Khi mới tuyên bố độc lập, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Họ phải phụ thuộc vào các gói cứu trợ của quốc tế để nuôi sống người dân. Thế nhưng trong khoảng 1968-2018, Hàn Quốc đã vươn mình tăng trưởng bình quân 7%/năm. Tổng GDP của nền kinh tế này từ mức 3,95 tỷ USD năm 1960 tăng mạnh lên 1.642 tỷ USD năm 2019.
Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những nước giàu trên thế giới và họ cung cấp rất nhiều chương trình cứu trợ trị giá hàng chục triệu USD cho những quốc gia nghèo đói trên thế giới.
Vậy làm sao từ một nước nghèo, Hàn Quốc có thể vươn mình nhanh chóng đến như vậy?
Vươn lên từ đống tro tàn
Năm 1910, Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên và kiểm soát chúng cho đến năm 1945 sau khi đầu hàng quân đồng minh trong Thế chiến II. Trong những năm sau đó, bán đảo Triều Tiên tiếp tục bị chiến tranh tàn phá trong cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc.
Trong thời kỳ này, dù Hàn Quốc được thành lập nhưng nền kinh tế vẫn chịu nhiều tổn thất trong thập niên 1950 do chiến tranh với Bắc Triều Tiên. Tại thời điểm này, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới và chẳng một ai tin rằng nền kinh tế này có thể vực dậy nhanh chóng sau chiến tranh.
Thập niên 1960, Tổng thống Park Chung Hee lên nắm quyền. Nền kinh tế Hàn Quốc lúc này vẫn phải dựa vào viện trợ là chính và chính quyền Seoul muốn thay đổi điều đó. Giấc mơ tự lập tự cường, tự do hóa nền kinh tế và phát triển đất nước đã buộc những nhà hoạch định chính sách phải tìm kiếm con đường làm giàu cho nhân dân.
Tỷ lệ học cấp 2 và cấp 3 tại Hàn Quốc
Vốn không giàu tài nguyên thiên nhiên nên chính phủ Hàn Quốc quyết định tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng sản xuất. Để làm được điều đó, Hàn Quốc phải cải thiện rất nhiều thứ, từ giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng cho đến tìm nguồn vốn.
Về nhân lực, Hàn Quốc đã bắt đầu tăng cường phát triển giáo dục ở tất cả các cấp. Nhiều trung tâm dạy nghề và các khóa đào tạo được xây dựng nhằm khuyến khích giáo dục trong xã hội. Những nguồn tiền tài trợ, viện trợ cũng được đổ vào giáo dục. Suy cho cùng, nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất mà Hàn Quốc có cho đến thời điểm đó.
Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa nền kinh tế lần thứ nhất trong 5 năm kể từ năm 1962. Ban đầu họ chú trọng đến phát triển cơ sở khoa học kỹ thuật, chú trọng vào giáo dục và nhân lực rồi mở rộng dần ra các mảng sản xuất công nghệ cao cần nhiều lao động như sản xuất hay may mặc.
Dần dần, sự vững mạnh về nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng giúp Hàn Quốc vươn dần lên trong công nghiệp và bắt đầu phát triển những mảng nặng ký hơn như hóa chất, điện tử…
Trong quá trình này, chính phủ Hàn Quốc vô cùng chú trọng đến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Năm 1965, Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản và bắt đầu nhận các khoản đầu tư từ thị trường này. Theo nhiều ước tính, Hàn Quốc đã nhận khoảng 800 triệu USD tiền vay vốn ưu đãi từ Nhật Bản cũng như thu hút nhiều chuyên gia và đặt mua các công nghệ từ thị trường này dùng cho phát triển đất nước.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Hàn Quốc
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhận nhiều viện trợ từ Mỹ. Hàng rào thuế quan đến thị trường Mỹ với Hàn Quốc khá thấp nên nền kinh tế này đã tận dụng để xuất khẩu các mặt hàng của mình và dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào viện trợ. Năm 1972, Hàn Quốc chính thức chuyển mình, tập trung phát triển công nghiệp hóa nặng và hóa chất sau khi đã có bước khởi đầu thành công với công nghiệp nhẹ.
Khác với nhiều nước nhận vốn vay ưu đãi vô tội vạ, đầu tư tràn lan hay hoang phí, Hàn Quốc có chiến lược rõ ràng và cực kỳ chú trọng vào nguồn lực con người. Chính điều này đã giúp họ tận dụng được những khoản vay ưu đãi một cách hiệu quả nhất.
Trong giai đoạn này, việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng kích thích chính phủ phát triển các mảng công nghiệp nặng, làm tiền đề xây dựng quân đội lớn mạnh hơn.
Để phát triển công nghiệp nặng và hóa chất, Hàn Quốc đã cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và giáo dục hướng đến những kỹ thuật khó, qua đó có thể sản xuất thép, máy móc, tàu hay ô tô. Thay vì để thị trường tự do điều tiết, chính phủ Hàn Quốc lúc này quyết định ngành kinh doanh nào sẽ được ưu tiên và tập đoàn nào sẽ được hỗ trợ để phát triển trong ngành đó.
Chính bước đi này của Hàn Quốc đã tạo nên những tập đoàn gia đình trị khổng lồ, hay còn gọi là Chaebol. Những Chaebol này đủ lớn để giúp thúc đẩy nền kinh tế cũng như cạnh tranh trên thế giới, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy trong xã hội.
Doanh thu của một số Chaebol tại Hàn Quốc năm 2019 (tỷ USD)
Việc hỗ trợ phát triển các tập đoàn lớn khiến họ trở thành những doanh nghiệp độc quyền trong một số ngành nhất định. Lợi nhuận từ những ngành chủ yếu này giúp họ có nguồn lực để mở rộng sang các ngành kinh doanh khác, qua đó thúc đẩy toàn diện nền kinh tế Hàn Quốc.
Gặp khó vì giàu
Sau khi nền kinh tế Hàn Quốc đã đủ vững mạnh, chính quyền Seoul bắt đầu nới lỏng kiểm soát và để thị trường tự do cạnh tranh. Tuy nhiên đến lúc này, những Chaebol đã chiếm thị phần quá lớn và ảnh hưởng quá nặng đến kinh tế, xã hội, văn hóa Hàn Quốc.
Theo thống kê, 10 tập đoàn Chaebol lớn nhất Hàn Quốc đóng góp tới 44% GDP của cả nước, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và startup khó lòng cạnh tranh.
Việc Chaebol chèn ép các doanh nghiệp nhỏ khiến nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường phát triển. Các startup không làm ăn được nên hạn chế thuê lao động trong khi các Chaebol đã đủ nhân lực và không cần thuê thêm lao động mới với lượng lớn. Mỗi khi tham chiến một ngành mới, các Chaebol này sẽ thu mua, sáp nhập các công ty có sẵn thay vì tuyển người mới.
Tỷ lệ sinh tại Hàn suy giảm
Hệ lụy là giới trẻ Hàn đang ngày càng khó kiếm việc làm hơn. Phần lớn những người muốn khởi nghiệp hay thoát kiếp làm công tại Hàn nhưng không có bệ đỡ đều phải tìm đến chuyện mở cửa hàng nhỏ bởi mở doanh nghiệp quá khó khăn trước sự cạnh tranh của các Chaebol.
Ngay cả như vậy, họ cũng chẳng đủ vốn và thường phải vay tiền từ nhiều nguồn, qua đó khiến tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn tăng phi mã. Nhiều người hiện phải sống trong vòng luẩn quẩn nợ nần.
Sự gắn kết chặt chẽ quá mức giữa nền kinh tế với các Chaebol này khiến Hàn Quốc bị phụ thuộc vào doanh số bán hàng của những ông lớn như Samsung, LG, Huyndai… Hệ quả là khi những công ty này giảm tốc tăng trưởng, nền kinh tế cả nước cũng u ám theo.
Không dừng lại ở đó, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và cơ hội khởi nghiệp làm giàu thấp khiến người Hàn ngày càng ngại kết hôn. Những bạn trẻ Hàn mong muốn đảm bảo tài chính trước rồi mới kết hôn, trong khi những người thành đạt lại phải làm việc cật lực đêm ngày mà chẳng có thời gian yêu đương.
Việc hạn chế kết hôn lẫn sinh con khiến cơ cấu dân số Hàn Quốc đang lão hóa nhanh chóng. Thậm chí theo một số ước tính, Hàn Quốc có thể đối mặt nguy cơ diệt chủng vào năm 2750 nếu đà suy giảm sinh sản này không được cải thiện.
Lại một lần nữa, Hàn Quốc phải đối mặt với các thách thức cả về kinh tế lẫn xã hội. Tuy nhiên lần này nó không đến từ chiến tranh hay khủng hoảng mà xuất phát từ chính sự giàu có, từ những Chaebol làm nên sự thịnh vượng cho Hàn Quốc.
AB
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp