Bộ đội Đoàn 337 giúp dân sản xuất miến dong thương phẩm - Ảnh: CÔNG SANG
Nhiều lần đi về với miền tây Quảng Trị, tôi vẫn ghé doanh trại của Đoàn 337 hay gặp những người lính Sư đoàn 337 năm nào đang tận tụy giúp người dân Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Hướng Hóa thay đổi tập quán sản xuất.
Rời tay súng thành cán bộ khuyến nông giúp dân
Cuộc sống thật bình yên khi nhìn thấy những người lính sát cánh cùng dân phát triển kinh tế. Nhưng sâu thẳm trong ký ức những cựu binh Sư đoàn 337, những anh linh đồng đội nằm lại chốn biên cương phía Bắc luôn thao thiết cõi lòng.
Không ai ngờ có một ngày như hôm nay, đồng đội các liệt sĩ trên mặt trận biên giới phía Bắc lại có thêm 22 người thành liệt sĩ giữa thời bình.
"Trước tình hình cách mạng mới, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, ngày 1-8-1998 Đảng ủy Quân sự trung ương ra nghị quyết 150 về việc quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng trên các địa bàn chiến lược.
Ngày 24-5-1999, theo quyết định số 739/QĐ-BQP của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở chuyển đổi nhiệm vụ Sư đoàn 337, Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 chính thức được thành lập.
Ngày 2-8-1999, đoàn rời Cẩm Xuyên hành quân vào Hướng Hóa, bước vào một thời kỳ mới với những nhiệm vụ hoàn toàn mới không chỉ đối với đoàn mà đối với cả toàn quân, toàn quốc.
Khu vực dự án kinh tế - quốc phòng là các xã rừng núi đặc biệt khó khăn. Nơi đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, cửa ngõ của tuyến huyết mạch Bắc - Nam, nối với hạ Lào. Địa hình chia cắt, núi non hiểm trở. Không điện, không mạng lưới thông tin liên lạc. Cả khu vực dự án trải rộng hơn 666,47km2 chỉ duy nhất tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh tây độc đạo, từ chiến tranh để lại hết sức hoang sơ. Cuộc sống của quân dân vùng dự án hết sức thiếu thốn, khó khăn".
Nhiệm vụ mới của một sư đoàn được ghi rõ trong mấy dòng chữ biên niên sử trên, nhưng những gì anh em cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 đã làm cho dân vùng trên tuyến biên giới Việt - Lào, miền tây Quảng Trị thì không chữ nghĩa nào diễn tả hết.
Vợ chồng kiến trúc sư Bùi Đức Huy có một cửa hàng nông sản sạch tại trung tâm thành phố Đông Hà. Khi nghe tin 22 người lính Đoàn 337 gặp nạn, Huy gọi điện cho tôi hỏi có cách gì vào thăm anh em không, giọng nghẹn ngào: "Toàn là anh em thân thiết cả anh ơi, anh nhớ "miến dong 337" ở cửa hàng em không? Nhờ anh em 337 cả đó".
"Miến dong 337" là cách mọi người gọi loại miến được anh em cán bộ Đoàn 337 hướng dẫn, bày cách thu hoạch, chế biến cho bà con đồng bào Vân Kiều. Không chỉ trấn giữ địa bàn trọng yếu chiến lược, những đơn vị của Đoàn 337 được chia về bám địa bàn, bám dân, vừa thế trận quốc phòng vừa thế trận kinh tế.
Người lính của Sư đoàn 337 năm xưa quen với súng ống, nay lại cầm cây cuốc, cây rựa về với dân. Đọc sách dạy về trồng trọt, chăn nuôi, được huấn luyện về nông vụ, thời tiết, rồi họ thành cán bộ khuyến nông trong màu áo lính. Câu chuyện "miến dong 337" là một hiện thực sinh động như thế.
Từ chỗ du canh du cư, nhận thấy đất đai khu vực các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh (năm xã thuộc địa bàn đoàn) phù hợp có thể phát triển nông sản thành hàng hóa, cán bộ Đoàn 337 bày cho dân trồng cây dong riềng, hỗ trợ dân sản xuất miến khô và tìm đầu ra tiêu thụ cho dân.
Nhiều hộ dân thoát nghèo từ sản phẩm miến dong riềng và sản phẩm này được gọi là "miến dong 337", mặc định như một nhãn hiệu thương phẩm đặc biệt. Chị Hồ Thị Xuân ở bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là hộ nghèo, được cán bộ địa bàn hỗ trợ cho mượn đất để trồng cây dong riềng, lấy củ bán cho cơ sở chế biến và sau mấy mùa dong riềng đã thoát nghèo.
Không chỉ mô hình biến cây dong riềng thành hàng hóa hay giúp dân biết cách chăm sóc cây cà phê, nhiều tập quán lạc hậu bao đời cũng được thay đổi từ công lao người lính Đoàn 337.
Chị Hồ Thị Vân ở thôn Mới, xã Hướng Sơn lâu nay chỉ nuôi lợn thả rông, lính Đoàn 337 lại giúp chị làm chuồng trại, cho lợn giống để phát triển chăn nuôi. Có hàng chục mô hình phát triển kinh tế như thế để giúp dân trên vùng bắc Hướng Hóa của anh em cán bộ chiến sĩ Đoàn 337.
Có nhiều ngôi làng trên dãy Trường Sơn này cũng được mang phiên hiệu "337" của đoàn. Hôm chúng tôi tổ chức chương trình Cây mùa xuân cho học sinh Trường tiểu học & THCS Hướng Linh (Hướng Hóa), gặp một bản làng khá văn minh, bao quanh bản là những vườn cà phê tươi tốt, khu thôn Mới đó được bà con gọi trìu mến là "làng 337" bởi để nên hình hài đó, rất nhiều mồ hôi lính Đoàn 337 đã đổ xuống cùng dân.
Cán bộ Đoàn 337 trao dê giống cho nhân dân các xã bắc Hướng Hóa - Ảnh: CÔNG SANG
Nhớ thương trên đỉnh Sa Mù
Thời gian gần đây, một khu vực được mệnh danh là "Đà Lạt của Quảng Trị" với những trái cây, những loài hoa vốn xưa nay chỉ trồng ở châu Âu. Đó là Trạm ứng dụng khoa học công nghệ Sa Mù của Trung tâm khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học & công nghệ tỉnh Quảng Trị. Anh Đào Ngọc Hoàng, giám đốc trung tâm, nói với tôi: Những ngày đầu "dựng nghiệp" trên đỉnh Sa Mù mà không có sự giúp đỡ của anh em Đoàn 337 thì chưa chắc chúng tôi đã có được kết quả như ngày nay.
Giờ đây, trạm khoa học công nghệ trên đèo Sa Mù này có những ngày nườm nượp người và xe đến tham quan, ăn những quả dâu tây giống từ New Zealand, giống từ Nhật, chiêm ngắm những vườn hoa tulip như đang ở Hà Lan, những nhà kính với hàng vạn giò phong lan quý hiếm, những cây dược liệu đặc hữu được cấy phôi và nhân giống...
Một thành quả rất đáng kể của "miền ôn đới giữa xứ nóng gió Lào". Và như giám đốc Đào Ngọc Hoàng thừa nhận, nếu không có những người lính Đoàn 337 đứng chân sẵn ở đây, chưa chắc có thể gây dựng được cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật như hôm nay.
Giữa mênh mông rừng núi quanh năm sương mù, đỉnh đèo luôn lạnh như... châu Âu, những cán bộ khoa học kỹ thuật từ 5 năm trước bắt đầu đưa lên đây thí nghiệm các cây trái đặc thù để hình thành cơ sở sản xuất hoa và một số loài cây ăn quả.
Và chính trung đoàn 52 của Đoàn 337 đã hỗ trợ cơ sở vật chất lẫn phụ giúp họ trong quá trình canh tác thí nghiệm. Trung đoàn trưởng trung đoàn 52, thượng tá Hồng Đình Tân, người tận tụy giúp trạm Sa Mù những ngày đầu "khởi nghiệp" ấy, nay chính là vị đại tá - đoàn trưởng Đoàn 337. Những ân tình sâu nặng ấy nên khi nghe tin về sự hi sinh của những người lính Đoàn 337, cả một vùng bắc Hướng Hóa chìm trong thương xót.
Sáu năm trước, khi lên công tác ở Lạng Sơn, tìm về miền chiến địa anh hùng của anh em lính Sư đoàn 337, cúi mình trước nhà bia tưởng niệm trên đồi Pa Pách hay thắp nén nhang bạt gió nơi chân cầu Khánh Khê, làm sao tôi có thể hình dung có một ngày như hôm nay: 22 người lính của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 hôm nay, của Sư đoàn 337 năm xưa, đang lặng im nằm đó, trong tận cùng đau đớn của người thân, của đồng đội, của nhân dân…
Giúp dân dựng xây nông thôn mới
Thôn Tri của xã Hướng Lập - nơi xa nhất về phía bắc của huyện Hướng Hóa, giáp địa giới tỉnh Quảng Bình - trước đây vốn nằm ở địa bàn cũ, tuy trên núi nhưng lại thường xuyên bị ngập lụt. Được cán bộ Đoàn 337 phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ dời đến nơi định cư mới, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng, nay đang là "nông thôn mới" điển hình giữa đại ngàn.
Những người đầu tiên đến với dân
Cán bộ Đoàn 337 dạy học cho các em bé Vân Kiều được đoàn đỡ đầu - Ảnh: QUANG HIỆP
Đang là những ngày mưa lũ, sạt đường, ngập núi. Cũng chính họ, những người lính Đoàn 337 giúp san gạt đất đá, thông đường cùng lực lượng giao thông. Có nơi nào ngập sâu, họ lại là những người đầu tiên đến cùng dân bản. Nhiều đứa trẻ mồ côi ở các xã được Đoàn 337 nhận làm con nuôi, nhiều em được ăn ở tại doanh trại.
TTO CẬP NHẬT - Sáng nay, 22-10, tại Nhà thi đấu tỉnh Quảng Trị diễn ra lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh. Lễ viếng từ 7h đến 10h, lễ truy điệu và di quan từ 10h đến 11h cùng ngày.
Xem thêm: mth.66491640122010202-nos-gnourt-gnur-iun-auig-iom-yagn-gnud-733-gnohp-couq-et-hnik-naod/nv.ertiout