vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Á đối diện với tình trạng dân số già nghiêm trọng hơn

2020-10-22 11:25

Châu Á đối diện với tình trạng dân số già nghiêm trọng hơn

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Dịch Covid-19 đang khiến các nền kinh tế có dân số già ở châu Á vốn đã suy giảm dân số, nay càng trầm trọng hơn. Điều này khiến chính phủ các nước cố gắng tìm mọi cách để thúc đẩy công dân của mình kết hôn và sinh con. Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc bắt đầu thay đổi quan điểm để giải quyết vấn nạn này, bởi tình hình dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế góp phần giết chết sự lãng mạn lứa đôi.

Singapore cho phép tổ chức tiệc cưới giữa mùa dịch

Bắt đầu từ tháng 10, Chính phủ Singapore tài trợ cho mỗi trẻ mới sinh 3.000 đô la Singapore, tức 2.200 đô la Mỹ, trong vòng hai năm cho đến hết tháng 9-2022. Trong khi phạt nặng nề những nhà hàng, quán ăn hay bar vi phạm cho sáu người ngồi cùng một bàn, Chính phủ lại nhẹ tay với các đám cưới khi cho phép tối đa đến 100 người tham dự.

“Nhiều cặp đôi đã nói rằng họ sẽ dời kế hoạch sinh con để giải quyết chuyện ổn định tài chính và triển vọng việc làm”, Văn phòng Thủ tướng Singapore viết trong thông cáo. 3 trong 10 người tham gia một khảo sát ở Singapore nói rằng sẽ hoãn đám cưới hay có con bởi vì ảnh hưởng của dịch Covid. Đảo quốc sư tử là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế sẽ giảm 5-7% trong năm nay.

Một lớp mẫu giáo ở Singapore mùa Covid. Dịch bệnh khiến các cặp đôi châu Á phải nghĩ kỹ đến chuyện kết hôn và sinh con. - Ảnh: Reuters

“Ở một nơi có chi phí sinh hoạt cao như Singapore, số tiền 3.000 đô la Singapore không quá lớn nếu tính đến các chi phí trong năm đầu mang thai. Số tiền này khó ảnh hưởng đến quyết định nên có con lúc này hay không. Nhưng về mặt nào đó, lại ảnh hưởng đến những cặp đôi đã quyết định sinh con và muốn có con nhưng chưa quyết định thời điểm”, giáo sư trợ giảng Tan Poh Lin từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giải thích. Bà cũng cho rằng hai nhóm có thể bị ảnh hưởng là những cặp đôi đang trì hoãn kế hoạch sinh con do lo lắng về tiền bạc, và nhóm lớn tuổi hơn đang gặp áp lực về tuổi tác ít thuận lợi hơn khi có con.

Với 39.000 trẻ sinh trong năm ngoái, Singapore là một trong những nền kinh tế chính ở châu Á có sinh suất thấp nhất.

Các cặp đôi châu Á trì hoãn cưới và sinh con

Với 28% dân số có tuổi từ 65 trở lên, Nhật Bản vẫn có tỷ suất sinh sản 1,42 trong năm 2018 - sau nhiều năm vẫn xoay quanh con số này. Nhưng mức suy giảm số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nghĩa số trẻ em sinh ra sẽ giảm nhanh. Năm 2019, Nhật Bản có 865.000 trẻ sinh ra, giảm 6% so với năm trước đó.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 sẽ làm số trẻ sinh ra giảm hơn nữa. Nhưng tình hình ở Hàn Quốc còn tệ hơn khi số trẻ sinh ra giảm một nửa trong hai năm qua.

Tại Hàn Quốc, số trường hợp kết hôn giảm 9,3% trong bảy tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cơ quan thống kê Hàn Quốc. Bộ trưởng Lao động và an sinh Hồng Kông Law Chi-kwong viết trên blog cá nhân vào tháng 7 rằng dịch bệnh đã “làm giảm nghiêm trọng số ca đăng ký kết hôn ở Hồng Kông và hệ quả là giảm hơn nữa sinh suất trong năm 2021”.

Tốc độ lão hóa dân số ở các nền kinh tế trên đang là chuyện đau đầu, tạo thêm gánh nặng cho lực lượng lao động và tài chính công. Vì thế, Singapore không phải là trường hợp duy nhất khuyến khích kết hôn và sinh con.

Bài toán “khuyến khích sinh con”

Số trẻ sinh ra ở các nền kinh tế chính của châu Á – Nguồn: CEIC

Nhật Bản đang xem xét tăng trợ cấp cho các cặp mới cưới trong năm tới. Hiện một số cặp mới cưới trong các khu vực đặc biệt có thể nhận hỗ trợ đến 300.000 yen, tức 2.800 đô la Mỹ, cho chi phí dọn nhà và thuê nhà. Chính phủ đang cân nhắc tăng gấp đôi ngân sách cho kế hoạch này trong năm tài khóa tới bắt đầu từ tháng 4 – Tetsushi Sakamoto, Bộ trưởng chuyên trách về các vấn đề công dân, thông báo hồi tháng rồi. Mỗi cặp đôi có thể nhận đến 600.000 yen trong năm tới.

Chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ tăng số tuần nghỉ thai sản từ 10 lên 14 tuần từ ngày 11-12 sắp tới. Kế hoạch này đã chuẩn bị sẵn từ trước dịch.

Phó thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki hồi tháng 8 cũng công bố kế hoạch khung nhằm đối với “suy giảm dân số nghiêm trọng” ở quốc gia này. Theo kế hoạch, chính phủ khuyến khích các công ty xây dựng “môi trường làm việc thân thiện với gia đình” dành cho các bà mẹ và ưu tiên nhận trở lại những phụ nữ tạm dừng công việc để chăm sóc con cái.

Chính phủ các nước châu Á đã chật vật để đối phó đà giảm dân số trong nhiều năm qua, nhưng giải bài toán này hoàn toàn không dễ dàng.

Dịch bệnh không còn bùng phát như trước, cho phép các nước tái khởi động nền kinh tế. Nhưng cần phải một thời gian nữa mọi việc mới quay lại như trước đây và nguy cơ các đợt lây nhiễm mới vẫn tồn tại. Các đợt bùng phát mới có thể dẫn đến nguy cơ có nhiều cặp đôi hơn trì hoãn việc sinh con. Điều này đòi hỏi chính phủ cùng cơ quan sử dụng lao động và cộng đồng hỗ trợ hơn nữa.

Giáo sư trợ giảng Tan đã chỉ ra tầm quan trọng của việc khuyến khích sinh con sớm. “Các nghiên cứu chỉ ra rằng cả nữ giới và nam giới có khuynh hướng không xem trọng ảnh hưởng của tuổi tác đến việc sinh con. Họ cũng quá đặt nặng sự hỗ trợ của công nghệ trợ sản hiện đại. Vì thế, giải thích rõ các quan điểm sai lầm đang phổ biến, giúp các gia đình có đầy đủ thông tin khi quyết định sinh con cần là chính sách ưu tiên. Chi phí không quá lớn, nhưng thật sự hiệu quả”, bà nói với Nikkei Asia.

Xem thêm: lmth.-noh-gnort-meihgn-aig-os-nad-gnart-hnit-iov-neid-iod-a-uahc/747903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Á đối diện với tình trạng dân số già nghiêm trọng hơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools