Thùy My hiện là một trong hai người góp vốn lớn nhất, cũng như nắm quyền điều hành quỹ Fuel. Cô từng tốt nghiệp trường Centre College ở Kentucky (Mỹ). Trước đó, My từng tham gia nhóm nhạc Tymyty cùng Thùy Trang, Thùy Lâm - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Năm năm 2008.
Mong muốn đưa những công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam
Quỹ đầu tư Fuel mà chị đang điều hành ở Mỹ có vị trí như thế nào nếu so sánh với các quỹ khác tại đây?
Ở Mỹ có rất nhiều quỹ đầu tư và người ta thường phân thành 3 loại: những quỹ lớn có vốn khoảng từ 500 triệu đô trở lên, quỹ tầm trung từ 100 tới dưới 500 triệu đô và dưới 100 triệu đô được coi là quỹ nhỏ. Theo cách phân loại ấy, Fuel là một quỹ tầm trung. Nhưng điều thú vị là 50% thành viên của quỹ xuất phát từ thị trường niêm yết. Ngoài ra, thay vì đặt trụ sở tại Thung lũng Silicon như nhiều quỹ khác, nhóm của My chọn Miami - một thành phố rất phát triển, hội tụ nhiều founder và thuận lợi khi kết nối với châu Âu.
Là một người phụ nữ nhập cư, chị đã bắt đầu với công việc này thế nào?
Trước khi làm ở Fuel, My từng làm nhiều năm ở các quỹ và thị trường niêm yết. Nhưng từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009, các kênh đầu tư như cổ phiếu hay trái phiếu ở Mỹ dần mất hấp dẫn. Mọi người chú ý nhiều hơn tới thị trường tư và thấy rằng, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh với tốc độ quá nhanh.
Ví dụ, Amazone năm 1997 bước vào thị trường niêm yết khi mới 3 tuổi và định giá công ty chỉ khoảng 3 triệu đô. Nhưng sau này, những công ty như Facebook, Google hay Uber tới lúc chào bán chứng khoán công khai (IPO) đã có tuổi đời 10 năm và đạt giá trị tới cả tỷ đô.
Các nhà đầu tư hiểu rằng, muốn thu được lợi nhuận cao, phải đầu tư vào startup từ rất sớm, chứ nếu đợi các công ty này IPO thì đã quá trễ. Vì thế, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm dần phát triển. Những người có khả năng đầu tư từ sớm đã nói với My rằng, họ muốn My đi tìm giúp những cơ hội mới hấp dẫn như thế.
Chính điều đó thúc đẩy My rời thị trường niêm yết và tìm tới quỹ Fuel. Trước đó, My cũng làm phân tích tài chính và có bằng CFA (một chứng chỉ 3 cấp độ do Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp). Nên khi tới Fuel, My cũng bắt đầu với vị trí chỉ là chuyên viên phân tích tài chính.
Nhưng bằng sự nỗ lực, kinh nghiệm đã có, chỉ trong vòng 2,5 năm, My trở thành người quản lý quỹ về mặt đầu tư và cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này tại đây.
Cụ thể là những kinh nghiệm gì đã giúp chị nhận được sự tín nhiệm và thăng tiến nhanh như vậy?
Mặc dù Fuel là một quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng vì 50% thành viên đều đến từ thị trường niêm yết nên có khả năng quản lý rủi ro rất tốt. Ví dụ, My thường chọn rót vốn ở vòng Seed Round hoặc Seri A (hai vòng gọi vốn đầu tiên), nhưng không bao giờ rót một khoản quá lớn. Bởi vì My coi khoản vốn ban đầu chỉ là cơ hội giúp quỹ đầu tư và founder được làm việc sâu với nhau. Chỉ khi được đứng ở góc nhìn bên trong như thế, mình mới có cơ hội hiểu rõ nội tình hoặc những rắc rối mà doanh nghiệp đang vướng phải.
Cách làm này giúp quỹ kiểm soát được rủi ro, đồng thời cũng giúp founder có động lực hoàn thành mục tiêu để nhận được những khoản vốn tiếp theo.
Ngoài ra, My rất linh hoạt trong các khoản đầu tư. Ví dụ, có những khoản đầu tư cho công ty có khả năng thành kỳ lân (unicorn), nhưng cũng có những khoản sẽ rót cho các công ty chỉ để nó tăng tốc, phát triển và exit (bán lại cho các công ty lớn). Nhờ mối quan hệ trong thị trường niêm yết, My có thể định giá tốt các công ty, biết được nó có khả năng phát triển tới đâu, nên exit ở khoảng nào... hoặc nếu muốn đi ra thị trường niêm yết thì phải làm sao, muốn bán lại thì nên gặp đối tác nào có thể mua.
Hẳn đó là một công việc rất thú vị!
Đúng vậy. Vì My được tham gia hợp tác cùng các startup từ rất sớm, nên các founder thường rất tin tưởng, lắng nghe mình và những lời khuyên, tiếng nói của mình cũng có giá trị hơn.
Thứ hai, vị trí của My cho phép mình được ngồi cùng những thành viên HĐQT của các công ty mà nhiều người trong số họ là các doanh nhân, nhà đầu tư lọc lõi, có nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, quỹ của mình đầu tư chủ yếu vào công nghệ thông tin, nên khi My ngồi nghe những người founder thuyết trình về ý tưởng của họ thì My mới biết rằng: à, thì ra công nghệ đã phát triển nhanh như vậy, có thể giúp cho con người nhiều như vậy và nếu không làm trong lĩnh vực này, chưa chắc My đã biết những điều đó.
Có những công nghệ nào khiến chị đặc biệt ấn tượng?
Có rất nhiều startup có công nghệ lõi rất hay mà My rất muốn đưa về Việt Nam. Ví dụ như Curve, một công ty fintech (công nghệ tài chính) ở UK đang scale up (tăng trưởng) rất nhanh. Công ty này sở hữu plat form (nền tảng) cho phép người dùng đưa 5-6 tài khoản ngân hàng của mình lên trên đó. Khi quẹt thẻ, họ có thể chọn lựa tài khoản ngân hàng mình muốn thông qua ứng dụng trên điện thoại.
Ví dụ, nếu bạn mời đối tác đi ăn trưa bằng tiền của cơ quan, nhưng lại quẹt nhầm bằng thẻ cá nhân, thì chỉ cần thao tác trên app này để điều chỉnh. Hoặc khi bạn đi mua ti vi và đã trả hết tiền ở cửa hàng, nhưng sau đó lại đổi ý, muốn trả góp hàng tháng thì ứng dụng cũng có thể trả tiền lại tiền cho bạn và hàng tháng sẽ đều đặn trừ đi khoản phải trả góp.
Hoặc một công nghệ khác mà My chỉ ước giá như có thể sớm đưa về Việt Nam. Đó là công ty Ubicquia, chuyên về lĩnh vực smart city (thành phố thông minh) và mạng 5G ở Florida. Công ty này phát triển một thiết bị mà khi gắn vèo đèn đường thì có thể điều khiển đèn từ xa, giúp tiết kiệm năng lượngg. Ngoài ra, nó còn giúp đèn đường phát wifi, quay video, thu audio... Điều đó có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà quản lý để giải quyết những sự vụ trên đường, đảm bảo an ninh. Hơn nữa, wifi cũng hỗ trợ xe không người lái và xây dựng thành phố thông minh.
'Người Việt muốn thành công ở Mỹ phải cố gắng gấp 10 lần những người khác"
Khi chị nói muốn đưa những công nghệ hiện đại đó về Việt Nam, chị đã có hành động gì cụ thể hay chưa?
My luôn ấp ủ mong muốn một ngày nào đó có thể đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Ở bên này, My đang đầu tư cho công ty của anh Vũ Duy Thức (Thức Vũ - founder & CEO người Việt tại công ty Ohmni Labs - một startup chuyên sản xuất robot). My và anh Thức cũng đang lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư ở Việt Nam hoặc ở khu vực Đông Nam Á, giúp kết nối các nhà đầu tư, các chuyên gia ở Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc ngược lại.
Anh Thức là người rất giỏi về công nghệ còn My lại có năng lực về tài chính, kinh doanh... Khi kết hợp như vậy, anh Thức có thể đánh giá về phần công nghệ, còn My sẽ lo các phần khác.
Chuyện đưa nền tảng công nghệ từ Mỹ về Việt Nam là đi, Mỹ nghĩ là điều rất khả thi, miễn sao công nghệ đó phù hợp với thị trường, nhu cầu của người Việt. Chẳng hạn, ứng dụng Elsa Speak (dạy nói tiếng Anh) của chị Vũ Văn (Văn Đinh Hồng Vũ) xây dựng và gọi vốn tại Mỹ cũng đang phát triển rất tốt ở thị trường Việt.
Ở chiều ngược lại, My nghĩ rằng rất nhiều startup Việt đang rất cần vốn cũng như hệ sinh thái tốt để phát triển. Vì thế, My rất muốn xây dựng hệ sinh thái đó ở Việt Nam, bao gồm các yếu tố hỗ trợ về luật, marketing, làm sản phẩm... cũng như kết nối các nhà đầu tư ở Mỹ mà mình có mối quan hệ với các founder Việt.
Khi nói đến những founder Việt ở đất Mỹ như anh Thức Vũ hay chị Vũ Văn, chị có đánh giá gì về họ?
Khi đứng trên đất Mỹ mà My vẫn có thể rót vốn vào một công ty do người Việt làm founder & CEO như trường hợp đối với anh Thức thì đó là một dấu ấn rất đặc biệt. Trong số nhiều startup, My đánh giá Ohmni Labs của anh Thức rất tiềm năng khi sản phẩm nhận được phản hồi rất tốt tại Mỹ cũng như ở thị trường Nhật Bản.
Đối với My, anh Thức và chị Vũ Văn đều là những người có bằng cấp cao ở các trường danh giá hàng đầu tại Mỹ. Họ cũng là những người tài năng, thân thiện và rất biết cách tạo mối quan hệ.
Nói thẳng ra, để build (xây dựng) được công ty giống như chị Vũ Văn hay anh Thức không dễ. Có lẽ, họ đã phải nỗ lực nhiều hơn gấp 10 lần những người Mỹ khác. Bởi vì cả hai đều không có bất cứ nền tảng nào tại Mỹ như gia đình, họ hàng hay các mối quan hệ... Trong khi đó, thị trường startup ở đây rất cạnh tranh và để gọi được vốn qua nhiều vòng như Ohmni Labs hay Elsa Speak đều rất khó khăn.
Thực sự là người Việt Nam muốn thành công ở Mỹ đều phải nỗ lực hơn người bản xứ nhiều lần như vậy sao?
My cảm thấy, những người sinh ra ở đây, nói tiếng Anh chuẩn, có gia đình, bạn bè, họ hàng... thì họ đã có bàn đạp cao hơn My một bậc rồi. Điều ấy giống như chuyện nếu bạn khởi nghiệp, và có quan hệ với quỹ đầu tư thì việc gọi vốn sẽ dễ hơn rất nhiều so với người không hề có mối quan hệ từ trước.
Những người này, khi gọi vốn sẽ phải phụ thuộc phần lớn vào vận may. Họ thường nhấc điện thoại lên hoặc gửi email, nếu may mắn, đề nghị của của họ sẽ được các quỹ đầu tư chú ý, còn nếu không may, họ sẽ bị bỏ qua, bởi vì ở Mỹ có quá nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Nhìn nhận anh Thức và chị Vũ Văn thì mình nghĩ là họ đều có sự nỗ lực rất cao và đã cố gắng rất nhiều vì thành công ở Mỹ không dễ, do môi trường bên này rất cạnh tranh. Trong khi đó, từ lúc học Đại học họ mới qua đây và mọi thứ đều phải xây dựng từ đôi bàn tay trắng.
Đối với chị thì sao? Chặng đường gây dựng sự nghiệp của chị ở đất Mỹ có gì đáng nhớ không?
My tốt nghiệp năm 2009, đúng vào lúc xảy ra khủng hoảng tài chính nên rất khó kiếm việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính vì khủng hoảng đã gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính ở Mỹ.
Năm đó, những sinh viên nước ngoài như My chỉ có vỏn vẹn 90 ngày để tìm kiếm việc làm, nếu không tìm được, My và mọi người sẽ phải rời khỏi xứ cờ hoa. Trong 90 ngày đó, My nhận đại một công việc phân tích tài chính ở Kentucky.
Vô tình trên chuyến bay từ New York về Kentucky, My ngồi cạnh một vị Giám đốc quỹ đầu tư tại Florida. My xin contact của ông ấy và giữ liên lạc với ông mỗi tuần. Sau đó không lâu, ông ấy khuyến khích My nên đi thi bằng CFA vì đó là điều kiện để được làm việc ở các quỹ đầu tư.
My đi thi và đỗ level 1 với điểm số cao. Lúc đó, công ty của vị giám đốc nọ không hề có vị trí dành cho My, nhưng ông ấy đã thuyết phục mọi người mở ra một vị trí mới cho My làm việc. My rời Kentucky, bỏ lại mọi thứ để tới Florida bắt đầu công việc mới và thi tiếp level 2, level 3 của bằng CFA. My đậu 3 level liên tiếp, không rớt lần nào và đều được điểm cao. Cuối cùng thì My được cất nhắc lên làm quản lý cho Giám đốc và dần dần trở thành cánh tay phải của ông.
Nhiều người nghe như vậy thường nói My may mắn, nhưng My nghĩ, nếu không có sự cố gắng thì cơ hội cũng không đến.
Sau những trải nghiệm như vậy, chị nghĩ rằng muốn thành công nơi xứ người, điều gì là quan trọng nhất?
My nghĩ rằng, trong cuộc sống này, tất cả mọi thứ mình đều có thể control (kiểm soát) được ngoại trừ yếu tố may mắn. Đó là kinh nghiệm mà My rút ra được từ năm 17 tuổi đi học xa nhà. Việc của mình là phải rèn luyện bản thân tới một mức mà khi cơ hội đến, mình chỉ có chớp lấy và chạy tiếp thôi.
Giống như My cũng không ngừng nỗ lực và luôn coi bản thân chính là đối thú lớn nhất. Mỗi năm, My đều hoạch định kế hoạch cho bản thân và nhìn lại xem mình đã làm được gì. Nếu đến tháng 12 mà chưa làm được gì thì My cảm thấy mình đã thua chính mình của năm ngoái. Cuộc sống như vậy sẽ hơi mệt mỏi, áp lực, nhiều khi mình phải rất tranh thủ. Ví dụ như con nhỏ vừa ngủ xong là My phải ngồi vào máy tính đọc rồi làm việc. Vì cái nghề này muốn hướng dẫn được founder thì mình phải có kiến thức, thông tin và phải luôn cố gắng như thế.
Mặc dù vất vả nhưng My nghĩ cuộc sống luôn có mục tiêu, luôn phát triển bản thân như vậy rất thú vị. Đối với My, sự nỗ lực không ngừng nghỉ là lý do quan trọng nhất dẫn tới thành công.
Gặp tai nạn đến nỗi suýt bị liệt nhưng vẫn cứng đầu ở lại Mỹ
Ngoài khó khăn lúc tìm việc, chị có gặp thách thức nào khác không?
Năm 2009, ngoài khó khăn về việc làm thì My còn bị tai nạn xe, phải nằm bất động trong bệnh viện mất một tháng, bác sĩ nói rằng, thêm chút xíu nữa thôi là My bị liệt.
Lúc đó vừa tốt nghiệp xong, chưa làm được gì hết và My đã từng suy nghĩ là, liệu quyết định đi du học của mình có đúng đắn hay không? Rất may mắn, lúc My bị tai nạn thì ba mẹ cũng có mặt và đã ở lại Mỹ để chăm sóc My suốt một tháng.
Tới bây giờ, những vết thương của My vẫn không thể hồi phục hoàn toàn. Có lẽ, nhiều người sau tai nạn khá nặng như vậy sẽ nghĩ tới chuyện về nước, để khi ốm đau có người thân ở bên, nhưng My vẫn cứng đầu muốn ở lại đây.
Vì sao vậy?
Vì My nghĩ rằng, lúc đó My chỉ mới học xong thôi, chưa có kinh nghiệm gì, nếu có về Việt Nam cũng chỉ là mang theo một tấm bằng ở Mỹ. Trong khi đó, My đã hy sinh nhiều năm xa nhà, không được đón Tết, đón sinh nhật bên người thân. Nếu chỉ để đổi lấy một cơ thể không còn khỏe như cũ và một tấm bằng ĐH từ nước Mỹ thì My nghĩ rằng, cuốc đầu tư này sinh lời kém quá. Và một người thích đầu tư như My không chấp nhận chuyện đó.
Cố gắng ở lại Mỹ sau nhiều năm, My nghĩ với khả năng của mình hiện tại nếu về Việt Nam thì sẽ giúp được điều gì cho quê hương?
My rất muốn ở lại Mỹ, và chỉ đi đi về về với Việt Nam. Vì cuộc sống và các mối quan hệ My xây dựng được nằm ở đây. Khi đã có mối quan hệ với nhà đầu tư lớn, lúc đó My có thể giúp được nhiều thứ cho các founder Việt hơn là khi My mới chỉ là cô bé sinh viên vừa ra trường.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!