GIẢM 50% VỐN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở và giao dịch trên thị trường phái sinh đều có tăng trưởng hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng của thị trường là việc huy động vốn sụt giảm và gặp những khó khăn như số lượng vốn huy động thực sự chỉ đạt 51% so với năm ngoái. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng vốn. Tuy số trên không đáng kể so với tổng lượng vốn toàn thị trường, nhưng phần vốn dài hạn bị ảnh hưởng.
Việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế cũng đã giảm đáng kể do dịch bệnh. Các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam trực tiếp để làm nghiên cứu trước đầu tư. Điều này làm lỡ nhiều dịp phát hành cổ phiếu lớn. Mức độ rủi ro trên thị trường cao gây ảnh hưởng đến định giá chứng khoán.
Vốn cho thị trường chứng khoán thể hiện một phần sức khoẻ của nền kinh tế và cũng tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác. Tại tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”, nhiều kỳ vọng tích cực đã được đưa ra.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (UBCKNN) cho rằng, hiện tại trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn và chưa xác định được thời điểm kết thúc. Do đó, thị trường chứng khoán cũng như các thị trường khác nên ở trạng thái “bình thường mới” cho giai đoạn này. Hiểu rằng, chuyển từ giai đoạn cân bằng này sang giai đoạn cân bằng khác.
Hiện tại, tỷ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, một điểm tích cực nữa là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI. Và so với các nước trong khu vực VN-Index đang đạt chỉ số tốt, tổng vốn hoá cao.
KỲ VỌNG XUẤT HIỆN DÒNG TIỀN MỚI
Theo TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP Chứng khoán VPS, tài khoản chứng khoán nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II đến nay đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn.
Với triển vọng kinh tế tốt, cùng với lãi suất ngân hàng thấp, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển dòng tiền vào thị trường chứng khoán, thay vì lĩnh vực khác. Do đó, số tài khoản mới mở trong thời gian tới dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa.
Như vậy, dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E khoảng 16. Hiện nay, dòng tiền luân chuyển dồi dào khá tốt qua các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...) nhóm thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...
Ông Khánh cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Thị trường sẽ sớm quay lại mốc 990 - 1.000 điểm trong cuối năm 2020.
DÒNG VỐN NGOẠI ĐANG CHỜ ĐƯỢC ĐẨY VÀO
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Toshifumi Sugimoto, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Capital Asset Mangement (CAM) cho biết, quỹ này đang nóng lòng chờ thị trường Việt Nam triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới, cũng như xây dựng cơ chế mới thuận lợi hơn để tăng lượng vốn giải ngân. Hiện, quỹ này đang sở hữu danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 300 triệu USD
Hàng ngày, CAM và nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài khác đều dõi theo các động thái chính sách của Việt Nam liên quan đến hành lang pháp lý mới cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài như: Giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày (T+0), bán chứng khoán chờ về, không bắt buộc nhà đầu tư phải có 100% tiền, chứng khoán trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua - bán, lộ trình triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)…
Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho rằng, về pháp lý cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về, thị trường sẽ được đầu tư gói thầu công nghệ. Theo đó, gói này dự kiến vận hành vào 2021, trên nền tảng pháp lý là các văn bản, nghị định, quy trình cùng hệ thống công nghệ sẵn sàng để có thể triển khai được.
"Uỷ ban Chứng khoán cũng đang cố gắng tác động nhà thầu để thử nghiệm với các thành viên thị trường. Còn việc bán khống và các nội dung khác, khi có hệ thống công nghệ mới thì sẽ dần triển khai vào năm tiếp theo", ông Sơn chia sẻ.
THỊ TRƯỜNG SỚM HỒI SỨC THEO HƯỚNG ĐIỀU HÀNH BỀN VỮNG
Năm 2020 là một năm đầy biến động, trong đó, dịch bệnh là yếu tố lớn nhất tác động đến sức khoẻ của thị trường. Trong năm, có thời điểm VN-Index giảm 33% tại quý I/2020. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phục hồi tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường gần như đã "lấy lại những gì đã mất" từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP. Sự phục hồi thể hiện cả về chỉ số, quy mô và nội lực. Diễn biến của dòng vốn ngoại vẫn đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng điểm mới của thị trường năm nay là xuất hiện nhiều khác biệt và ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại và thị trường thế giới.
Quan điểm chung của cơ quan quản lý là tôn trọng lối vận hành tự nhiên của thị trường chứng khoán, điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững và hạn chế can thiệp “thô bạo” vào thị trường. Và quan điểm này được sự đồng tình của nhiều thành viên.
Đặc biệt, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2020 và được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 Thông tư đang được xây dựng được kỳ vọng sẽ là cơ sở để hoàn thiện cơ sở pháp lý, giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.
Xem thêm: lmth.8149274523061-gnov-yk-cog-gnuhn-av-naohk-gnuhc-gnourt-iht-nov/nv.semitaer