Ngày 13/10, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) kết luận có bằng chứng về việc MSeafood Corporation (MSeafood) vi phạm luật thương mại của Mỹ. Công ty này sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. MSeafood là công ty con của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.
Thông tin trên được thông báo trên Shrimpalliance, website của Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc của Mỹ.
Thông tin trên Shrimpalliance.
CBP kết luận rằng dựa trên hồ sơ tố tụng hành chính, MSeafood nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh có xuất xứ từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ.
Theo thông tin từ Shrimpalliance, cuộc điều tra về MSeafood bắt đầu từ năm ngoái khi Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc - liên minh đại diện cho ngành tôm nội địa Mỹ gửi đơn cáo buộc MSeafood với nội dung trên tới CBP vào ngày 17/7/2019.
Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác từ năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, Bộ Thương mại Mỹ thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Nói cách khác, Minh Phú không cần nộp thuế chống bán phá giá với tôm xuất xứ Việt Nam nhưng tôm nguồn gốc Ấn Độ vẫn chịu thuế 10,17%.
Do đó, Minh Phú được cho là có động cơ để che giấu nguồn gốc thực sự của tôm xuất khẩu hoặc trộn lẫn tôm nguồn gốc Ấn Độ với tôm nguồn gốc Việt Nam để biến sản phẩm thành có nguồn gốc duy nhất là Việt Nam, tránh thuế chống bán phá giá, theo thông báo từ CBP.
Theo hồ sơ, tôm mà MSeafood xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 8/10/2018 đến ngày 13/10/2020 nằm trong đối tượng điều tra.
Trong điều tra của mình, CBP chỉ ra rằng, Minh Phú đã sử dụng tôm từ Ấn Độ để chế biến tôm đông lạnh trong các cơ sở của mình. Trước thông tin trên, Minh Phú cho biết tôm họ nhập từ Ấn Độ là để bán cho các thị trường khác, chứ không phải Mỹ.
CBP cũng cho rằng họ có những bằng chứng chỉ ra rằng tôm Việt Nam đã trộn lẫn tôm Ấn Độ. Hệ thống sản xuất của Minh Phú không cho phép truy vết được tôm Ấn Độ từ lúc họ mua về cho đến khi chế biến thành sản phẩm.
CBP còn nói thêm rằng những đặc điểm của quá trình chế biến của Minh Phú theo yêu cầu của Mỹ không thống nhất và ngược với những mô tả mà Minh Phú cung cấp cho Bộ Thương Mại Mỹ trong vấn đề liên quan đến chống phá giá tôm Việt Nam.
Ngày 13-10, CBP đã dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) công bố kết luận rằng: sản phẩm tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu vào thị trường Mỹ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ (khoảng 10%). Lý do, Minh Phú đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu của CBP để chứng minh được rằng công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ để xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, ngày 7/6/2019, trước khi cuộc điều tra bắt đầu (7/7/2019), ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - người thường được gọi là "vua tôm Việt" đã có buổi gặp gỡ báo chí, xác nhận có nhập khẩu nguyên liệu tôm từ Ấn Độ nhưng số lượng rất nhỏ, chiếm khoảng 10% đầu vào để phục vụ các thị trường ngoài Mỹ. Theo tập đoàn này, thị trường Mỹ chỉ chiếm 33% tổng lượng xuất khẩu của Minh Phú, còn lại là châu Âu và các nước lân cận.
Ngay sau thông báo của CBP, chiều 22-10, Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) đưa ra thông báo khẳng định đã hợp tác toàn diện với CBP trong cuộc điều tra và đã chứng minh rõ cách mà công ty xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để bảo đảm rằng chỉ có tôm Việt Nam mới được xuất sang Mỹ.
Theo thông cáo báo chí: Mặc dù Minh Phú đã chủ động hợp tác và có lời mời nhưng CBP đã không sang Việt Nam để thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Điều này dẫn đến việc nhận định chưa chính xác về hệ thống truy xuất tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu Việt Nam của Minh Phú.
Thay vào đó, CBP đã tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng của họ về phương pháp phân tách tôm, rồi quả quyết rằng Minh Phú đáng lý ra phải sử dụng công cụ này để truy xuất tôm nguyên liệu, đồng thời không chấp nhận phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc mà Minh Phú đã và đang sử dụng từ hơn 4 năm qua. Chính vì Minh Phú không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, nên CBP đã áp dụng những "dữ kiện bất lợi sẵn có" và kết luận rằng Minh Phú đã vi phạm đạo luật EAPA.
Minh Phú cho rằng yêu cầu của CBP không phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành tôm và Minh Phú biết rằng chưa doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy.
Trong khi đó, phương pháp phân tách và truy xuất nguồn gốc của Minh Phú đã được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP).
Do đó, doanh nghiệp này cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định này của CBP.
"Minh Phú tự tin sẽ giành lại ưu thế thuyết phục trong quá trình kháng cáo vì quyết định của CBP không dựa trên bất kỳ lập luận xác thực nào. Trong trường hợp việc kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế" – thông cáo của Minh Phú viết.