Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, lượng hàng về chợ trung bình trong 9 tháng đầu năm là 2.500 tấn/ngày, trị giá giao dịch hằng ngày đạt 55 tỉ đồng. Ngành kinh doanh chính tại chợ là thịt heo, rau củ quả, trái cây với 120 mặt hàng, trong đó nổi bật có thịt heo với khoảng 3.600 con/ngày. Hàng hóa nhập chợ có nguồn gốc trong nước chiếm 95%, Trung Quốc 4%, các nước khác 1%. Trong 9 tháng đầu năm, chợ đã phối hợp Ban Quản lý ATTP TP HCM lấy 1.000 mẫu thịt heo để kiểm tra chỉ tiêu về hàn the, formol và 100 mẫu nước giải khát để kiểm tra chỉ tiêu phẩm màu, kết quả đều đạt.
Thương nhân kinh doanh bên trong chợ đầu mối Hóc Môn
Vấn đề khó khăn được ông Tiển nêu ra là các điểm kinh doanh nông sản tự phát quanh chợ ngày càng nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các thương nhân trong chợ nhưng chưa được giải quyết triệt để. Những điểm bán này không chấp hành các quy định về ATTP, làm ảnh hưởng đến uy tín của chợ do khách hàng có sự nhầm lẫn giữa hoạt động kinh doanh hợp pháp bên trong và bất hợp pháp ngoài chợ.
Đại diện UBND huyện Hóc Môn nêu khó khăn trong công tác xử lý, đó là người bán hàng tại các điểm tự phát có rất nhiều phương thức đối phó, thậm chí là chống đối đoàn kiểm tra. Đại diện đoàn kiểm tra cho hay đang đề xuất tuyển thêm nhân sự dạng khoán việc để duy trì kết quả sau các đợt dẹp những điểm kinh doanh tự phát, tránh tình trạng tái phạm.
Về vấn đề trên, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, đề nghị UBND huyện Hóc Môn có sự quan tâm, giải quyết triệt để, tạo sự công bằng trong kinh doanh vì tình trạng kinh doanh tự phát quanh chợ đã diễn ra nhiều năm.
Tại buổi giám sát cùng chủ đề của Ban Văn hóa - Xã hội tại UBND quận 11 vào chiều cùng ngày, Ban Quản lý chợ Bình Thới cũng nêu bức xúc của tiểu thương bên trong chợ về tình hình mua bán, lấn chiếm xung quanh khu vực chợ gây mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm các điều kiện ATTP.
Xem thêm: mth.30032811212010202-pahp-poh-ohc-yav-tahp-ut-ohc/et-hnik/nv.moc.dln