WEF: Covid-19 xáo trộn mạnh thị trường việc làm trong 5 năm tới
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Báo cáo Tương lai việc làm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ công bố ngày 21-10, nhận định: “Tự động hóa cùng với cơn suy thoái kinh tế do Covid-19, đang tạo ra một viễn cảnh xáo trộn gấp bội đối với người lao động. Covid-19 đang làm tăng tốc các thay đổi công nghệ có thể khiến 85 triệu việc làm mất mát trong 5 năm tới nhưng đồng thời cũng giúp tạo ra 97 việc làm mới.
Các công việc liên quan AI và dữ liệu lên ngôi
“Bên ngoài xáo trộn hiện tại do các lệnh phong tỏa và suy thoái kinh tế, xu hướng các công ty tăng cường ứng dụng công nghệ sẽ làm thay đổi các nhiệm vụ, công việc và kỹ năng vào năm 2025”.
WEF cho rằng sự chuyển dịch ở bộ phận lao động giữa con người và máy móc có thể làm mất mát 85 triệu việc làm vào năm 2025 nhưng đồng thời cũng tạo ra 97 triệu việc làm mới.
WEF dự báo đến năm 2025, công việc gần như sẽ được phân chia đồng đều cho máy móc và con người với máy tính sẽ đảm nhận phần lớn các công việc liên quan đến xử lý dữ liệu, các công việc hành chính và các công việc chân tay thường ngày.
WEF dự báo máy móc sẽ dần thay thế các công nhân lắp ráp ở các nhà máy. Ảnh: Wev.news |
Những việc làm sẽ trở nên dư thừa bao gồm trợ lý hành chính, nhân viên nhập liệu, nhân viên chấm công, kế toán...Trong khi đó, các công việc có nhu cầu cao sẽ bao gồm các công việc trong nền kinh tế xanh, các vai trò trong các lĩnh vực dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như những công việc mới trong lĩnh vực kỹ thuật, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm. WEF nêu ra một danh sách các công việc có nhu cầu cao như nhà khoa học và phân tích dữ liệu, chuyên gia học máy và AI, chuyên gia dữ liệu lớn, chuyên gia Internet vạn vật (IoT), chuyên gia chiến lược và tiếp thị số hóa, chuyên gia chuyển đổi số hóa, nhà phân tích an ninh thông tin, nhà phát triển ứng dụng và phần mềm.
Báo cáo WEF dự báo số lượng công việc cũng sẽ tăng lên trong lĩnh vực tiếp thị, kinh doanh và sản xuất nội dung cũng như các vai trò đòi hỏi năng lực làm việc với những người có nền tảng xuất thân khác nhau.
Theo WEF, các kỹ năng như phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề nằm trong số các kỹ năng hàng đầu mà các doanh nghiệp lớn nhất thế giới coi trọng hơn trong 5 năm tới.
Kỹ năng là chìa khóa để làm việc hiệu quả hơn
Đại dịch Covid-19 đang làm tăng tốc sự đón nhận công nghệ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắp cánh cho nhu cầu điện toán đám mây và các dịch vụ thương mại điện tử, trong khi đó, gây suy kiệt cho các công ty không thể phục vụ khách hàng của họ ở môi trường trực tuyến.
Những người lao động không thể làm việc từ xa tại nhà, do công việc của họ đòi hỏi phải giao tiếp trực diện hoặc do họ bị hạn chế về tiếp cận internet, cũng bị bất lợi nghiêm trọng.
“Các nỗ lực nhằm hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này chậm trễ so với tốc độ thay đổi cá cách công việc”, người sáng lập WEF, Klaus Schwab viết trong lời mở đầu trong bản báo cáo của WEF.
Báo cáo cho biết một số lao động làm các công việc dễ bị tổn thương có thể chuyển sang các công việc mới.
Cuộc khảo sát của WEF ở các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu cho thấy 94% ý kiến cho biết họ kỳ vọng nhân viên sẽ học thêm các kỹ năng mới trong quá trình làm việc.
Các công ty ngày càng gia tăng đầu tư vào việc đào tạo lại đội ngũ hiện tại. Báo cáo của WEF dự báo 50% người lao động hiện nay sẽ cần phải học hỏi các kỹ năng mới để làm việc hiệu qua hơn trong một môi trường ngày càng gia tăng tự động hóa.
Phân tích của một nhóm nhà khoa học dữ liệu của mạng xã hội việc làm LinkedIn cho thấy nhiều người làm công việc chuyên môn chuyển sang các vai trò mới nổi trong nền kinh tế mới trong 5 năm qua. Họ đến từ các ngành nghề khác nhau và trong một số trường hợp, công việc mới của họ đòi hỏi các kỹ năng khác hoàn toàn với công việc cũ.
Chẳng hạn, 50% trong số những người chuyển sang làm các công việc trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và AI đến từ các ngành nghề không liên quan. Tỷ lệ này ở các công việc kỹ thuật là 67%, ở các công việc phát triển nội dung là 72% và ở các công việc kinh doanh là 75%.
WEF dự báo đến năm 2025, công việc gần như sẽ được phân chia đồng đều cho máy móc (47%) và con người (53%). Ảnh: Weforum |
Bất bình đẳng thu nhập có thể tăng nhanh
Đại dịch Covid-19 đang đe dọa làm gia tăng hơn nữa các bất bình đẳng thu nhập hiện tại vì những ngành kinh doanh bị tác động nặng nề nhất, gồm lữ hành, du lịch, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ thường sử dụng những lao động trẻ, có mức lương thấp và đa phần là nữ giới.
WEF cảnh báo bất bình đẳng thu nhập có thể nghiêm trọng hơn như những người lao động bị máy móc và công nghệ thay thế không được đào tạo lại để đảm nhận những vai trò công việc mới.
Hơn 2/3 trong số các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu tham gia cuộc khảo sát của WEF cho biết họ sẽ giảm lực lượng nhân sự khi công nghệ ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh của họ.
Báo cáo của WEF cho biết: “Lần đầu tiên trong những năm gần đây, tốc độ việc làm mới được tạo ra bắt đầu chậm hơn so với so với số việc làm bị mất đi. Điều này sẽ tác động lớn đến những người lao động thiệt thòi”.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong khi các nghị sĩ của nước này vẫn bất đồng về gói kích thích mới.
Báo cáo của WEF cho biết: “Khi các con số thất nghiệp tăng, điều cần thiết là phải mở rộng các chương trình bảo vệ xã hội để hỗ trợ đào tạo lại cho những người lao động bị mất việc và có nguy cơ bị mất việc khi họ tìm kiếm các con đường mới để hướng đến các công việc trong tương lai”.
Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và đẩy 115 triệu người vào mức nghèo cùng cực (có thu nhập dưới 1,9 đô la Mỹ /ngày) trong năm nay.
Theo CNN, CNBC
Xem thêm: lmth.iot-man-5-gnort-mal-ceiv-gnourt-iht-hnam-nort-oax-91-divoc-few/647903/nv.semitnogiaseht.www