vĐồng tin tức tài chính 365

Đơn hàng trở lại nhiều doanh nghiệp gỗ khó tuyển lao động

2020-10-22 17:15

Đơn hàng trở lại nhiều doanh nghiệp gỗ khó tuyển lao động

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Dù vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ đang cấp tập tuyển thêm nhân công để kịp sản xuất nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại.

Các doanh nghiệp đồ gỗ đang khó khăn trong khâu kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc, hoặc tuyển lao động mới. Ảnh minh họa: TL

Một số doanh nghiệp sản xuất và gia công đồ nội – ngoại thất xuất khẩu cho biết họ đang vất vả trong khâu tuyển dụng nhân công trở lại sau những tháng đầu dịch covid-19 xảy ra lan rộng khắp thế giới làm trì hoãn nhiều đơn hàng khiến họ phải sa thải hàng loạt người lao động trước đó.

Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) ở Bình Dương với phần lớn sản phẩm đồ gỗ làm ra xuất khẩu đi thị trường Mỹ đang gặp khó khăn về tuyển người lao động.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty, đến thời điểm này Mifaco đã có đơn hàng xuất khẩu để thực hiện đến hết năm nay. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay, theo ông Hiệp, là Mifaco gặp khó khăn trong việc tuyển nhân công làm việc để đáp ứng kịp đơn hàng quay trở lại nhiều trong lúc này.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết công ty đã có những đơn hàng để thực hiện đến tháng 6 năm tới.

Ông Sang chia sẻ những nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu, trong đó đáng chú ý là thị trường Thụy Điển đã tăng đơn hàng nhập khẩu khá lớn. Với thị trường Mỹ, các nhà nhập khẩu bán hàng qua hệ thống showroom, siêu thị việc đặt hàng vẫn còn thấp, nhưng theo ông Sang, những nhà bán lẻ qua kênh thương mại điện tử thì tăng cao đột biến lượng đơn hàng, mức tăng 50% so với mọi năm.

Ghi nhận thông tin trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ông Hiệp cho biết hầu hết các hội viên của BIFA cũng có đơn hàng nhiều trở lại chủ yếu là tăng cao ở thị trường Mỹ...

Có doanh nghiệp đơn hàng xuất khẩu thực hiện kéo dài đến tháng 3 năm tới hoặc xa hơn là giữa năm 2021 trong khi người lao động tạm nghỉ việc do không có đơn hàng bởi ảnh hưởng dịch ở thời điểm trước thì không quay trở lại khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.

“Ở trong giai đoạn dịch bùng phát của những tháng trước, cũng như nhiều doanh nghiệp đồ gỗ khác, hầu hết các đơn hàng đã ký trước đó của công ty chúng tôi đều bị các nhà nhập khẩu yêu cầu hoãn thực hiện hoặc hũy. Do quá khó khăn nên chúng tôi cũng đã cho một lượng người lao động nghỉ việc tạm thời chờ việc”, ông Hiệp chia sẻ, và ông cho biết thêm bây giờ có việc thì lượng nhân công này lai không quay trở lại công ty làm việc.

Theo ông Hiệp, hầu hết người lao động là ở các tỉnh xa đến làm việc nên khi họ trở về quê thì nay họ không chịu quay trở lại, hoặc có thể họ đã tìm được việc khác ở quê nhà.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cũng cho biết các hội viên của HAWA có đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại gần đây. Có những hội viên đơn hàng thực hiện kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 4 năm tới.

Cũng giống như Mifaco hoặc nhiều doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương, nhiều hội viên của HAWA cũng đang thiếu nhân công do người lao động về quê và bị ảnh hưởng bởi “sức hút” tuyển dụng nhiều của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực khác như điện tử.

Việc đầu tư công nghệ tự động được xem là một trong những giải pháp thay thế, giảm sử dụng nhiều lao động của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TL

Nhưng vì sao đơn hàng xuất khẩu quay trở lại và tăng cao trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn tiếp diễn? Về vấn đền này, được các doanh nghiệp gỗ lý giải rằng, do người dân hạn chế ra ngoài mua sắm, giải trí và dành nhiều thời gian ở nhà.

Khi phải ở nhà trong thời gian dài thì nhu cầu trang bị tiện nghi cho không gian sinh hoạt của gia đình tăng lên. Do đó, nhu cầu mua đồ gỗ nội và ngoại thất cho các gia đình ở các thị trường này gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây sau khi bị tắc vài tháng trước đó.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Phương, cho biết còn có lý do khác là có liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Theo ông Phương, Trung Quốc vốn là quốc gia chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng là nơi dịch Covid-19 khởi phát, lây lan rộng khiến cho hoạt động sản xuất đồ gỗ tại đây bị gián đoạn.

Tuy nhiên, đáng chú ý là hiện nay, Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao với mặt hàng này từ Trung Quốc khiến các nhà nhập khẩu của nước này chuyển đơn hàng qua thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam tuy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt thương mại nhưng lại không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy nào bị phong tỏa hay ngừng hoạt động trong thời gian qua. Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống mà một số quốc gia để lại.

Mặt khác, để đơn hàng xuất khẩu của sản phẩm đồ gỗ “lội ngược dòng” trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bên cạnh các lý do khách quan còn là những nỗ lực thích nghi, tìm hướng đi mới của các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.

Đó là nhanh chóng thay đổi chiến lược tiếp thị như đẩy mạnh đầu tư cho website, chạy quảng cáo trực tuyến, thay đổi sản phẩm phù hợp với xu thế,... để tiếp cận người mua hàng từ các kênh thương mại điện tử. Mặt khác, theo ông Phương, trong thời gian khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ không ngồi chờ khách hàng tìm đến, mà tự thân đi tìm thị trường,...

Quay trở lại việc doanh nghiệp khó khăn tuyển lao động, không chỉ ảnh hưởng dịch Covid-19 xuất hiện mà trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã xem lao động là thách thức lớn của ngành trong thời gian tới.

Bởi lẽ nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác do làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.

Mặt khác, theo giới phân tích hầu hết giá trị của ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la vào năm 2025, ngành không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất, khó mở rộng qui mô sản xuất và khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như cổ động, tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, giảm lệ thuộc lao động, chuyền hóa, tự động hóa, số hóa được nhà kinh doanh và giới phân tích cho là rất cần thiết và là giải pháp quan trọng.

Với những diễn biến về đơn hàng xuất khẩu quay trở lại và sự thích ứng nhanh của doanh nghiệp khiến giới phân tích tin tưởng rằng có thể “khôi phục” lại mục tiêu đem về 12,5 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu của ngành vốn đã dự báo “sụp đổ” trong thời gian dịch bệnh xảy ra khi hầu hết những thị trường chiến lược của ngành gỗ Việt Nam đều bị “đóng băng”.

 

Xem thêm: lmth.gnod-oal-neyut-ohk-og-peihgn-hnaod-ueihn-ial-ort-gnah-nod/477903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đơn hàng trở lại nhiều doanh nghiệp gỗ khó tuyển lao động”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools