Ở thời điểm đầu đại dịch, có nhiều báo cáo cho rằng các công ty đang rời khỏi Trung Quốc và dịch chuyển cơ sở sản xuất về châu Á. Khi đó Ấn Độ được kỳ vọng sẽ ồ ạt chào đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nổi lên là nước hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên có vẻ như câu chuyện không giống với dự tính của New Delhi.
Dữ liệu do Bộ thương mại và công nghiệp Ấn Độ công bố cho thấy lượng vốn FDI đổ vào Ấn Độ trong quý I đã sụt giảm 56% so với năm 2019. Nếu như năm 2019 FDI đạt 16,3 tỷ USD thì con số của năm 2020 chỉ là 6,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong cuộc đua trở thành "con hổ châu Á", trung bình FDI của Việt Nam tương đương hơn 6% GDP – tỷ lệ cao nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi theo báo cáo của Livemint trích dẫn số liệu từ chiến lược gia Ruchir Sharma của ngân hàng Morgan Stanley.
Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 18%, trong đó nổi bật nhất là nhóm máy tính/linh kiện điện tử (tăng trưởng 26%) và máy móc/phụ tùng (tăng trưởng 63%).
Trong những tuần gần đây các nước Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh đã có một loạt động thái thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới. Để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, trong khi Ấn Độ và Indonesia đẩy mạnh cải cách luật lao động thì Bangladesh được cho là đang đàm phán 17 hiệp định ưu đãi và tự do thương mại.
Những quốc gia như Trung Quốc và Singapore đã tận dụng rất tốt dòng vốn FDI để tạo ra thành công về mặt kinh tế. Trung Quốc chứng kiến dòng vốn FDI tăng vọt từ mức 11,15 tỷ USD trong năm 1992 lên mức đỉnh 290 tỷ USD trong năm 2013. Nhưng cũng kể từ năm 2013, chi phí nhân công tăng lên khiến sức hấp dẫn của Trung Quốc giảm xuống.
Nhiều chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp, các khu công nghiệp và nguồn cung lao động trẻ dồi dào (chiếm 60% dân số) khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khi dòng vốn chảy vào Trung Quốc bắt đầu suy giảm. Kể từ năm 2013 đến nay trung bình FDI vào Việt Nam tăng trưởng 10,4% mỗi năm và lập kỷ lục 16,12 tỷ USD trong năm ngoái – tăng trưởng 81%.
Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo vì Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn ở trong 1 vị thế tốt vì chính phủ thực hiện chính sách giảm thuế, hoãn thu thuế và miễn giảm thuế đất cho doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và ký kết hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Bắt đầu từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% các loại thuế đánh vào hàng hóa Việt Nam và tuân theo lộ trình dần dần loại bỏ hoàn toàn trong vòng 7 năm nữa. Từ tháng 1 đến tháng 4/2020, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD.
Mấy năm gần đây các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đã trải qua bất ổn chính trị hay một vài sự kiện gây bất ổn khác. Tuy nhiên họ cần hiểu được tầm quan trọng của sự ổn định đối việc khả năng thu hút vốn FDI. Tương tự, Ấn Độ với dân số lớn gấp 12 lần Việt Nam nhưng cũng chưa thể tận dụng tốt yếu tố dân số bằng Việt Nam.
Xem thêm: nhc.74122845112010202-a-uahc-oh-noc-aud-couc-gnort-od-na-touv-man-teiv/nv.fefac