Lợi nhuận quý 3 của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy tốt hơn kỳ vọng trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngân hàng đang cho thấy sự "hụt hơi" và đối diện với nợ xấu tăng mạnh.
Bước vào thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh trong quí 3, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang cho thấy vẫn sống ổn trong bối cảnh dịch COVID-19 khi có kết quả kinh doanh khả quan.
Ngân hàng MSB mới đây đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 3 cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.666 tỉ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này giúp ngân hàng vượt gần 116% kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Tương tự là trường hợp vượt kế hoạch của ngân hàng LienVietPostBank, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 1.741 tỉ đồng. Một trường hợp khác là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 92% kế hoạch, tương đương gần 9.400 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỉ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.
Trường hợp Sacombank dù lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 6,6% so với cùng kỳ, đạt 2.325 tỉ đồng, tuy nhiên vẫn hoàn thành trên 90% kế hoạch đặt ra trong năm nay.
Nhiều ngân hàng khác thì vẫn bám sát kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm nay. Như trường hợp của SeABank, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 1.311 tỉ đồng, tăng đến 65,8%, đạt hơn 75% kế hoạch đặt ra. Hay TPBank cũng hoàn thành hơn 74% kế hoạch với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 3.023 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những gam màu sáng thì kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng khác, trong đó có cả những ông lớn đang cho thấy nhiều vấn đề khó khăn trước tác động của đại dịch COVID-19. Nguồn thu từ dịch vụ cũng bị ảnh hưởng do ngân hàng phải giảm phí cho khách hàng. Trong khi đó, nợ xấu có chiều hướng tăng, đòi hỏi các ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 giảm đến 52% và 54% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 86 tỉ đồng và gần 66 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của Vietbank vẫn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ khi chỉ mang về hơn 487 tỉ đồng lãi thuần. Chi phí dự phòng tín dụng tăng đến 80% (66 tỉ đồng), do đó, lãi trước và sau thuế giảm so với cùng kỳ, chỉ còn gần 374 tỉ đồng và 295 tỉ đồng. Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30.09.2020, tổng nợ xấu của Vietbank tăng đến 61% so với đầu năm, lên mức gần 868 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 54%, nợ nghi ngờ tăng 65% và nợ có khả năng mất vốn tăng 62%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,32% của đầu năm lên 2,03%.
Trường hợp tương tự là Ngân hàng TMCP Bắc Á, dù theo BCTC quý 3 cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 44%, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 của ngân hàng vẫn giảm 20% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 169 tỉ đồng và gần 136 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng Bắc Á giảm 19% so với cùng kỳ, đạt hơn 522 tỉ đồng và hơn 418 tỉ đồng. Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30.09.2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng Bắc Á tăng 19% so với đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ gấp 15,6 lần, nợ có khả năng mất vốn tăng 38%, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn giảm 92%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,69% hồi đầu năm lên 0,81%.
Cũng vì khó khăn do đại dịch, nên không ít ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng âm trong nửa đầu năm nay đơn cử như Eximbank là -9%, Saigonbank là -2,79%....
Xem thêm: odl.858748-gnah-nagn-nauhn-iol-ueihc-iart-hnart-cub/et-hnik/nv.gnodoal