Hàng ngàn nhà máy dệt may châu Á đóng cửa vì Covid-19
Thuận An
(TBKTSG Online) – Nhu cầu mua hàng của các nhà nhập khẩu giảm đến 70%, hàng nghìn nhà máy phải đóng cửa, hàng triệu công nhân mất việc, giảm giờ làm…, thực trạng này cho thấy ngành dệt may ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Đức, theo ecotextile.com, sẽ sát cánh cùng ILO trong một chương trình giúp công nhân ngành dệt may bị ảnh hưởng của Covid-19 ở bảy quốc gia, trong đó có Việt Nam. |
Báo cáo nghiên cứu Tác động lan tỏa trong chuỗi cung ứng với chủ đề “Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người lao động và các nhà máy ở châu Á và Thái Bình Dương” vừa được ILO công bố hôm nay, 21-10, đã chỉ ra hàng loạt tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với các chuỗi cung ứng, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực bao gồm: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.
Theo đó, nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh đã gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may trong năm 2019, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới.
Theo bản nghiên cứu, tính đến tháng 9 năm 2020, gần 50% số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may đã bị ảnh hưởng khi nhu cầu của người tiêu dùng tại các nước đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất sụt giảm, thể hiện ở doanh số bán lẻ giảm mạnh.
Và dù các chính phủ trong khu vực đã chủ động ứng phó với cuộc khủng hoảng, nhưng các nước này vẫn có hàng ngàn nhà máy đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn, dẫn đến tình trạng cho công nhân nghỉ việc tạm thời và hoặc bị sa thải tăng mạnh. Thực tế cho thấy, ngay cả khi những nhà máy sau đó hoạt động trở lại thì đa phần chỉ sử dụng một lượng nhỏ công nhân, giảm mạnh so với trước đó.
Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết trong thông cáo báo chí do ILO Việt Nam gửi đi rằng, trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 - 4 tuần làm việc. Và những người có việc trong quí 2-2020 thì cũng giảm thu nhập hoặc bị chậm trả lương. Các nữ công nhân, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành dệt may, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Chihoko Asada Miyakawa, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh đến tác động to lớn mà đại dịch Covid-19 gây nên đối với ngành dệt may ở mọi cấp độ. Vấn đề quan trọng là các chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác trong ngành phải cùng nhau tìm cách xử lý những tình huống chưa từng có tiền lệ này và giúp tạo dựng một tương lai chú trọng hơn đến con người cho ngành dệt may”.
Bản báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị rằng cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như việc mở rộng diện bao phủ của an sinh xã hội tới người lao động, đặc biệt là phụ nữ.
Nghiên cứu Tác động lan tỏa trong chuỗi cung ứng: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến người lao động và các nhà máy dệt may ở châu Á - Thái Bình Dương được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và phân tích những số liệu sẵn có đã được công bố rộng rãi và số liệu cấp doanh nghiệp kết hợp với phỏng vấn những bên liên quan hàng đầu trong toàn ngành ở châu Á.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Cornell và một nhóm chuyên gia ILO đến từ Bộ phận Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực, Chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work) và dự án Việc làm Thỏa đáng trong các chuỗi cung ứng dệt may châu Á của ILO-Sida.
Xem thêm: lmth.91-divoc-iv-auc-gnod-a-uahc-yam-ted-yam-ahn-nagn-gnah/847903/nv.semitnogiaseht.www