Startup có trụ sở tại Bắc Kinh trước đây được định giá lên đến 1,4 tỷ USD trong vòng gọi vốn cách đây 2 năm. Giờ đây, theo nguồn tin thân cận, họ lên kế hoạch sơ bộ sẽ bán tài sản chính cho 58.com với mức giá 10.000 HKD (1.290 USD). Theo đó, công ty quảng cáo hàng đầu Trung Quốc sẽ tiếp quản hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông của Renrenche, đồng thời cung cấp khoản vay ít nhất 4 triệu USD cho startup này để hoạt động tại đại lục. Hiện tại, thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn tất và có thể sẽ không được tiến hành.
Thương vụ này có thể sẽ là "phao cứu sinh" của nền tảng kinh doanh ô tô. Renrenche trước đó đã gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ một thời bùng nổ của Trung Quốc đã gần như sụp đổ. Được thành lập vào năm 2014, Renrenche đóng vai trò kết nối những người dùng đang tìm cách mua/bán ô tô cũ, với mức chiết khấu thấp hơn một chút so với những nhà môi giới bên ngoài.
Những công ty ủng hộ hoạt động của startup này bao gồm Didi Chuxing, các công ty liên doanh như Shunwei Capital và Redpoint China. Năm 2018, Renrenche hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với 300 triệu USD, được dẫn đầu bởi Goldman Sachs.
Tuy nhiên, đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ như Uxin và Guazi.com – được Quỹ Vision hậu thuẫn, cùng với đó là hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, chú kỳ lân này đã không thể trụ vững khi nguồn vốn cạn kiệt. Một trong những chủ nợ của công ty này – Argyle Street Management, đang tìm cách kết thúc mối liên hệ với họ tại tòa án trên đảo Cayman – nơi Renrenche đăng ký kinh doanh. Theo Bloomberg, lý do là bởi, startup này không thể thanh toán khoản nợ 15 triệu USD.
Yêu cầu từ phía Argyle Street Management có thể sẽ khiến thương vụ với 58.com trở nên phức tạp hơn. Thỏa thuận này đã bị một số nhà đầu tư phản đối, nhưng sau đó lại nhận được sự ủng hộ từ phía Tencent và Didi trong cuộc họp cổ đông vào tuần trước. Nguồn tin thân cận tiết lộ, nhà đầu tư hiện vẫn đang cân nhắc các lựa chọn khác để giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của Renrenche.
Nếu được thực hiện, thương vụ này sẽ đánh dấu một trong những thất bại lớn trong giới startup của Trung Quốc, kể từ khi sự bùng nổ của internet bắt đầu vào 1 thập kỷ trước. Sự sụp đổ nhanh chóng của Renrenche là trường hợp tiếp theo sau khi những "quả bong bóng nhỏ" vỡ tung, ví dụ như Mobike hay Ofo. Tuy nhiên, những trường hợp đáng tiếc này lại ít xảy ra do sự tăng trưởng bền vững trong việc sử dụng smartphone và internet.
Tham khảo Bloomberg