗ trợ trực tiếp cho DNNN trong lĩnh vực cạnh tranh.
Đáng chú ý, TS Nguyễn Đình Cung và các tác giả cũng cho rằng, phải áp đặt đầy đủ ràng buộc về chi phí vốn trong đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước phải thu lợi nhuận với mức ít nhất bằng giá thị trường của vốn. Cho phép doanh nghiệp tự chủ trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định. Người đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không bảo toàn và phát triển vốn, thua lỗ không thanh toán được nợ đến hạn, không trả đủ thuế cho Nhà nước, thì người đại diện chủ sở hữu, người quản lý phải bị thay thế và xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật về những sai phạm.