Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, với mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%.
Lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng của VPBank tương đương gần 9.400 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỉ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất, đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng lên tới 15.965 tỉ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ, ở mức 6.033 tỉ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank gần 16.000 tỉ đồng
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, kết quả kinh doanh hợp nhất của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tăng trưởng bứt phá khi lợi nhuận trước thuế cán mốc trên 1.666 tỉ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm (gần 116% kế hoạch). MSB cũng xử lý hết các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đang trong quá trình thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, tính đến hết 30-9-2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng An Bình (ABBANK) đạt 924 tỉ đồng. Lãnh đạo ABBANK cho biết hoạt động của ngân hàng vẫn giữ ổn định và an toàn, tập trung vào việc cung cấp nhiều gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trước đó, một số ngân hàng khác báo lãi lớn sau 9 tháng, như Ngân hàng Quân đội (MB) ước đạt lợi nhuận riêng ngân hàng gần 7.400 tỉ đồng; Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố báo cáo tài chính quý III/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỉ đồng…
Đến nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng hết tháng 9-2020 mới đạt trên 6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Vì sao các ngân hàng vẫn lãi lớn?
Theo VPBank, lợi nhuận vượt kế hoạch nhờ kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành và tăng trưởng doanh thu tốt. Tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng của ngân hàng này đạt 28.300 tỉ đồng (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ tăng gần 36%.
"Không chỉ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu, VPBank cũng nỗ lực kiểm soát chi phí hoạt động bao gồm số hóa tối đa các khâu vận hành, ứng dụng dữ liệu lớn trong phê duyệt tín dụng, đánh giá mức độ rủi ro…" - đại diện VPBank cho biết.
Cũng tại VPBank, lượng khách hàng tại ngân hàng đã đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 33% so với cuối năm ngoái. Tỉ lệ chi phí trên tổng thu nhập ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%...
Trong khi đó, MSB cho biết lợi nhuận vượt mục tiêu kế hoạch năm sau 9 tháng nhờ cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Nguồn vốn tốt giúp gia tăng lợi nhuận ngân hàng - tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. "Việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng nâng cao hiệu quả là nhân tố quan trọng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và đem lại sự tăng trưởng trong tổng thu nhập thuần từ lãi và phí" – đại diện MSB nói.
Tại MB, hướng đi được ngân hàng này tập trung thời gian qua là đầu tư cho ngân hàng số, cải tiến nhiều sản phẩm số, các sản phẩm cho vay trên kênh số... Việc đẩy mạnh phát triển hai ứng dụng số này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng CASA từ khách hàng.
Tính đến 30-9, CASA của MB đã vượt 100.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với thời điểm cuối quý II và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ giao dịch qua kênh số tại MB đạt mức 80%, số lượng khách hàng giao dịch qua App MBBank đạt trên 2,2 triệu người…