vĐồng tin tức tài chính 365

Phó Thủ tướng: Cần thiết điều trực thăng cứu nạn

2020-10-22 01:37

Trong ngày 21-10, mưa tại nhiều nơi ở Quảng Bình đã giảm, nước nhiều nơi rút hơn cả mét. Các tuyến đường ngập nhiều ngày đã được thông xe, một số địa phương ô tô đã đến được trung tâm xã. Sau đó, hàng cứu trợ sẽ từ xã chuyển đến các thôn bằng thuyền. Việc cứu trợ hoàn toàn bằng thuyền chỉ đến những nơi hoàn toàn bị cô lập.

Lập trạm để không một ai bị bỏ sót

Ngày 21-10, tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 15 xã nhưng có đến 12 xã bị ngập lụt. Trong đó có tám xã ngập sâu, nước chảy xiết và bị cô lập hoàn toàn. Hiện công tác cứu hộ đưa người dân đến những nơi cao ráo, an toàn đã hoàn tất. Nhiệm vụ của lực lượng chức năng hiện tại tập trung vào công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân hằng ngày.

Để không một ai bị bỏ sót, lãnh đạo huyện này đã lập ba trạm tiền phương chuyên tiếp nhận hàng cứu trợ từ khắp nơi đổ về để phân chia hợp lý nhất cho các thôn, làng. Ba trạm tiền phương gồm ngã ba Dinh Mười (xã Gia Ninh), Nam Long (xã Xuân Ninh) và Võ Xá (xã Võ Ninh). Những trạm này cán bộ huyện sẽ túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận hàng hóa cứu trợ. Nơi đây cũng là bến đò với nhiều phương tiện thủy như canô, ghe đi biển, ghe đi sông loại lớn. Vì những ghe nhỏ của bà con đánh cá trên sông không thể vượt qua những vùng ngập với nước xoáy, sóng lớn.

Sáng sớm cùng ngày, tại trạm ngã ba Dinh Mười (xã Gia Ninh), từng đoàn cứu trợ với xe tải chở nhiều loại hàng hóa cho bà con vùng lũ như áo phao, phao cứu sinh, sữa đặc, sữa tươi, lương khô… Mọi người hối hả đưa thuyền xuống nước trở lại để bốc hàng trên xe tải xuống thuyền.

Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch huyện Quảng Ninh, túc trực tại đây cho biết: Khi hàng cứu trợ đến, ban chỉ đạo tại đây sẽ phân chia và ghi lại để tránh việc thôn có nhiều, thôn không có. Canô của công an, bộ đội, đội cứu trợ… sẽ chờ lệnh nhận hàng đem đi phân chia. Theo ông Huân, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cung cấp nhiên liệu miễn phí cho việc cứu trợ. Mỗi sáng sớm hàng cứu trợ sẽ được phân chia đến những nơi cao của từng thôn, từng làng. Lãnh đạo các xã sẽ có người túc trực tại trạm tiền phương để ghi nhận, tiếp nhận và theo dõi hàng về thôn nào, đã đến chưa. Các lãnh đạo thôn có nhiệm vụ dùng thuyền nhỏ để luồn lách vào các xóm nhỏ chia cho từng nhà.

Ông Huân cho biết thêm, ngoài ra từng xã cũng có dự trữ thực phẩm, nước uống để cung cấp cho những nơi cần. Nếu hàng cứu trợ không đến, họ sẽ nắm và đưa đến. Chắc chắn không một ai bị bỏ lọt phải đói, khát. Chính quyền địa phương khuyến khích người cứu trợ nên hỏi ý kiến địa phương để hàng hóa đến đúng nơi cần.

Phó Thủ tướng: Cần thiết điều trực thăng cứu nạn - ảnh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tại cuộc họp của ban chỉ đạo sáng 21-10.  Ảnh: VGP

Đám tang treo quan tài lên nóc nhà

Gặp chúng tôi, anh Đặng Ngọc Nghiên (40 tuổi, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lo ngại lũ sắp chạm trần nhà. Ngày 17-10, khi gia đình đang tổ chức đám tang cho mẹ anh Nghiên thì lũ về. Căn nhà nằm giữa cánh đồng, nước lũ dâng lên gần đụng nóc. Mọi người chỉ kịp tìm cách đưa quan tài cột lên nơi cao nhất của nóc nhà. Tuy nhiên, có lúc nước ngập đụng chân quan tài. Gia đình anh Nghiên đang chờ nước rút để chôn cất mẹ.

Anh Nghiên cho biết khu vực này ngập sâu nhất huyện Lệ Thủy, lại nằm sau cánh đồng nên ghe cứu trợ và tiếp tế khó khăn. Mấy ngày nay ai cũng lo chạy lũ, mẹ anh mất nhưng không có bà con họ hàng đến viếng, anh Nghiên cảm thấy chưa có cái đám tang nào quạnh hiu như thế này.

“Chỉ mong nước rút hẳn để chôn cất mẹ cho yên thân bà. Cả đời bà khổ rồi, đến chết cũng không yên được với lũ lụt” - anh Nghiên run giọng.

Theo anh Nghiên, những ngày qua anh em của anh phải lót ván gỗ ngủ gần quan tài đề phòng lũ tiếp tục dâng lên ngập quan tài, ướt thi thể mẹ. Tuy nhiên, rất may những ngày qua lũ rút dần dần, gia đình anh bớt lo.

Xuất 5.000 tấn gạo hỗ trợ người dân vùng lũ

Thủ tướng đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ năm tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỉ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội.

Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và TP Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

A.HIỀN 

Xem thêm: lmth.024549-nan-uuc-gnaht-curt-ueid-teiht-nac-gnout-uht-ohp/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phó Thủ tướng: Cần thiết điều trực thăng cứu nạn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools