vĐồng tin tức tài chính 365

Chi không hết thì nên miễn thu

2020-10-22 23:05

Chi không hết thì nên miễn thu

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Báo cáo kiểm toán năm 2020 cho biết số dư quỹ công đoàn tại thời điểm cuối năm 2019 là hơn 28.950 tỉ đồng; số dư này tăng nhanh, trên 23% mỗi năm trong những năm gần đây. Báo cáo kiểm toán nhận định trong khi việc chi cho hoạt động công đoàn để lo cho đời sống người lao động rất hạn chế thì “Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại sử dụng quỹ công đoàn cho vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư không đúng quy định Luật Công đoàn” (Tuổi Trẻ, ngày 13-10).

Tám hiệp hội, ngành hàng đã đồng loạt kiến nghị Quốc hội nhân việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn nên điều chỉnh luật để mức đóng góp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương so với mức hiện nay là 2%. Ảnh minh họa: TTXVN

Rõ ràng việc dùng quỹ công đoàn để mua cổ phần hay góp vốn đầu tư là một mâu thuẫn lợi ích, vì một khi đã sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp thì công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động hay của người chủ sử dụng lao động?

Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tổng thu của công đoàn trong bảy năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỉ đồng trong khi tổng chi cùng thời kỳ tại các cấp công đoàn là 76.985 tỉ đồng. Thu nhiều mà chi không hết nên quỹ công đoàn có kết dư là điều đương nhiên; vấn đề nằm ở chỗ không thể sử dụng phần kết dư này để mua cổ phần hay góp vốn đầu tư được.

Trong khi đó, tám hiệp hội, ngành hàng đã đồng loạt kiến nghị Quốc hội nhân việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn nên điều chỉnh luật để mức đóng góp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương so với mức hiện nay là 2%. Các hiệp hội cho rằng doanh nghiệp đóng thuế tức đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay phải trích nộp kinh phí công đoàn là trùng lắp. Thật ra phần đóng góp của doanh nghiệp cho quỹ công đoàn cuối cùng cũng được doanh nghiệp chuyển vào giá thành sản phẩm hay dịch vụ, tức chuyển cho người tiêu dùng trong đó chủ yếu là người lao động gánh chịu.

Dù Quốc hội có quyết định như thế nào thì dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn phải đến đầu năm 2022 mới có hiệu lực thi hành. Đối chiếu những khó khăn hiện nay của đại đa số doanh nghiệp do dịch Covid-19, kéo theo là khó khăn của người lao động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề; đối chiếu với số dư của quỹ công đoàn chưa sử dụng hết, thiết nghĩ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nên đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn hẳn khoản nộp kinh phí công đoàn là 2% quỹ lương cho doanh nghiệp trong hai năm 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Sau đó mức đóng như thế nào sẽ được quyết định tại Luật Công đoàn mới. 

Hiện nay, trong tổng thu quỹ công đoàn, phần thu kinh phí công đoàn (doanh nghiệp đóng) chiếm 62,6%, phần thu đoàn phí công đoàn chiếm 25,1%, ngân sách nhà nước hỗ trợ và các khoản thu khác là 12,3%. Phần thu kinh phí công đoàn trong bảy năm qua là 62.829 tỉ đồng, bình quân mỗi năm là khoảng 9.000 tỉ đồng.

Nếu miễn hẳn khoản nộp kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp thì hai năm tới cũng chỉ vào khoảng hơn 20.000 tỉ đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với số kết dư của quỹ công đoàn hiện nay. Hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách này có nghĩa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gián tiếp hỗ trợ cho người lao động bởi doanh nghiệp có nhanh chóng phục hồi sau dịch Covid-19 thì mới duy trì được công ăn việc làm và mức thù lao như trước cho người lao động.   

Xem thêm: lmth.uht-neim-nen-iht-teh-gnohk-ihc/486903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chi không hết thì nên miễn thu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools