Bê bối email có thể là trở ngại lớn cho đường đua vào Nhà Trắng của ông Biden - Ảnh: Reuters
Vụ bê bối email này khiến nhiều người liên tưởng đến cơn ác mộng 4 năm trước xảy đến với Đảng Dân chủ.
Năm 2016, khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến ngày bỏ phiếu, FBI đã mở cuộc điều tra nhắm vào đối thủ của Trump khi đó là Hillary Clinton vì đã sử dụng email cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng Mỹ, góp phần nhấn chìm chiến dịch tranh cử của bà Hillary.
Ông Biden thận trọng
"Bộ trưởng Barr phải làm nhanh vụ này. Đây là một vụ tham nhũng lớn và người Mỹ xứng đáng được biết chuyện này trước ngày bầu cử (3-11)", ông Trump thúc giục trên Đài Fox ngày 20-10.
Vụ "tham nhũng lớn" mà ông Trump đề cập chính là vụ quý tử nhà Biden - Hunter Biden - bị nghi đã lợi dụng quyền lực của cha khi còn làm phó tổng thống để kiếm chác. Nghiêm trọng hơn, một số email lấy từ laptop Hunter đã nhắc tới việc chia phần cho "ông lớn" mà nhiều người cho rằng đó là cựu phó tổng thống Joe Biden.
Đối mặt với sự công kích liên tục của đối thủ, ông Biden đã không phản pháo như thường thấy. Ông Biden gần như né tránh mọi câu hỏi của báo đài, ngoại trừ một câu được nêu ra hôm 19-10: "Món sữa lắc của ông có hương vị như thế nào?".
"Quả là câu hỏi của tuần luôn. Biden, đừng có nói là ông trốn gần như cả tuần nay để nói rằng chỉ sẵn lòng trả lời các câu hỏi liên quan tới sữa lắc nhé" - tờ New York Times, vốn có thiên hướng ủng hộ Đảng Dân chủ, cảm thán.
Ông Biden dường như đánh cược vào màn tranh luận với Trump, với hi vọng nó sẽ dập tắt tất cả những bê bối. Chiến dịch của Biden cũng chi nhiều tiền hơn cho quảng cáo và đã vượt mặt đối thủ Trump.
Tuy nhiên, nếu Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra liên bang (FBI) chính thức khởi động một cuộc điều tra nhắm vào cha con Biden, mọi nỗ lực chuẩn bị của ông có thể sẽ thành công cốc.
Nga lại thành bia chắn đạn
Truyền thông chống Trump đã nỗ lực bảo vệ ông Biden bằng cách phớt lờ các tin tức liên quan bê bối email hoặc công kích cá nhân người đã làm xì ra vụ này: cựu thị trưởng New York, đồng thời là luật sư riêng của Trump - ông Rudy Giuliani.
Tờ Washington Post và Đài CNN dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Giuliani đã gặp một loạt điệp viên Nga khi ở Matxcơva, ám chỉ ổ cứng có chứa email được cho là của Hunter Biden là do Nga cung cấp.
Ổ cứng này được sao chép từ một chiếc laptop được cho là của Hunter. Các nỗ lực này công kích Giuliani chỉ hướng tới một vấn đề đã đeo bám suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump: Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Các nghị sĩ Dân chủ đã hưởng ứng cách xử lý của truyền thông và phụ họa theo. Điển hình như Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff - người đã tuyên bố bê bối email lần này là một nỗ lực của Nga hòng tạo lợi thế cho ông Trump bằng cách gây bất lợi cho ông Biden.
Thế nhưng, theo Đài Fox thân Trump, các quan chức FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã nhất trí với nhận định của giám đốc Tình báo quốc gia John Ratcliffe rằng bê bối email lần này không phải là một phần trong chiến dịch tung tin sai lệch của Nga nhắm vào ông Biden.
Cũng theo Fox News, chiếc máy tính xách tay được cho là của Hunter Biden hiện đã được giao cho FBI. Hai quan chức cấp cao trong chính quyền tiết lộ bên trong laptop có chứa các email hé lộ chuyện làm ăn của quý tử nhà Biden, bao gồm cả các liên hệ ở Ukraine và Trung Quốc.
Trong khi chờ FBI chính thức xác nhận có đang điều tra chiếc laptop hay không, một số nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu xác minh tính xác thực của các email liên quan Hunter. Thượng nghị sĩ Ron Johnson, chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Thượng viện Mỹ, cũng đã đề nghị Cơ quan mật vụ Mỹ phối hợp kiểm tra lịch trình đi lại của Hunter.
Một email được cho là của luật sư của Hunter cũng được tung lên mạng với nội dung đề nghị chủ cửa hàng sửa chữa laptop trả lại nó một cách nguyên vẹn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nếu đó không phải là laptop của Hunter Biden, việc gì phải đi đòi lại?
Giuliani, trong lúc đó, vẫn hé lộ từng chút nội dung chiếc laptop như đang dành phần chấn động nhất đến sát ngày bầu cử. Liệu bê bối email của nhà Biden là bất ngờ tháng 10, giúp thay đổi cục diện đường đua theo hướng có lợi cho ông Trump?
Báo Mỹ yêu cầu ông Biden giải trình
Sau nhiều ngày im lặng, Wall Street Journal (WSJ), một trong những tờ báo lớn của Mỹ, đã đăng một bài xã luận với giọng điệu mạnh mẽ yêu cầu ông Joe Biden phải lên tiếng giải thích các nghi ngờ, đặc biệt là chuyện chia phần làm ăn ở Trung Quốc liên quan Công ty CEFC China Energy.
Hiện tập đoàn này đã tuyên bố phá sản, nhưng một chuỗi email vào tháng 5-2017 đã bàn bạc việc chia phần cho 6 người, trong đó "20 cho H" và "10 do H nắm giữ giùm ông lớn". H ở đây được cho là Hunter Biden.
"Joe Biden phải nên làm rõ việc kinh doanh ở Trung Quốc này vì lợi ích chính trị của chính mình. Ông có phải là "ông lớn" trong email không?" - WSJ nêu.
TTO - Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử cho ông Joe Biden tại sự kiện được tổ chức ở bang chiến trường quan trọng: Pennsylvania.
Xem thêm: mth.33173709022010202-01-gnaht-ogn-tab-al-nedib-ahn-liame-iob-eb/nv.ertiout