1.
“Đội cứu trợ Cụ Hồ phải không?”. Tôi đứng hình mấy giây rồi bất giác mỉm cười khi nghe một bác chủ quán cơm bụi ở TP Huế gọi đoàn chúng tôi và các đoàn đi cứu trợ khác như vậy. Chỉ vài con chữ mộc mạc mà sao thương quá chừng.
Hôm ấy là trưa 18-10, chúng tôi vừa trở về TP Huế sau khi chuyển 200 suất quà của bạn đọc tới bà con xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế.
Địa phương này là một trong những rốn lũ ở Huế. Nước lũ dâng cao khiến hai thôn Đông Xuyên và An Xuân bị cô lập hơn 10 ngày.
Chị Hương (một người dân xã Quảng An) vừa khóc vừa nói trong nước mắt khi kể về nỗi cơ cực của bà con trong làng những ngày qua. Chị bảo bốn đợt lũ liên tiếp vắt kiệt sức lực của người lao động nghèo. Thanh niên, đàn ông hai thôn này chủ yếu đi làm xa, không kịp về. Ở nhà chỉ còn người già, em nhỏ và phụ nữ.
Mấy ngày đỉnh lũ, nước dâng gần chạm mái nhà. Họ chỉ kịp hò nhau leo lên gác nhìn thóc, gạo, vịt, gà, trâu, bò chìm trong dòng nước lũ đục ngầu. Tiếc của nhưng bà con tự động viên nhau còn người còn của.
Cực nhất là nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ. Mất điện, toàn bộ máy xay xát của xã bị tê liệt, không xay được lúa để lấy gạo ăn. Mấy ngày đầu bà con ráng cầm cự chờ tiếp tế. Về sau phải chia nhau từng gói mì tôm, từng lon gạo vì địa bàn bị chia cắt, nơi khác không thể tiếp cận.
“Cảm giác lúc đó thật sự bất lực! Tôi sống cùng gia đình chồng trên huyện nhưng nghe ba mẹ tôi nói tình hình trong đó thì như lửa đốt. Có lúc bí quá, tụi tôi ký nợ mấy quán tạp hóa ngoài này để có mì tôm, sữa, bánh mì, sau đó vượt lũ mang vào cho bà con. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, phía trước còn nhiều gian nan lắm chị ơi…” - giọng chị Hương lạc đi vì xúc động.
Một cụ già bật khóc trong lúc chờ nhận hàng hỗ trợ của bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TÂM AN
2.
Chúng tôi dự định chuyển 200 suất quà của bạn đọc đến người dân Quảng An vào chiều 17-10. Tuy nhiên, kế hoạch phá sản do đường về hai thôn Đông Xuyên và An Xuân bị nước lũ chia cắt. Sau khi hội ý, chúng tôi quyết định chuyển số quà này sang xã Phong Thu, huyện Phong Điền và quay lại Quảng An vào hôm sau.
Càng về chiều trời càng mưa to, nước tạt vào mặt ran rát. Nhiều người trong đoàn nghe lòng nặng trĩu vì chưa thể đến với bà con nơi đây.
Chúng tôi quyết tâm trở lại Quảng An vào sáng hôm sau. Thế nhưng gian nan vẫn chưa dừng lại. Còn khoảng 4-5 km nữa mới đến thôn An Xuân thì đoàn phải dừng lại vì địa hình không thể đi tiếp.
Không còn cách nào khác, đoàn phải nhờ hai trưởng thôn huy động phương tiện ra chở hàng về cho dân. Đến gần 11 giờ thì việc chuyển hàng sang ghe của bà con hoàn thành.
“Xin cho tôi gửi lời biết ơn đến bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Nếu có dịp vào đó, nhất định tôi sẽ đến thăm mọi người” - ông trưởng thôn 73 tuổi Nguyễn Văn Chí vừa chèo ghe vừa ngoảnh lại chào mọi người trước khi về.
3.
Thuyền chúng tôi trở lại bến Dã Viên khi đã quá trưa. Dù đôi chút mệt mỏi nhưng ánh mắt các thành viên trong đoàn đều lộ rõ niềm vui.
Trên sông, thuyền của các “đội cứu trợ Cụ Hồ” miệt mài rẽ sóng chở gạo, nhu yếu phẩm về tiếp sức cho bà con vùng lũ. Người từ Bắc vô, người từ Nam về, tất cả đang hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt với sự chia sẻ chân thành nhất. Cầu mong sóng gió nhanh qua, bình yên sớm trở lại trên mảnh đất khốn khó này.
Đã hơn một tuần chúng tôi có mặt ở mảnh đất miền Trung để đồng hành cùng với bà con. Hôm nay những chuyến cứu trợ tiếp tục...
Hàng ngàn phần quà theo chân nghệ sĩ đến đồng bào vùng lũ Sáng nay, 23-10, các nghệ sĩ Trường Giang, Nhã Phương, Diễm My 9x, Ái Phương, Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Buzi Hà Nội… sẽ cùng đoàn báo Pháp Luật TP.HCM đến hỗ trợ người dân ở những nơi là rốn lũ của Quảng Bình. Hôm nay, hơn 2 tấn hàng đã được chuyển đến Quảng Bình để các nghệ sĩ và báo cứu trợ khẩn cấp cho người dân huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn. Riêng trong ngày 23 và 24-10, các nghệ sĩ đồng hành với Pháp Luật TP.HCM trong hành trình hướng về người dân miền Trung sẽ trao 700 phần quà đến các xã ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Mỗi phần quà không chỉ là hiện kim mà là hàng ngàn bộ quần áo mới từ sơ sinh đến người lớn, là 700 chiếc mền giữ ấm, là những món thực phẩm dùng ngay như mì, cháo yến… Cùng với đó là bốn chiếc canô dành cho hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy sử dụng cho cứu trợ, cứu hộ. Những phần quà này từ bạn đọc, mạnh thường quân của báo Pháp Luật TP.HCM; từ sự kêu gọi của nghệ sĩ Trường Giang - Nhã Phương cùng Công ty Tiki, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam; Công ty cổ phần dinh dưỡng Khánh Hòa…hỗ trợ hành trình đến với người dân miền Trung của báo. |