Khách mua cá ngừ đông lạnh xem xét hàng hóa trước phiên đấu giá cá của năm tại chợ Toyosu ở Tokyo ngày 5-1-2020 - Ảnh: BLOOMBERG
Khi đánh giá chất lượng cá, người mua thường muốn biết cá đó tươi ngon thế nào, độ chắc của thịt cũng như lượng mỡ ra sao.
"Anh cần hơn 10 năm kinh nghiệm để có được con mắt của một chuyên gia trong lĩnh vực này", nhân viên ở một chợ cá tại Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm với tờ Japan Times. Tuy nhiên với công nghệ AI, không cần mất quá nhiều thời gian như thế.
Tăng hiệu quả thẩm định
Gã khổng lồ về quảng cáo tại Nhật Dentsu và một số công ty khác đã hợp tác trong dự án phát triển và đưa vào sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp người dùng có thể chọn ra nhanh chóng phần cá ngừ ngon nhất.
Theo Dentsu, thuật toán AI của ứng dụng này được "đào tạo" bằng kiến thức từ các nhà buôn cá sành sỏi nhất. Chẳng hạn, nó sẽ được "dạy" cho kinh nghiệm đánh giá chất lượng của một con cá ngừ căn cứ vào đặc điểm phần đuôi của cá ngừ đông lạnh.
Khi người dùng cầm điện thoại có ứng dụng này quét lên con cá, ứng dụng sẽ đưa ra điểm số đánh giá chất lượng để người dùng tham khảo. Ứng dụng này hiện được sử dụng khá phổ biến trong việc đánh giá chất lượng của các loại cá ngừ vây vàng.
Tại Nhật cũng đã có một chuỗi nhà hàng cung cấp dịch vụ lẩu băng chuyền bắt đầu phục vụ cá ngừ được lựa chọn bằng ứng dụng AI ở các chi nhánh của họ. Nhân viên chuỗi này hết lời ca ngợi hiệu quả của ứng dụng.
Một quan chức thuộc Dentsu cho biết công ty này hi vọng sớm mở rộng quy mô ứng dụng AI tới chợ hải sản hàng đầu của Nhật là Toyosu và các chợ hải sản khác, trước hết giúp nâng cao chất lượng thẩm định các loại cá ngừ vây xanh (bluefin tuna) và cá ngừ mắt to (bigeye tuna).
Gợi ý ngư trường
Trong bối cảnh các ngư trường đang ngày càng giảm bớt trữ lượng khai thác, Trung tâm Dịch vụ thông tin nghề cá Nhật Bản đã phát triển thành công hệ thống phần mềm có thể cung cấp cho ngư dân sơ đồ các ngư trường tốt.
Một lần nữa các thuật toán AI lại được vận dụng để giúp ngư dân nhận diện các ngư trường có trữ lượng cá ổn định, đặc biệt là cá thu Nhật - loài cá đang ngày càng khan hiếm, khó đánh bắt.
Hệ thống thông tin này liên tục được cập nhật, tính năng mới bổ sung còn giúp ngư dân nắm được thông tin về nhiệt độ nước ở vùng đánh bắt và các dữ liệu cần thiết liên quan.
Theo giải thích của một chuyên gia phát triển hệ thống, các thông tin đánh giá của hệ thống AI được đưa ra trên cơ sở dựa vào những điểm đặc thù của các ngư trường đánh bắt cá thu, điều kiện về trữ lượng cá và sự thay đổi theo mùa tại các điểm đánh bắt. Đây là những yếu tố liên tục thay đổi qua các năm và người dân chỉ phán đoán dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Chính vì thế, với sự hỗ trợ của AI, các vị trí đánh bắt được công nghệ "gợi ý" sẽ giúp ngư dân mở rộng phạm vi đánh bắt lớn hơn nhiều so với quy trình đánh bắt truyền thống.
Xu thế chung của nhiều nước
Ứng dụng AI vào lĩnh vực khai thác thủy hải sản nhằm hướng tới một ngành công nghiệp bền vững, không tận diệt thiên nhiên đang là xu thế chung của nhiều nước và nhiều công ty.
Nhà cung cấp cá hồi hàng đầu thế giới Norway Royal Salmon của Na Uy, với lượng bán ra khoảng 70.000 tấn cá hồi mỗi năm, gần đây đã hợp tác với các công ty ABB (Thụy Sĩ) và Microsoft (Mỹ) xây dựng phần mềm AI để tính toán sinh khối và số lượng cá ở các ngư trường để tự động tính toán lượng cá hồi và phương án khai thác phù hợp.
Tòa sơ thẩm thành phố Kota Kinabalu, bang Sabah, Malaysia ngày 19-2 áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc đưa ra phán quyết đối với 2 bị cáo phạm tội tàng trữ ma túy. Đây là động thái được cho là có tính lịch sử đối với ngành tư pháp nước này.
Xem thêm: mth.96165219022010202-ia-ohn-auq-ueih-ac-caht-iahk-tahn/nv.ertiout