Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 22-10 dẫn một bản dự thảo đề xuất cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Liên minh châu Âu (EU) muốn cơ quan Liên Hiệp Quốc này trở nên minh bạch hơn trong chuyện cách thức các nước báo cáo những cuộc khủng hoảng y tế mới xuất hiện. Trước đó đã có những chỉ trích về cách Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu.
Bản đề xuất trên do chính phủ Đức soạn thảo sau các cuộc thảo luận với các nước thành viên EU khác. Đây là đề xuất mới nhất vạch ra những kế hoạch kéo dài nhiều tháng của EU để giải quyết những khuyết điểm của WHO về vấn đề tài trợ, quản trị và quyền lực pháp lý.
Tài liệu này đề ngày 19-10 và Hãng tin Reuters đã thấy được các nội dung trong đó. Bản đề xuất thúc giục WHO thực hiện các biện pháp giúp tăng cường "tính minh bạch về sự tuân thủ của các nước" với những quy định y tế quốc tế. Điều này đòi hỏi các nước thành viên WHO nhanh chóng chia sẻ thông tin về các tình trạng y tế khẩn cấp.
Đề xuất cũng kêu gọi cần có "một hệ thống trình báo được áp dụng nhất quán và hiệu quả hơn". Điều này dường như nhằm giải quyết các chỉ trích cho rằng Trung Quốc và những nước khác đã không chia sẻ thông tin về đại dịch COVID-19 đúng lúc.
Trước đó, Trung Quốc bị cáo buộc đã chậm chạp trong việc chia sẻ các thông tin cần thiết về COVID-19 khi đại dịch này khởi phát ở thành phố Vũ Hán. Đại dịch COVID-19 hiện lan ra khắp toàn cầu, với hơn 41 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu ca tử vong tính đến ngày 22-10.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc WHO quản lý kém và che đậy sự lây lan của COVID-19, tuyên bố rút khỏi WHO và ngừng tài trợ cho tổ chức này. Khi thông báo rút khỏi WHO, Tổng thống Trump nói rằng ông hành động như vậy "vì họ đã không thực hiện cải cách như đã được yêu cầu và cực kỳ cần thiết".
WHO liên tục bác bỏ các cáo buộc. Theo Hãng tin Reuters, khi được yêu cầu bình luận về đề xuất trên của EU, WHO vẫn chưa phản hồi. Chính phủ Đức cũng từ chối bình luận về nội dung đề xuất vì hiện chỉ là bản dự thảo.
EU và các nước thành viên của họ nằm trong số những bên đóng góp lớn nhất của WHO. Họ sẽ trở thành những bên đóng góp hàng đầu nếu Mỹ chính thức rút khỏi cơ quan Liên Hiệp Quốc này.
Các bộ trưởng y tế EU sẽ thảo luận bản dự thảo trên trong một hội nghị qua video vào tuần tới. Họ muốn xem đây là lập trường chung của EU ngay trước một cuộc họp của WHO vào giữa tháng 11 tới.
EU vẫn ủng hộ WHO và nhấn mạnh vai trò trung tâm của cơ quan này trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu. Tuy nhiên, họ xem sự thiếu minh bạch là vấn đề đầu tiên trong số nhiều thách thức mà WHO đối diện.
TTO - Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phản đối đề xuất của một số người nên để cho COVID-19 lây lan với hi vọng có thể có được miễn dịch cộng đồng. Ông nhấn mạnh cái gọi là "chiến lược thực tế" thực chất là "phi đạo đức".
Xem thêm: mth.97761306122010202-hcid-iad-yl-ux-neyuhc-noh-hcab-hnim-noum-ue-ohw-ot-iac-taux-ed/nv.ertiout